NHNN: Toàn cảnh hoạt động ngân hàng và các số liệu quý 3/2011
Ngày 12/11, Ngân hàng Nhà nước công bố bản báo cáo về một số hoạt động của ngành ngân hàng, cùng diễn biến của các thị trường lãi suất, vàng, ngoại tệ trong quý 3.
I- CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC:
Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, tiếp tục kiểm soát sự gia tăng tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội năm 2011. Cụ thể:
1. Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và quản lý ngoại hối:
- Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ một cách chủ động, thận trọng nhằm hỗ trợ vốn thanh toán cho các TCTD và kiểm soát tín dụng tăng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng từ 15-16% trong năm 2011:
(1) Theo dõi và kiểm soát chặt chẽ cung ứng tiền qua các kênh nhằm kiểm soát tiền tệ chặt chẽ; Điều hành lượng tiền cung ứng phù hợp với nhu cầu của thị trường tiền tệ; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng và lãi suất hợp lý, chủ yếu là chào mua giấy tờ có giá với lãi suất được điều chỉnh giảm từ 15% xuống 14%/năm, kỳ hạn 7 ngày (từ ngày 19/9 lên 14 ngày);
(2) Giữ ổn định các mức lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng ở mức 14%/năm, lãi suất tái chiết khấu 13%/năm;
(3) Theo dõi chặt chẽ thị trường tiền tệ, tình hình thanh khoản và hoạt động của các TCTD để có biện pháp điều hành kịp thời và phù hợp với diễn biến thị trường;
(4) Tiếp tục cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Thực hiện các biện pháp để quản lý thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá và thị trường vàng:
(1) Điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp với diễn biến thị trường;
(2) Bán ngoại tệ can thiệp kịp thời với liều lượng thích hợp để bình ổn thị trường ngoại hối; đồng thời yêu cầu các Ngân hàng thương mại tăng cường bán ngoại tệ;
(3) Điều chỉnh tăng 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng kể từ kỳ dự trữ bắt buộc tháng 9/2011;
(4) Mở rộng đối tượng phải áp dụng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ở nước ngoài);
(5) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc kiểm soát hoạt động mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do và chủ động thông tin, tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường.
- Ban hành một số văn bản quy định về cơ chế tín dụng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng:
(i) Thông tư số 17/2011/TT-NHNN ngày 18/8/2011 về việc cho vay có đảm bảo bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng;
(ii) Thông tư số 28/2011/TT-NHNN ngày 01/9/2011 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp;
(iii) Văn bản số 6838/NHNN-CSTT ngày 31/8/2011 về việc hướng dẫn tổ chức tín dụng xác định số dư nợ tín dụng để tính tốc độ tăng trưởng tín dụng;
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ngoại hối cho phù hợp với điều kiện hiện nay, trong Quý III/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành mới:
(i) Thông tư 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011 quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh;
(ii) Thông tư số 18/2011/TT-NHNN ngày 23/8/2011 quy định về quản lý ngoại hối đối với việc vay trung, dài hạn nước ngoài của các ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước;
(iii) Thông tư 19/2011/TT-NHNN ngày 24/8/2011 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;
(iv) Thông tư số 20/2011/TT-NHNN quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép; Những quy định này góp phần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động ngoại hối.
- Ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 07/9/2011 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và đô la Mỹ theo quy định nhằm bình ổn thị trường và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lãi suất huy động vốn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mức lãi suất huy động.
- Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011 trong toàn ngành Ngân hàng. Tại Hội nghị, các tổ chức tín dụng đã thể hiện sự đồng thuận, nhất trí và quyết tâm cao trong việc triển khai các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và việc giảm dần lãi suất thị trường trong những tháng cuối năm 2011.
- Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, đưa thông tin kịp thời, đầy đủ về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong năm 2011, góp phần triển khai có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.
2. Tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng:
- Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch thanh tra các tổ chức tín dụng trong nước trong những tháng cuối năm 2011, trong đó tập trung vào các hoạt động gồm:
(i) Thanh tra cấp tín dụng, ứng trước; Thanh tra đầu tư tài chính, góp mua cổ phần; Thanh tra tài sản có khác, trong đó tập trung thanh tra các khoản ủy thác đầu tư, phải thu bên ngoài; Thanh tra phòng, chống rửa tiền;
(ii) Căn cứ kết quả thanh tra, đánh giá thực trạng tài chính; đánh giá mức độ rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ ở từng nội dung được thanh tra.
- Nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường I và thị trường II, giữa tổ chức tín dụng thừa và tổ chức tín dụng thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22/2011/TT-NHNN ngày 30/8/2011 sửa đổi, điều chỉnh một số quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành trần lãi suất huy động và tình hình triển khai các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng những tháng cuối năm 2011 để có biện pháp xử lý phù hợp.
- Tiếp tục thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) tăng vốn điều lệ từ 17,587 tỷ đồng lên 19,698 tỷ đồng và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (VietinBank) tăng vốn điều lệ từ mức 16,858 tỷ đồng lên 20,230 tỷ đồng.
- Ngày 01/09/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định số 1974/QĐ-NHNN ngày 01/9/2011 về việc chuyển đổi Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) từ công ty Nhà nước thành loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước làm chủ sở hữu.
II- MỘT SỐ TÌNH HÌNH TIỀN TỆ, TÍN DỤNG, NGOẠI HỐI TRONG QUÝ III/2011
- Về lãi suất:
+ Lãi suất VND:
(i) Lãi suất huy động từ ngày 07/9/2011, thực hiện Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 14%/năm; tuy nhiên, một số Ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất 14%/năm đối với cả các khoản tiền gửi kỳ hạn ngày, tuần;
(ii) Lãi suất cho vay ổn định trong tháng 7, tháng 8; từ nửa đầu tháng 9 đến nay có xu hướng giảm. Hiện lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu phổ biến ở mức 17-19%; lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh khác phổ biến ở mức 17-21%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất 22-25%/năm.
+ Lãi suất USD:
(i) Lãi suất huy động thực hiện chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN, các TCTD chấp hành đúng quy định của NHNN về mức lãi suất huy động USD tối đa, phổ biến ở mức sát trần 2%/năm đối với tiền gửi dân cư, 0,5%/năm đối với tiền gửi tổ chức kinh tế.;
(ii) Lãi suất cho vay ổn định so với cuối tháng 6/2011. Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-8%/năm đối với trung và dài hạn.
+ Lãi suất thị trường liên ngân hàng: Trong quý III/2011, lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng có xu hướng giảm; tuy nhiên trong tuần đầu tháng 9, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng đột biến; Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ thanh khoản tạm thời qua nghiệp vụ thị trường mở, nên lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng đã giảm dần và có xu hướng ổn định. Hiện lãi suất cho vay qua đêm ở mức 12-13%/năm, 1-2 tuần 13.5-14%/năm, 1 tháng 14.5-15%/năm.
- Về hoạt động của thị trường ngoại hối: Trong quý III/2011, do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và đặc biệt do thị trường vàng lên cơn sốt vào những ngày đầu tháng 8 đã góp phần làm tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ gia tăng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện can thiệp kịp thời với liều lượng và thời điểm thích hợp nên đã nhanh chóng ổn định tâm lý, góp phần bình ổn thị trường và giải tỏa áp lực lên tỷ giá.
Tại thời điểm ngày 26/9/2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20,628 VND/USD, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 20,830-20,834 VND/USD.
- Về thị trường vàng: Do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng biến động theo, tuy nhiên mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng để tránh bị giới đầu cơ đẩy giá nhằm mục đích trục lợi. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến thị trường để có giải pháp xử lý kịp thời.
- Về huy động vốn: Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 23/9/2011 tăng 9.82% so với cuối năm trước, tuy nhiên lại giảm 1.07% so với cuối tháng trước.
- Về cho vay nền kinh tế: Tín dụng đối với nền kinh tế đến 23/9/2011 tăng 8.16% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, giảm 0.94% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0.49%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 2.27%.
- Về tổng phương tiện thanh toán: Tổng phương tiện thanh toán đến 23/9/2011 tăng 8.87% so với cuối năm 2010. Tuy nhiên, giảm 0.86% so với tháng trước; trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 0.57% so với tháng trước và so với cuối năm trước tăng 2.82%.
Theo SBV
|