Đổ vỡ tín dụng cá nhân: Khởi đầu hay kết thúc?
Tín dụng “đen” không phải là chuyện mới ở Việt Nam. Vỡ nợ cũng là những bài học cũ. Tuy nhiên, trong khoảng một tháng nay, liên tiếp các vụ đổ vỡ tín dụng cá nhân đã diễn ra - tập trung nhiều ở thị trường phía Bắc, nhỏ nhất cũng vài trăm tỉ đồng, lớn thì lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Nguyên nhân có phải do nhà đầu tư quá “ngây thơ”, không hiểu hết các rủi ro từ tín dụng “đen” hay do thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi của nhóm người huy động vốn? Nếu câu trả lời là không thì các sự kiện mới dồn dập xảy ra là điểm mở đầu, ở giữa hay kết thúc của một chuỗi quay vòng tín dụng trong nền kinh tế? Đây là sự trùng lặp ngẫu nhiên hay là kết quả tất yếu của chính sách thắt chặt tiền tệ? Đổ vỡ tín dụng cá nhân có khả năng lan sang doanh nghiệp và các tổ chức lớn?
Tại sao tín dụng cá nhân đồng loạt đổ vỡ?
Có lẽ tất cả nên bắt đầu từ câu hỏi: Ai sẵn sàng đi vay với lãi suất 5-7%/tháng, tương đương với 60-84%/năm? Đối tượng chính sử dụng nguồn vốn tạm gọi là tín dụng “đen” này có một số nhóm chính:
Doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân có nhu cầu vốn để đầu tư hay đảo nợ nhưng không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do không có đủ tài sản thế chấp hoặc do cần gấp trong thời gian ngắn.
Doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân có hoặc chỉ đơn giản nghĩ là có các cơ hội tiềm năng nhưng do thị trường đặc biệt khó khăn nên không có tiền đảo nợ đúng hạn, phải dùng “tạm” các nguồn tín dụng “đen” cho đến khi thị trường khởi sắc. Tuy nhiên, nếu đã là các cơ hội tốt, nếu doanh nghiệp thực sự tốt thì tại sao không đàm phán được với ngân hàng? Câu trả lời thường chỉ có một: Doanh nghiệp hay cá nhân đó đang gặp vấn đề và trở nên quá rủi ro đối với việc cấp thêm tín dụng từ phía ngân hàng.
Doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân kỳ vọng vào các khoản đầu tư siêu lời từ lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản hay chứng khoán; nếu thắng có thể đủ để trả nợ cho mức lãi vay “cắt cổ” ở trên. Mà cũng chỉ có hai lĩnh vực này vài năm gần đây mới có thể thu hút được lòng tham của nhà đầu tư đến như vậy vì vàng và ngoại tệ cũng có thể sinh lời nhưng không phải là các khoản đầu tư siêu lợi nhuận.
Sau khi tiếp cận được với nguồn tín dụng “đen”, câu hỏi tiếp theo là làm cách nào để trả được lãi vay, chưa kể tiền gốc? Có hai kịch bản chính đối lập nhau:
Thứ nhất, cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân đem đầu tư vào các tài sản có khả năng mang lại siêu lợi nhuận, ít nhất là 100%, đủ để trả lãi và một phần gốc. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, thị trường chứng khoán hay bất động sản “thăng hoa” thì siêu lợi nhuận không phải là hiếm gặp nếu sử dụng đòn bẩy phù hợp. Trong trường hợp này cả bên cho vay và bên đi vay cùng có lợi; sau một vài lần “đúng hẹn”, niềm tin sẽ tăng lên cùng số tiền huy động được.
Chỉ có một tia sáng duy nhất từ việc vỡ tín dụng với một quy mô vừa phải là thị trường sẽ thanh lọc các công ty có mô hình hoạt động quá rủi ro, không bền vững, đồng thời cũng là một bài học lớn đối với các cá nhân, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà quên đi việc kiểm soát rủi ro. Trải qua nhiều sóng gió của thị trường, xem ra lý thuyết lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao luôn đúng! |
Thứ hai, cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân “đâm lao thì phải theo lao”, gặp thị trường khó khăn hơn dự kiến, không có được các khoản đầu tư siêu lợi nhuận, không còn khả năng trả lãi như trước, cách duy nhất để cứu vãn tình thế tạm thời là đi vay ở nơi khác để trám vào các khoản đáo hạn. Lãi mẹ đẻ lãi con; chính vì thế quy mô tín dụng không ngừng tăng lên và trở thành một chuỗi đô-mi-nô: càng nợ nhiều càng phải vay nhiều - càng vay nhiều càng phải nợ nhiều.
Biên giới giữa hai kịch bản trên tuy đối lập nhưng rất mong manh, sẽ đổi chỗ cho nhau khi một vài thương vụ thành công hay thất bại. Tín dụng “đen” sẽ phát triển rất nhanh và mạnh, xóa hết sự hoài nghi của các nguồn cung cấp tín dụng nếu thị trường tốt, nhưng cũng sẽ đổ vỡ rất nhanh nếu các cơ hội làm ăn đồng loạt đóng băng như hiện nay. Với kịch bản thứ hai, nếu thời gian chịu đựng càng kéo dài thì hậu quả càng lớn vì sức chịu đựng có hạn; khi một mắt xích bị “tuột” thì kéo theo cả một sợi dây dài.
Đổ vỡ tín dụng - có dừng lại ở cá nhân?
Điểm qua năm, sáu vụ vỡ nợ xảy ra trong thời gian gần đây, quy mô cũng gần chạm mức 10.000 tỉ đồng (theo dự toán tạm thời). Nhưng nếu chỉ xảy ra trong phạm vi các cá nhân thì liệu họ có chừng đó tiền để cho các “siêu lừa” vay? Như vậy, nguồn tiền còn có chân rết từ các “thế lực” có tiềm năng lớn hơn, có khả năng cung cấp từ vài chục tới vài trăm tỉ đồng - đó là doanh nghiệp lớn và ngân hàng.
Tại sao doanh nghiệp lại có khả năng tham gia vào việc cho vay lãi cao trong khi có thể lường trước được các rủi ro? Câu trả lời vẫn là lợi nhuận. Điểm mặt hơn 700 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, nhiều khả năng không tới 20% số doanh nghiệp lãi được trên 10% vốn chủ sở hữu trong năm 2011, dù ở bất kỳ ngành nghề gì. Như vậy, nếu đem cho vay, chỉ cần với lãi suất 2-3%/tháng thì đã đạt mức lợi nhuận 25-35%/năm dù không phải làm gì. Chưa kể, nếu không đưa vào sổ sách toàn bộ lãi vay thực tế thì sẽ có một số cá nhân được hưởng chênh lệch lãi suất từ các khoản “chi ngoài”.
Quan sát các vụ vỡ tín dụng trong thời gian gần đây, các sự việc đều bắt nguồn từ các cá nhân không còn khả năng chi trả, nhưng càng tìm hiểu kỹ càng phát hiện thêm các doanh nghiệp sân sau tham gia, trong đó có nhiều ngân hàng, cả lớn và nhỏ, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi. Tổng tỷ trọng cho vay từ các tổ chức tất nhiên phải gấp nhiều lần từ phía cá nhân. Tuy nhiên, do đi qua nhiều kênh trước khi đến được các cá nhân huy động nên trong thời gian ngắn chưa thể kết nối ngay được các tổ chức đó. Nhưng sớm hay muộn thì vụ việc cũng sẽ xảy ra và hậu quả lớn nhất tất nhiên là hướng về các nguồn cho vay lớn nhất.
Về phía các ngân hàng, nếu lãi suất huy động xấp xỉ 20% thì lãi vay thực tế cho nhiều khoản vay phải cao hơn rất nhiều. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, đa phần không thể chịu nổi mức lãi vay này nên nguồn tín dụng của ngân hàng tất yếu sẽ chuyển sang các khoản vay rủi ro hơn như bất động sản và chứng khoán. Đây chính là nguy cơ tiềm năng của việc đổ vỡ tín dụng nếu khó khăn kéo dài quá lâu cộng với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước.
Hậu quả cuối cùng hay kết quả mở đầu?
Thị trường ảm đạm trong khoảng một năm trở lại đây nhưng tại sao lại đợi đến thời gian này mới thực sự đổ vỡ? Các chính sách kinh tế luôn cần có một thời gian để phát huy tác dụng (lagging) thì tương tự, đổ vỡ tín dụng cũng cần thời gian tương tự để các chủ nợ bị dồn đến đường cùng. Gần đây, một số cơ quan chức năng bắt đầu cảnh báo việc gia tăng các vụ đổ vỡ tín dụng cho thấy xu hướng này dường như mới chỉ bắt đầu. Nếu thị trường không kịp hồi phục, và khả năng sẽ không thể sớm bình phục, thì khó có thể tưởng tượng được khi nào các vụ tiếp theo sẽ xảy ra. Có điều chắc chắn là do tính chất dây chuyền nên một vụ đổ vỡ sẽ thúc đẩy các chuỗi đổ vỡ tiếp theo có liên đới với nhau và không loại trừ quy mô sẽ lớn hơn. Vì tín dụng “đen” hoạt động không có kiểm soát nên rất khó để thống kê cũng như ước tính số liệu trong tình huống xấu nhất, và đây chính là rủi ro lớn nhất
Liệu chính sách điều hành tiền tệ có liên quan gì đến các vụ vỡ nợ gần đây hay không? Dù chưa có câu trả lời nhưng rõ ràng các ngân hàng nhỏ đang gặp nhiều vấn đề về thanh khoản, đẩy lãi vay liên ngân hàng sát 20% thậm chí 30%, tiền bị rút khỏi ngân hàng nhỏ chuyển sang các ngân hàng lớn và các địa điểm đầu tư khác. Nếu giả định các ngân hàng nhỏ trước đây do huy động vốn với lãi suất cao hơn nên cũng phân bổ nguồn vốn vay tới các tài sản rủi ro hơn thì một khi dòng tiền bị chặn lại, sẽ có rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp chịu hậu quả. Suy nghĩ sâu xa hơn, ngân hàng là nơi cung cấp vốn, nếu cá nhân và các doanh nghiệp bị phá sản thì ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Hệ quả rất lớn nếu đổ vỡ tín dụng lan sang hệ thống ngân hàng một cách hệ thống và nằm ngoài tầm kiểm soát.
Hùng Nguyễn
TBKTSG
|