Thêm áp lực cho cam kết 1%
Đã có thêm nhiều áp lực đối với cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là tỷ giá chỉ tăng 1% tính đến cuối năm.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng (8 lần) trong hơn một tuần qua. Đợt điều chỉnh thứ 8 (đưa tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 20.723 đồng/đô la Mỹ, sáng ngày 18-10) với tổng mức tăng là 95 đồng, theo các chuyên gia đã khiến đồng nội tệ mất giá hơn 0,46% trong vòng hai tuần qua.
Trên thị trường thế giới, chỉ số đồng đô la Mỹ cũng tăng trong thời gian này (đầu tuần này chỉ số đồng đô la tăng 0,72%) khiến tỷ giá trong nước cũng có xu hướng tăng theo.
Tuy nhiên, theo mục tiêu của NHNN, tỷ giá chỉ có thể lên khoảng 20.840 đồng/đô la Mỹ vào cuối năm, trong khi đó trên thị trường tự do giá đô la Mỹ vẫn đang dao động quanh mức 21.400 đồng. Việc tăng tỷ giá của NHNN được hiểu là NHNN muốn kéo sát tỷ giá chính thức với tỷ giá thị trường tự do, giúp các ngân hàng huy động ngoại tệ dễ dàng hơn và tránh tình trạng giật cục về tỷ giá vào cuối năm. Song, những sức ép với tỷ giá lại xuất hiện ngày càng nhiều.
Trước hết, thanh khoản trên thị trường ngoại hối tuần qua đã yếu hơn. Tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá thị trường tự do đầu tuần này đã tăng trở lại so với cuối tuần trước mà theo các ngân hàng là do sức mua đô la Mỹ của các doanh nghiệp tăng mạnh khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Sự mất cân đối giữa tín dụng và huy động ngoại tệ (tính đến ngày 20-8 lên đến 7 tỉ đô la Mỹ, theo NHNN) khiến cho rủi ro tỷ giá cuối năm đã rất lớn lại càng tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân đối là do chênh lệch lãi suất cho vay giữa tiền đồng và đô la Mỹ lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu đô la Mỹ để nhập hàng cuối năm và để trả nợ của doanh nghiệp cũng tăng cao. Khi lãi suất tiền đồng giảm, dòng tiền đầu cơ lãi suất chảy ngược lại, kết quả là tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh.
Trong khi đó, người dân trước sự kém hấp dẫn của lãi suất tiền đồng đã chuyển sang tích lũy đô la Mỹ và mua vàng nhiều hơn, qua đó làm tăng cầu ngoại tệ. SJC và các ngân hàng được phép bán vàng huy động cũng phát sinh nhu cầu mua đô la Mỹ để nhập khẩu vàng.
Thứ hai, các vụ vỡ nợ trên thị trường tín dụng đen khiến người ta thận trọng hơn với nợ xấu của các ngân hàng và tiền đồng. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tuần qua có ngày đã tăng đến 25%/năm cho kỳ hạn một tháng là dấu hiệu cho thấy một số ngân hàng rất thiếu thanh khoản tiền đồng. Riêng các ngân hàng quốc doanh, ở tư thế người chào vay, dù thấy lãi suất cao nhưng lại giảm cho vay bởi họ cần giữ vốn để dự phòng các rủi ro nợ xấu. Còn lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu của NHNN dành cho các ngân hàng cũng không còn rẻ như trước. Vụ lừa đảo trên thị trường OTC đang được xác minh có liên quan đến các khoản nợ xấu của một số ngân hàng lớn, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và cá nhân với giá trị hơn 5.000 tỉ đồng là dấu hiệu cho thấy thị trường vốn đang có nhiều bất ổn.
Thứ ba, các dấu hiệu bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trên thị trường chứng khoán gần đây khiến người ta không khỏi lo lắng về một đợt rút vốn mạnh tay của dòng vốn gián tiếp. Nguồn cung đô la Mỹ vì thế càng chịu nhiều áp lực.
Đáng lưu ý hơn cả là thị trường ngoại tệ tự do đã sôi động trở lại sau hơn nửa năm được “thả lỏng”. Tỷ giá tự do tuần qua tăng mạnh đã kéo theo sự dịch chuyển của tỷ giá chính thức. Nếu để việc này tiếp tục, sức ép lên tỷ giá sẽ càng cao.
Song, nếu tiếp tục để tỷ giá thị trường tự do lớn hơn tỷ giá chính thức, các nguồn đô la Mỹ cuối năm, đặc biệt là kiều hối, sẽ không chảy vào ngân hàng. Dòng kiều hối năm 2011 được dự báo 7-8 tỉ đô la Mỹ (khoảng 50% lượng tiền này đổ về vào hai tháng cuối năm). Các chuyên gia nhận định, việc NHNN có kiên quyết tiếp tục siết chặt quản lý thị trường ngoại tệ tự do hay không sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến mức độ mất giá của tiền đồng. Nếu thị trường tự do tiếp tục được thả lỏng, NHNN sẽ phải tiếp tục căng kéo nguồn đô la Mỹ để bình ổn thị trường. Tỷ giá chính thức sẽ khó lòng giữ được mức tăng 1% cho đến cuối năm.
Hồng Phúc
tbktsg
|