Thứ Tư, 12/10/2011 15:55

Tăng lãi suất chỉ đạo: Cơ cấu lại lãi suất hay “siết” tiền tệ?

Với Quyết định số 2210/QĐ-NHNN, từ ngày 10/10 vừa qua, NHNN đã nâng lãi suất tái cấp vốn từ 14%/năm lên 15%/năm. Quyết định này được nhận định chung là NHNN muốn thể hiện rõ vai trò là người can thiệp cuối cùng, đảm bảo hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng. Tuy nhiên, Quyết định trên cũng nhận được những ý kiến khác nhau.

Quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn của NHNN được các ngân hàng có tiềm lực đánh giá cao

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OricomBank)cho rằng, trên phương diện thị trường, việc nâng lãi suất tái cấp vốn lên là đúng và hợp lý. Bởi đã là tái cấp vốn nghĩa là lãi suất phải cao hơn lãi suất bình thường trong khi lãi suất này vẫn thấp hơn lãi suất trên thị trường 2. "Về nguyên tắc thị trường, các ngân hàng yếu, kém cần nhận tái cấp vốn phải trả lãi suất cao hơn là đúng chứ không thể để lãi suất tái cấp vốn lại giống lãi suất ưu đãi thì ngân hàng nào cũng muốn tái cấp vốn", ông Tuấn nói.

Theo ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank - CTG), NHNN nâng lãi suất tái cấp vốn lên là phù hợp với cơ cấu về các mức lãi suất, làm cho thị trường quay trở về quy luật thông thường. Đây là kênh NHNN không khuyến khích, là cửa cuối cùng nên lãi suất phải cao hơn, thậm chí còn phải cao hơn nữa. Việc phân biệt như vậy là quá trình cấu trúc lại các mức lãi suất trong nền kinh tế và của NHNN đối với các tổ chức tín dụng.

Một chuyên gia ngân hàng nói: "Các tổ chức tín dụng thấy lãi suất tái cấp vốn thấp nên cũng hay tranh thủ. Còn thông thường, trong trường hợp thiếu thanh khoản tạm thời, ngân hàng "lấy tiền" qua NHNN phần nào thuận lợi hơn so với huy động trong dân, nên phải chịu lãi suất tái cấp vốn cao hơn lãi suất huy động là hợp lý".

Ông Vũ Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienphongBank)cho rằng, lo ngại những biến động về thanh khoản và tiền tệ cuối năm nên NHNN rất sát sao chỉ đạo các ngân hàng phải có biện pháp đối phó với khả năng mất thanh khoản, đồng thời cơ cấu lại danh mục tài sản. Do vậy, tăng lãi suất tái cấp vốn không phải là một động thái thay đổi mặt bằng lãi suất chung mà là một công cụ của chính sách tiền tệ, thể hiện NHNN đã thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn phù hợp với thị trường, nhất là trong dịp cuối năm, với nhiều khả năng khan hiếm nguồn vốn.

"Tăng lãi suất tái cấp vốn, NHNN muốn hạn chế, tránh các ngân hàng lợi dụng vay lại nguồn vốn này để kinh doanh trên thị trường 2. Đồng thời, để nguồn vốn này đi vào những nhu cầu thực sự, giải quyết thanh khoản của ngân hàng", ông Tú nói.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho rằng, nếu NHNN vẫn để nguyên lãi suất tái cấp vốn lâu nay như vậy sẽ phần nào hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay xuống. Bởi những ngân hàng thiếu thanh khoản cần sự hỗ trợ của NHNN lại phải chịu một mức lãi suất cao hơn lãi suất huy động trên thị trường dân cư. "Mặc dù trên thực tế, việc 'bơm' tiền đầu này rồi đóng đầu kia là điều bình thường, là sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ của NHNN, nhưng việc tăng lãi suất ở bất cứ đầu nào cũng không thuận lợi đối với việc hạ lãi suất cho vay xuống", vị tổng giám đốc trên nói.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhận định, tăng lãi suất tái cấp vốn sẽ cản trở việc hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống vì làm tăng chi phí vốn của các ngân hàng.

Thực tế, không phải với lãi suất thấp, vốn do NHNN tái cấp cũng hấp dẫn các ngân hàng thương mại bởi theo Luật NHNN, nó gắn liền với những thủ tục và điều kiện ràng buộc nhất định, trong đó có việc sẽ có đại diện của NHNN "ăn nằm" tại ngân hàng thương mại. Do vậy, một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có "vấn đề" trong các hoạt động huy động và cho vay rất "ngại" vay vốn từ NHNN.

"Việc tăng lãi suất tái cấp vốn chắc chắn sẽ càng không được các NHTM yếu, kém chào đón và khiến các ngân hàng này càng hướng tới việc lựa chọn phương thức đi đêm lãi suất trên thị trường tiền gửi", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

NHNN cần kiên quyết "lập lại kỷ cương trên thị trường tiền tệ", TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nói và cho biết, các ngân hàng, đặc biệt là các NHTM yếu, kém cần phải tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đặc biệt là danh mục tín dụng, giảm thiểu danh mục đầu tư dài hạn, đầu tư lớn vào bất động sản. Bởi bất động sản này phần lớn là của những ông chủ, cổ đông lớn của ngân hàng, nhưng không đứng tên khi cho vay nên họ không liên quan. "Những trường hợp này thời gian tới sẽ được làm rõ. Thanh tra, giám sát không làm được, công an sẽ vào điều tra. NHNN không thể để tình trạng vốn tự có có nhiều dấu hiệu là vốn ảo", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Tăng lãi suất tái cấp vốn được nhìn nhận sẽ tạo sức ép lên các NHTM yếu, kém không có lựa chọn nào khác là tăng cường các hoạt động ngân hàng bán lẻ và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời, phải xây dựng các thể chế về quản trị rủi ro nghiêm túc, đáng tin cậy. Bên cạnh đó, phải thay đổi chiến lược, tăng cường quản lý chặt chẽ bảng cân đối tài sản, đảm bảo dòng tiền dương và thanh khoản tích cực. "Cần thiết phải có sự thanh lọc nếu không sẽ tạo nên sự hổ lốn, không có sự chuẩn mực trên thị trường", một chuyên gia ngân hàng nói.

Nhuệ Mẫn

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sức ép huy động vốn đang quá lớn! (12/10/2011)

>   SouthernBank và VietABank có thể được bán vàng huy động (12/10/2011)

>   Tiếp tục điều chỉnh tỷ giá: Khổ vì đa mục tiêu! (12/10/2011)

>   USD tự do bất ngờ tăng lên 21.400 đồng/USD (12/10/2011)

>   BIDV được mở thêm 3 chi nhánh tại TPHCM (12/10/2011)

>   Lãi suất liên ngân hàng lên 19%/năm (12/10/2011)

>   Ngân hàng nhỏ: Phá sản hay mất chức? (12/10/2011)

>   Loạn vàng, USD: Vòng luẩn quẩn hai giá (12/10/2011)

>   Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát vụ “cùng số tiền gửi, ba mức lãi khác nhau” (12/10/2011)

>   Techcombank góp phần bình ổn thị trường vàng (12/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật