Báo động rủi ro cơ cấu kỳ hạn
Ngày 12.10, dưới sự chủ trì của Hiệp hội Ngân hàng (NH), 25 NH và công ty tài chính đã ký cam kết không vượt trần lãi suất (LS) 14% và 6% quy định tại Thông tư 30 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên, việc giảm huy động đang là khó khăn chung của các NH. Ông Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc (TGĐ) Maritime Bank (MSB) cho biết, vốn huy động của một số NH đang giảm mạnh, có NH giảm 10% đến 12%. Điều này cũng được ông Vũ Tú - TGĐ TienPhongBank thừa nhận ở NH mình. “Với khó khăn hiện tại và tháng 11, tháng 12 theo quy luật bao giờ cũng có đợt căng thẳng thanh khoản”.
Đại diện NH Bắc Á cho biết, nguồn vốn đang bị sụt giảm mạnh, dù đầu tháng 10 đến nay tốc độ giảm hơn nhưng vẫn phải bán bớt trái phiếu, chấp nhận giảm lợi nhuận để cân đối vốn.
|
Bà Dương Thu Hương |
Bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội NH khẳng định, cần có giải pháp cần thiết để thực hiện, đặc biệt giúp đỡ các NH khó khăn thanh khoản với mục tiêu cả hệ thống cùng hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Trong những ngày tới đây, Hiệp hội dự định đề xuất lên NHNN xem xét áp trần LS 14%/năm cho các NH nhỏ, còn NH lớn có thể kéo xuống 13,5%/năm để cân đối lại dòng tiền. Ngoài ra, cũng đề nghị áp trần LS cho vay trên thị trường liên NH, tránh việc các NH nhỏ phải khổ sở đi vay với lãi suất cao. Ông Nguyễn Đức Vinh - TGĐ Techcombank cho rằng, không nên “thiết kế” thêm một trần LS liên NH vì hiện nay các NH không phải khó khăn về vốn mà khó khăn về thanh khoản. Tất cả các chỉ tiêu thanh khoản đều mấp mé giới hạn an toàn, sau khi phải sắp lại nguồn vốn thực, vốn ủy thác đầu tư… Vì vậy, điều cần thiết lúc này là NHNN phải có biện pháp giải quyết tổng thể tháo gỡ khó khăn thanh khoản cho hệ thống. Nhưng vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay, theo ông Vinh là những rủi ro về mất cân đối cơ cấu nguồn vốn khi có tới 80% tổng nguồn vốn huy động là tiền gửi ngắn hạn 1 tháng. Ông Lê Quốc Trung - Phó TGĐ NH TMCP Quốc tế (VIB) cho rằng, con số thống kê này cao tới 90%, và khẳng định rủi ro cơ cấu kỳ hạn là vô cùng lớn. Theo ông Trung, lúc này không nên đặt trần LS liên NH vì bản chất của LS này là LS phạt. NH nào quản trị kém, phải chịu LS cao. Hiện nay, không chỉ các NH nhỏ, lãnh đạo VIB cho biết tất cả các NH cổ phần đang rất hoang mang khi các NH quốc doanh chiếm 60% thị phần đang cắt hạn mức tín dụng cho vay tín chấp. Tiền gửi sụt giảm, lại không vay được trên thị trường liên NH sẽ vô cùng khó khăn, ông đề xuất NHNN nhanh chóng hỗ trợ, cần tăng tỷ lệ trúng thầu trên thị trường mở (OMO) thay vì mỗi ngày chỉ khoảng mười mấy %.
Đại diện NH Bắc Á cho biết, hiện nay đang chờ đợi và hy vọng NHNN hỗ trợ bằng chính sách cụ thể, nhưng vẫn ái ngại vì tính khả thi, ví như việc ai sẽ được LS 14%/năm, ai chịu 13,5%/năm như đề xuất của Hiệp hội. Bà Nguyệt Thu - Phó TGĐ BaoViet Bank cho rằng, để áp trần LS riêng cho NH lớn và NH nhỏ khác nhau sẽ rất khó, chi bằng NHNN nên có chỉ đạo yêu cầu NH quốc doanh duy trì hạn mức tín dụng cho các NH nhỏ trên thị trường liên NH. Đồng thời, tăng tỷ lệ trúng thầu trên thị trường mở, để NH có thêm nguồn vốn giải tỏa khó khăn thanh khoản.
Anh Vũ
Thanh Niên
|