Sức ép huy động vốn đang quá lớn!
Trước chỉ tiêu do Hội sở ép xuống, lãnh đạo một chi nhánh của Ngân hàng B. cũng phải trực tiếp đi 'sale', và tất nhiên, toàn bộ nhân viên của chi nhánh cũng phải ưu tiên thực hiện nhiệm vụ 'chiến lược' là tìm mọi cách, vận dụng mọi quan hệ để kéo nguồn tiền gửi tiết kiệm.
Câu chuyện 'gồng mình' huy động vốn đang là chuyện thời sự với rất nhiều ngân hàng, đặc biệt từ khi thực hiện nghiêm lãi suất trần 14%/năm. Đối với một chi nhánh, nhiều khi bản thân họ cũng không hiểu tại sao phải chịu một chỉ tiêu huy động vốn rất lớn. Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể cả lĩnh vực ngân hàng thì tiền gửi đang giảm đi, tìm nguồn bù đắp là yêu cầu được nhiều ngân hàng đặt ra với các chi nhánh của mình.
Số liệu thống kê vừa được NHNN đưa ra cho thấy, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 23/9 tăng 9,82% so với cuối năm trước, nhưng lại giảm 1,07% so với cuối tháng trước. Theo một chuyên gia tài chính, sở dĩ huy động vốn trong tháng 9 giảm 1,07% so với tháng trước là do lãi suất tiền gửi giảm mạnh từ mức 18 - 19%/năm xuống mức 14%/năm. Điều này khuyến khích một bộ phận dân chúng chuyển từ tiết kiệm sang nắm giữ vàng, ngoại tệ.
DongABank cho biết, huy động vốn của Ngân hàng tính đến 30/9 giảm 5,24% so với thời điểm cuối tháng trước, đồng thời, dư nợ cho vay cũng giảm 2,78%.
Lãnh đạo Sacombank (STB) cũng thừa nhận, Ngân hàng khó tránh được sụt giảm khi đang xuất hiện xu hướng người gửi tiền dịch chuyển từ tiền gửi sang các kênh đầu tư khác. Mặc dù vậy, vị lãnh đạo này vẫn cho rằng thực tế này là điều đã được dự báo trước, nhưng không quá lo ngại bởi việc giảm lãi suất cần thiết hơn, và mức lãi suất 14%/năm là tương đối phù hợp.
Để thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, hàng loạt nhà băng buộc phải quay lại với các chương trình khuyến mại, nhưng có khó khăn hơn trước là đảm bảo lãi suất không bượt trần. VietABank đưa ra chương trình huy động dự thưởng "Gửi tiền trúng liền - cuối tuần SH - cuối kỳ Camry" với tổng giá trị giải thưởng hơn 3,2 tỷ đồng. Sacombank, từ nay đến hết ngày 5/12, có khuyến mãi "cơn lốc tỷ phú" với tổng giá trị giải thưởng lên tới 11 tỷ đồng.
Vấn đề đối với các ngân hàng hiện tại nằm ở chỗ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh một loạt lãi suất chỉ đạo (tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử…). Mặc dù trước mắt chưa tác động nhiều tới nguồn vốn các ngân hàng, nhưng đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy NHNN đang tăng thêm sức ép siết chặt chính sách tiền tệ. Điều này tất yếu dẫn tới sự 'co lại' về nguồn vốn các ngân hàng trong trung dài hạn.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, động thái trên đã 'chấm dứt kỳ vọng tiếp tục giảm lãi suất' của nhiều doanh nghiệp. Còn đối với các ngân hàng, tín dụng tiếp tục phải thận trọng và sức ép huy động vẫn tiếp tục tăng cao ít nhất là cho tới cuối năm.
Theo nhận định của Ngân hàng ANZ, động thái thay đổi các mức lãi suất chủ chốt vừa rồi sẽ làm tăng chi phí vay của các ngân hàng với nguồn vốn từ NHNN và sẽ có tác dụng làm giảm tăng trưởng tín dụng và tiền tệ hơn nữa. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) ở mức 12% và tăng trưởng tín dụng ở mức 15-17% cho năm nay.
ANZ cho rằng, động thái của NHNN đã đi đúng hướng. Tuy lạm phát đã đạt đỉnh nhưng vẫn sẽ ở mức 2 con số trong năm 2012. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế tuy không cao như các năm trước, song vẫn ở mức tốt và nhìn chung ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng toàn cầu do Việt Nam không có nhiều mối liên hệ về tài chính với các nước Bắc Đại Tây Dương và đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng tương đối hạn chế. Do đó, kìm chế lạm phát là thử thách về chính sách lớn nhất của Việt Nam , chứ không phải là tăng trưởng.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|