Thế giới nỗ lực kiềm chế giá lương thực
Làm thế nào để kiềm chế giá lương thực đang tăng chóng mặt là chủ đề trọng tâm được bàn thảo trong cuộc họp của hai tổ chức về lương thực của LHQ ngày 17-10 tại Rome (Ý) nhân Ngày lương thực thế giới. Trong đó nhấn mạnh việc các nước giàu đổ xô mua đất nông nghiệp của các nước nghèo đang góp phần đẩy hàng tỷ người đối mặt với thảm họa thiếu lương thực.
Tước đoạt đất nông nghiệp
Theo AFP, Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) và Ủy ban an ninh lương thực thế giới (CFS) sẽ đưa ra các báo cáo về việc đầu cơ đất nông nghiệp mà nhiều tổ chức phi chính phủ gọi là “tước đoạt đất nông nghiệp” của nước nghèo. Trước đó, Via Campesia, Oxfam, Friends of the Earth International và hơn 800 tổ chức khác trên thế giới đã nộp đơn kiến nghị lên LHQ yêu cầu tổ chức này có biện pháp cứng rắn đối với vấn đề thuê, mua đất canh tác và bảo vệ nông dân đang bị bần cùng hóa bởi xu hướng trên.
Lũ lụt tại Thái Lan khiến sản lượng lúa của nước này giảm mạnh, ảnh hưởng đến lượng gạo xuất khẩu.
Theo Kirtana Chandrasekaran thuộc Friends of the Earth International, các nhà đầu tư tư nhân đang thu về những món lợi khổng lồ nhờ thu gom đất nông nghiệp ở các nước đang phát triển, đẩy hàng triệu nông dân rơi vào cảnh thất nghiệp và đặt hàng tỷ người đối mặt với thiếu hụt lương thực trong tương lai. Các tổ chức trên kêu gọi chính phủ các quốc gia trên thế giới hợp tác, hành động khẩn cấp để các cộng đồng dân cư trên thế giới đều có quyền tiếp cận đất canh tác, giúp duy trì lương thực ổn định trong tương lai.
Thái Lan có thể thiệt hại 6-7 triệu tấn lúa
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại nước này đã khiến sản lượng lúa của Thái Lan giảm mạnh, có thể thiệt hại tổng cộng tới 6-7 triệu tấn. Trước trận lũ lụt, Thái Lan từng hy vọng sản lượng của vụ lúa chính ước đạt 25 triệu tấn, nhưng giờ đây lượng lúa sẽ giảm do nông dân của một số tỉnh sẽ chỉ thu hoạch được một vụ lúa, so với hai vụ trong năm bình thường. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Thái Lan hy vọng sẽ xuất khẩu 11 triệu tấn gạo năm nay. |
Phát triển nông nghiệp độc canh quy mô lớn để sản xuất nhiên liệu sinh học cũng đang mang lại những hậu quả khôn lường. Nghiên cứu tại Malaysia và Indonesia chỉ ra rằng 80%-100% quần thể các loài động vật của rừng mưa nhiệt đới không thể sống sót khi quy mô trồng độc canh dầu cọ được mở rộng.
Việc sử dụng thuốc trừ sâu trên diện rộng để tiêu diệt các loại bệnh tật, sâu bọ trên dầu cọ; thêm vào đó là sử dụng phân bón để tăng sản lượng cây trồng đang làm gia tăng ô nhiễm nước ở khu vực hạ lưu và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Việc khai thác triệt để đất nông nghiệp về lâu về dài sẽ khiến vùng đất màu mỡ trở nên cằn cỗi, sản lượng cây trồng giảm mạnh. Điều này cũng thấy rõ ở Sudan khi sản lượng lúa mạch và vừng trồng ở nước này chỉ vào khoảng 0,5 tấn/ha. Trong khi đó, Australia với cùng một môi trường sinh thái học nông nghiệp, sản lượng lên đến 4 tấn/ha.
Bên cạnh đó, thiên tai hàng năm như bão, lũ lụt, hạn hán, động đất… trên thế giới cũng phá hủy nhiều diện tích mùa màng, làm thiệt hại 8% sản lượng lương thực thế giới.
Cùng hành động đảm bảo an ninh lương thực
Chính những nguyên nhân trên đang góp phần đẩy giá lương thực tăng từng ngày, đe dọa an ninh lương thực thế giới. Theo FAO, hiện tại trên thế giới có gần 1 tỷ người đang đối mặt với nạn đói, nhiều nhất là ở châu Phi. Oxfam đã kêu gọi CFS đưa ra lời giải cho bài toán giá lương thực tăng bằng cách chấm dứt việc dùng cây lương thực để sản xuất nhiêu liệu sinh học, điều chỉnh các thị trường hàng hóa và tăng dự trữ lương thực tại các nước nghèo.
Oxfam cũng kêu gọi tăng cường điều chỉnh các dự án đầu tư và kiểm soát nguồn tài nguyên đất. Ngoài ra, cân bằng bình đẳng giới trong nông nghiệp và phát triển đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ là những chiến lược hết sức cần thiết.
Người đứng đầu Oxfam, Barbara Stocking, nhấn mạnh CFS đang nắm giữ hy vọng của người dân toàn cầu về kỷ nguyên hợp tác để đảm bảo mọi người dân trên Trái đất đều có lương thực mỗi ngày. Cũng theo bà Barbara Stocking, bài học giảm số lượng người đói “thần kỳ” ở Brazil hay Việt Nam cho thấy các quốc gia đều có thể làm được. “Cái thiếu ở đây chỉ là vấn đề về chính sách”, bà Barbara nói.
Mới tháng trước, đứng trước nguy cơ giá gạo còn tăng và thiên tai thường xuyên trong khu vực, các nước ASEAN và 3 nước đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã thống nhất lập quỹ dự trữ gạo khẩn cấp với khoảng 800.000 tấn gạo. Các nước sẽ cùng nhau góp 1 triệu USD cho quỹ này.
Đỗ Văn (tổng hợp)
Sài gòn giải phóng
|