Loạn vàng, USD: Vòng luẩn quẩn hai giá
Mâu thuẫn quyền lợi thực sự đang tạo nên một "vòng lẩn quẩn" khó giải quyết - mà căn nguyên có thể có từ tư duy của một thời bao cấp, đã và đang tạo nên "chính sách hai giá". Hai giá này không chỉ là giá bán thành phẩm ra thị trường mà còn là "hai giá" của các chính sách bao cấp, trợ giá từ bên trong các DNNN.
Các nỗ lực của các nhà điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong việc đưa giá USD bên trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần về với "giá thị trường" đã dường như không thành công.
Việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hối đoái giữa đô-la Mỹ (USD) và đồng Việt Nam theo hướng làm giảm giá trị đồng VND hay "phá giá" đồng Việt Nam liên tục, có nguyên nhân một phần do lạm phát trong nước tăng cao, tăng cung tiền, chính sách tiền tệ và tài khóa, VND trước đó được định giá cao .v.v.. Nguyên nhân khác có thể là lý do "hỗ trợ xuất khẩu" nhằm giảm nhập siêu.
Điều đáng lưu ý ở đây là yếu tố "hỗ trợ xuất khẩu" cần xem xét thận trọng hơn, vì chưa chắc đã thực sự có lợi do cấu trúc hàng xuất khẩu ở ta chủ yếu là xuất thô, xuất sản phẩm mà Việt Nam chỉ nhận làm gia công, có hàm hàm lượng chất xám thấp hay giá trị gia tăng rất thấp mà tỉ lệ hay tỉ trọng nguyên vật liệu phải nhập khẩu về cho 1 USD hàng xuất khẩu rất cao, dẫn đến lợi bất cập hại, thậm chí nhập siêu vẫn tiếp tục gia tăng.
Còn việc hỗ trợ cho xuất khẩu tài nguyên thô như dầu khí, than đá, khoáng sản thì trên thế giới, người ta đã nói nhiều về các yếu tố hạn chế của trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tham nhũng, thất thoát và đã khuyến cáo các nước thuộc thế giới thứ ba, các quốc gia châu Phi cần thận trọng trong khai thác tận thu tài nguyên thiên nhiên, vì sẽ phải trả giá đắt do việc tàn phá tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, phá hỏng các hệ sinh thái, làm cạn kiệt các nguồn nguyên liệu quý cho các thế hệ con cháu về sau.
Khi nói đến việc ban hành một chính sách "hỗ trợ" hay tài trợ, hoặc một chính sách nhà nước trực tiếp hay gián tiếp, ta có thể hình dung là chính sách này sẽ tác động đến "đối tượng" nào đó, ai đó sẽ được hưởng lợi và ai khác sẽ phải chịu tác động gây thiệt hại? Các phạm vi điều chỉnh của chính sách đó sẽ là mức độ mang lại lợi ích hay thiệt hại lớn nhỏ cho một nhóm đối tượng nào đó.
Trong năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát cao trong nước, thuộc loại cao nhất trong 20 năm trở lại đây (1991-2011), Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn. Khi tổng kết chương trình tài trợ lãi suất này, xuất hiện nhiều điều không đúng liên quan như tài trợ không đúng đối tượng, mức độ và điều kiện chưa đúng .v.v. cũng là biểu hiện của việc thực thi một chính sách "hỗ trợ" hay tài trợ cho đúng đắn là không dễ dàng, rất dễ dẫn tới lạm dụng, trục lợi, tư túi.
Trở lại việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, như đợt điều chỉnh giảm giá VND 9,3% so với USD vào tháng 2/2011 vừa qua, được xem là để kéo giá USD trong ngân hàng về sát với giá thị trường ngoài ngân hàng. Đồng thời, cơ quan này cũng ban hành các biện pháp hành chính đi kèm, như cấm mua bán USD trên thị trường tự do hay thị trường "chợ đen", tiến hành kiểm tra gắt gao hơn việc mua bán USD tại các cửa hàng vàng bạc, quầy đổi tiền hay ngân hàng .v..v..
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cho đến nay, giá mua bán USD trong ngân hàng vẫn khác với giá ngoài "chợ đen" 3-5%! Ví dụ, hiện giá USD trong ngân hàng hiện nay khoảng 20.860 VND thì ngoài "chợ đen" là 21.600 VND, tức khoảng 3,5%.
Giá vàng cũng vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới luôn khoảng 3-5%. Giá trong nước, tức giá bán được thiết lập bởi các nhà sản xuất và cung ứng vàng lớn trong nước, mà lớn nhất là SJC, luôn cao hơn giá thế giới ít nhất 400 - 600 ngàn đồng. Có lúc báo chí đưa tin rằng chênh lệch này lên tới hơn 4 - 5 triệu đồng/lượng vàng, tức khoảng 8-12%!
Tại sao vậy? Ai đã được hưởng lợi trực tiếp và nhanh chóng từ các khoảng chênh lệch này?
Câu trả lời dành cho độc giả, cho mỗi người chúng ta tự suy luận và tìm hiểu.
Có một số ý kiến cho rằng cần phải cấm mua bán vàng tự do như cấm mua bán USD trên thị trường tự do, họ cho rằng nếu cấm thì người dân không mua bán được và giá vàng sẽ giảm!
Điều này dễ chủ quan, duy ý chí và là tư duy "không quản nổi thì cấm". Nói cách khác, sẽ không cấm nổi nhu cầu thực của người dân về trang sức, đầu tư, dự phòng, mua bán trao đổi, thậm chí đầu cơ kiếm lời. Nếu cầm đoán họ sẽ rút vào vòng hoạt động bí mật, càng khó kiểm soát.
Thực tế, khi đồng nội tệ (VND) có xu hướng mất giá, nền kinh tế và không khí làm ăn kinh doanh ảm đạm hoặc thiên tai địch họa xuất hiện, người dân trên khắp thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, chọn cách "trú ẩn" vào vàng, USD, tích trữ hàng hóa để "tích cốc phòng cơ".
Do vậy, các chính sách có xu hướng "bao cấp" hay "hỗ trợ", "tài trợ", " trợ giá", "bình ổn giá", .v.v. chỉ có tác động và công dụng nhất thời, ngắn hạn và đang đi ngược xu thế thị trường và quy luật cung - cầu của thị trường.
Ví dụ, việc bao cấp giá xăng, giá điện trong thời gian dài và các chính sách ban hành được xem là hỗ trợ bình ổn giá xăng, giá điện tới nay, khi va chạm với quy luật cung - cầu thực sự và tất yếu của thị trường thì gây rất nhiều tranh cãi và hệ lụy. Các doanh nghiệp "màu áo nhà nước" này muốn hoạt động hiệu quả, lợi nhuận càng cao càng tốt. Trong khi đó, nếu muốn bán giá cao thì đụng đến quyền lợi số đông của người tiêu dùng, mà doanh nghiệp thì vẫn còn đang được nhà nước "bao cấp" với một số đặc quyền, đặc lợi hiếm có. Do vậy, không thể chối bỏ trách nhiệm bình ổn giá.
Mâu thuẫn quyền lợi thực sự đang tạo nên một "vòng lẩn quẩn" khó giải quyết mà căn nguyên có thể có từ tư duy của một thời bao cấp, đã và đang tạo nên "chính sách hai giá" cho xăng dầu và nguồn điện! "Hai giá" này không chỉ là giá bán thành phẩm ra thị trường mà còn là "hai giá" của các chính sách bao cấp, trợ giá từ bên trong các doanh nghiệp nhà nước.
Ví dụ khác là việc qui định lãi suất huy động vốn tối đa 14%, dẫn đến việc các ngân hàng "xé rào", cho tặng thêm % cho người gửi tiết kiệm, tức là chính sách "hai giá" được hình thành, đồng thời cho vay với lãi suất cao thuộc loại nhất thế giới, trên 21-22%. Hệ lụy là các thông tin về sự phá sản hay ngưng trệ hàng loạt của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh! Thêm vào đó, các khoản thu lợi ngoài sổ sách của người gửi tiết kiệm và khoản chi "thêm ngoài sổ" của ngân hàng sẽ thoát ra ngoài chính sách thuế của nhà nước.
Việc xuất hiện "hai giá" của một loại hàng hóa như vàng hay USD hoặc một sản phẩm nào đó trên thương trường là bình thường theo nghĩa "có làm phải có lời", có bỏ công, bỏ sức làm thì phải có lợi nhuận. Đó là qui luật phân công trong chuỗi cung ứng hàng hóa và sức lao động.
Tuy nhiên, sẽ là bất hợp lý nếu có một chính sách được tạo ra, vô hình trung làm lợi cho một tổ chức hay đối tượng nào đó. Nói các khác "bao cấp" cho đối tượng này thì có thể sẽ gây phương hại cho các đối tượng khác. Đây cũng là căn nguyên gây bất ổn cho nền kinh tế về lâu dài.
Do vậy, việc cấp bách cần làm không phải là ban hành các chính sách có tính "bao cấp" hay "cấm đoán" mà là phải tạo môi trường càng thông thoáng hơn. Giá vàng và giá USD nếu có một môi trường "kinh tế thị trường" thực sự, theo quy luật cung - cầu, chấp nhận cho nhiều người được làm, không có các rào cản chính sách "phi thị trường" nào, thì mới có hy vọng sẽ trở về giá trị được nhìn nhận chung của thị trường.
Khi sự bất hợp lý được công nhận là có lý thì cách giải quyết vấn đề là đi tìm các yếu tố được xem là có lý này để loại bỏ.
Khi tư duy có tính "bao cấp" đã vô hình trung tạo thành chính sách "hai giá" cho mỗi sản phẩm dịch vụ trên thị trường thì cách loại bỏ chính sách "hai giá" tốt nhất là loại bỏ "tư duy bao cấp".
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|