Thứ Ba, 18/10/2011 06:44

"Cánh tay nối dài" của nhà nước

Ở Trung Quốc, một trong những đặc quyền của những người có hộ khẩu đô thị được hưởng là có cơ hội tìm kiếm việc làm trong khu vực nhà nước ở thành phố nơi họ cư trú.

Vào những năm thuộc thập niên 90 của thế kỷ trước, việc làm trong khu vực nhà nước rất bấp bênh bởi có hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Trung Quốc bị đóng cửa, hàng triệu người bị hất ra đường trong tình trạng thất nghiệp. Dù vậy, lực lượng nhân công trong khu vực này vẫn là con số khổng lồ, với chủ lao động là 121 đơn vị chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ trung ương và hàng nghìn doanh nghiệp khác trực thuộc chính quyền địa phương. Vào thời điểm đó, sinh viên Trung Quốc ra trường thường mong muốn được làm việc ở công ty nước ngoài. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi, hiện giờ họ lại thích làm việc trong các DNNN.

Sự lựa chọn này có vẻ khá lạ lùng bởi tính năng động của nền kinh tế của Trung Quốc chủ yếu được tạo ra bởi các công ty ngoài nhà nước. Theo một báo cáo gần đây của Viện Kinh tế Unirule ở Bắc Kinh,  từ năm 1999 đến 2009, giá trị đóng góp của nhà nước trong sản lượng công nghiệp đã giảm từ 49% xuống còn 27%. Năm 1999, DNNN sở hữu 67% vốn công nghiệp, một thập kỷ sau đó, tỷ lệ của nhà nước chỉ còn 41%. Tuy nhiên, trong các ngành công nghiệp nơi người lao động được trả lương cao nhất, DNNN vẫn chiếm ưu thế.

Kinh tế quốc doanh kiếm lợi

Dường như tỷ lệ vốn nhà nước trong các ngành kinh tế đang có xu hướng tăng lên, điều này hiển nhiên không đồng nghĩa với sự gia tăng của khu vực tư nhân. Nhưng chính phủ có nhiều cách siết chặt kinh doanh. Điều này đã được thực hiện trong một số ngành công nghiệp "chiến lược" như dầu khí, than đá, viễn thông và thiết bị vận tải. Các quy tắc mở cửa thị trường có lợi cho DNNN được thiết lập. Chưa hết, các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục thất vọng nhìn DNNN tung hoành trong cả các ngành công nghiệp "không - thuộc - loại - chiến - lược" như dệt may và giấy. Trong những năm gần đây, khối tài sản của các DNNN liên tục phình to. Theo giáo sư  Zheng Yongnian - Đại học Quốc gia Singapore, "Các xúc tu của DNNN sẽ vươn tới bất kỳ ngóc ngách của nền kinh tế miễn là có lợi nhuận".

Năm 2010, Trung Quốc có 42 công ty đại lục lọt vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới do Fortune xếp hạng, chỉ có ba trong số đó không phải là DNNN. Trong một cuốn sách xuất bản gần đây của mình, Carl Walter, một chủ ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết nhìn vào vị trí xếp hạng của các công ty có thể đọc ra vị chính sách kinh tế của nhà nước. Danh sách 500 công ty lớn nhất tại Trung Quốc bao trùm 75 ngành công nghiệp. Các DNNN hoạt động trong 39 ngành nghề mà kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo kiểm soát 85% toàn bộ giá trị tài sản của 500 công ty trong danh sách. Hai mươi chín trong số này không có bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào. Trong 10 ngành khác, các công ty tư nhân chỉ chiếm thị phần bé xíu. Các số liệu trên được các nhà nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp. Cũng trong năm 2010, nhìn vào danh sách 100 công ty thương mại lớn của Trung Quốc thì đã có 75 công ty nhà nước.

Một số nhà kinh tế Trung Quốc quan ngại trước các động thái của chính phủ đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách tiếp tục bảo trợ cho DNNN với những lối mòn cố hữu của họ trong bối cảnh cần phải có cải cách. Lấy ví dụ việc cho vay vốn chẳng hạn, ở Trung Quốc có một thực trạng là "tiền chỉ đi từ túi nọ sang túi kia" khi mà ngân hàng nhà nước nhắm cho DNNN vay vốn. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Ngô Bang Quốc đã tuyên bố thẳng thừng "không thực hiện tư nhân hóa" hồi tháng ba vừa qua, bỏ qua một thực tế rằng Trung Quốc đã từng thực hiện chủ trương bán cổ phần DNNN kha khá trong một vài năm trước đó. Trong lĩnh vực ngân hàng, theo ông Yang Yao - Đại học Bắc Kinh, chính phủ đã và đang củng cố vị thế thống trị trong vài năm qua. Nhiều nhà kinh tế Trung Quốc kêu gọi cải cách lãi suất để tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi hộ gia đình (tỷ lệ lãi suất thực tế thường rất thấp). Tuy nhiên, các ngân hàng không muốn để mất những khoản lợi nhuận từ khoảng cách mênh mông giữa lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay do nhà nước ấn định.

Theo báo cáo  của Viện Kinh tế học Unirule - Bắc Kinh, lợi nhuận của các công ty công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã tăng gần gấp bốn lần từ năm 2001 tới năm 2009. Tuy nhiên, lợi nhuận trung bình của họ - tính trên giá trị vốn sở hữu - chỉ gần 8,2%, trong khi đó tỷ lệ này ở các doanh nghiệp công nghiệp ngoài nhà nước là 12,9%. Nếu tính tới các yếu tố lợi lộc từ chi phí tín dụng thấp đối với các DNNN và khả năng tiếp cận đất đai với giá thấp hơn giá thị trường, tỷ suất hoàn vốn chủ sở hữu của họ đáng phải trừ đi thêm 1.47%. Xét về hiệu quả, các DNNN đang đốt tiền.

Có nhiều cách tốt hơn để sử dụng lợi nhuận dư thừa của DNNN. Nhà nước hoàn toàn có thể sử dụng nguồn này để giảm bớt gánh nặng đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động. Người lao động ở Trung Quốc hiện nay đang phải sử dụng 35% thu nhập của mình để đóng bảo hiểm xã hội. Nếu như chuyện cân đối tài chính này được cải thiện, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, phần lớn là những người làm công ăn lương, tất yếu sẽ ngày càng lớn mạnh.

Chính phủ đã yêu cầu các công ty nhà nước trả cổ tức từ năm 2008, nhưng nhiều người Trung Quốc vẫn phàn nàn khoản này chưa đáng bao nhiêu và tiền vẫn đang được sử dụng để giúp các DNNN. Các doanh nghiệp đem lại tỷ lệ lợi nhuận cao nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng và thuốc lá, song mức 15% lợi nhuận sau thuế họ đem lại vẫn thấp hơn nhiều so với lợi nhuận của DNNN ở các quốc gia khác. Thậm chí, ở Trung Quốc hiện nay, các phương tiện truyền thông chính thức cũng đang tham gia săm soi hoạt động của khu vực DNNN. Theo một bình luận trên trang web tin tức của chính phủ, DNNN đã "không đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện hòa hợp xã hội".

Kinh tế dân doanh biết dựa vào nhà nước cũng có lợi

Một số doanh nhân nước ngoài phàn nàn rằng các biện pháp mở cửa thị trường bắt đầu vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 đã hết hiệu lực. Nhiều người nhìn thấy việc Trung Quốc gia nhập WTO mười năm trước đây là một động lực lớn cho cải cách. Nhưng khi đất nước bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ quá độ năm 2006, chủ trương này đang trở nên lửng lơ. Báo cáo kinh doanh của nhiều công ty nước ngoài vẫn ổn.

Tuy nhiên, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ đã phổ biến nhiều quy định có lợi cho DNNN "con - đẻ" hoặc, đôi khi, cho khu vực tư nhân "con - nuôi". Trong một ấn phẩm sắp xuất bản, "Quy định của nhà nước Trung Quốc: Một chiến lược mới cho toàn cầu hóa", ông Roselyn Hsueh - Đại học Temple cho rằng chiến lược của Trung Quốc về "tự do hóa trong kinh tế thị trường và thiết lập lại các quy định trong từng lĩnh vực cụ thể" đã cho phép quốc gia này "đặt tay lên gáy các lực lượng bên ngoài ngay cả trong một môi trường tự do hơn ".

Chính quyền địa phương đôi khi đóng vai trò quyết định trong thành công hay thất bại của các doanh nghiệp. Trường hợp Himin, một nhà sản xuất máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời tại thành phố Đức Châu ở phía Bắc tỉnh Sơn Đông là một thí dụ điển hình. Himin là một công ty tư nhân nhưng được sự ưu ái vô đối của chính quyền địa phương. Himin và chính quyền địa phương đã cùng nhau đưa ra chiến lược xây dựng thương hiệu cho Đức Châu là "thành phố mặt trời" của Trung Quốc. Chính quyền địa phương cũng đã giúp Himin phát triển bằng cách yêu cầu toàn bộ các chung cư được trang bị máy nước nóng năng lượng mặt trời, rồi hỗ trợ cho các làng xã sử dụng "nhà tắm nước nóng mặt trời". Cú huých này có tác dụng rất quan trọng. Theo công ty này, hiện họ là nhà sản xuất máy nước nóng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Đổi lại, Himin cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của giới cầm quyền Đức Châu, nơi năm ngoái đã tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về năng lượng mặt trời trong một trung tâm hội nghị vận hành bằng năng lượng mặt trời trị giá 200 triệu nhân dân tệ do Himin xây dựng.

Những công ty tư nhân như Himin biết cách làm thế nào để thu hút sự ưu ái. Năm 1998, trước khi mô hình phát triển của công ty này trở nên "hợp mốt", họ đã lập ra một chi bộ đang hoạt động ấn tượng tới mức một uỷ viên Bộ Chính trị đã tới thăm doanh nghiệp. Sự tưởng thưởng cho thành quả của Himin bao gồm một ghế trong cơ quan lập pháp quốc gia cho Huang Ming, nhà sáng lập ra công ty này. Một trong những lợi ích của mô hình Himin là "thiết lập một kênh thông tin giúp thấu hiểu đường lối chính sách của nhà nước".

Bảo Bảo (Theo The Economist)

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   Khu vực Mỹ Latinh đối mặt với giá lương thực kỷ lục (17/10/2011)

>   Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của EU (16/10/2011)

>   Trung Quốc vận động ngăn cản luật tiền tệ của Mỹ (13/10/2011)

>   Làm ăn ở Mỹ: Đêm vẫn dài và tiệc vẫn đầy champagne (13/10/2011)

>   Lũ lụt đe dọa hoạt động xuất khẩu gạo của Thái (12/10/2011)

>   Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc (12/10/2011)

>   Thương mại châu Á sẽ đạt 14 nghìn tỷ USD vào năm 2025 (11/10/2011)

>   Ai sẽ là Steve Jobs kế tiếp? (11/10/2011)

>   Doanh nghiệp Mỹ lục tục “hồi hương” (07/10/2011)

>   Venezuela sắp thu hồi vàng dự trữ ở nước ngoài (06/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật