Trần lãi suất 14%: Ngân hàng nhỏ như 'cá trên thớt'
Liệu có xảy ra khả năng là cùng với xu thế tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đang có một số ngân hàng thương mại nhỏ nằm trong "tầm ngắm", và chỉ cần lần này họ không tuân thủ nghiêm quy định trần lãi suất 14% thì số phận của họ xem như sẽ được định đoạt?
"02" trùng hợp: Lối mòn có lặp lại?
Bốn ngày cuối tuần trước là thử thách đầu tiên đối với Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chấn chỉnh việc thực hiện mức lãi suất huy động 14%. Vẫn còn khá nhiều hoài nghi về thái độ "giơ cao đánh khẽ" của NHNN, xuất phát từ tiền lệ một thông tư cũng mang số 02 của cơ quan này ban hành vào đầu tháng 3/2011 về quy định trần lãi suất 14%, nhưng đã bị hầu hết các ngân hàng phớt lờ và trong suốt gần nửa năm qua cơ chế lãi suất huy động bị biến thành một cái "chợ" bát nháo.
Từ tâm lý hoài nghi về sự tái hiện của lịch sử qua sự trùng hợp ngẫu nhiên của con số "02", một số ngân hàng vẫn tiếp tục đi "hàng hai", vừa thực hiện vừa đảo mắt xem chừng bầu không khí của chính sách và thái độ của các ngân hàng bạn. Tuy không còn dám công khai chào mời khách hàng gửi tiết kiệm mức lãi suất cao hơn 14%, nhưng vẫn có những nhân viên ngân hàng hứa hẹn "lãi suất có thể thay đổi trong tương lai không xa" như một động tác cố níu kéo những khách hàng truyền thống.
Song lần này tình hình có vẻ như đã đổi thay khá nhiều so với quá khứ. Chỉ sau một ngày từ khi ban hành Chỉ thị 02, NHNN đã công khai hóa bản đánh giá sơ bộ về thực tế tuân thủ của các ngân hàng, với kết quả tương đối khả quan là 34/42 ngân hàng đã thực hiện chế độ giám sát nghiêm ngặt. Động tác này được xem là điều chưa có tiền lệ nếu so với quá trình triển khai và giám sát kết quả thực hiện của Thông tư 02 trước đây. Và dù chưa xử lý trường hợp xé rào nào, đây cũng là một động tác thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc và nhất quán của NHNN, cho thấy hơi hướng của Chỉ thị 02 sẽ khó nghiêng về "đầu voi đuôi chuột".
Còn nhớ cách đây khoảng một tháng, nguyên thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm đã cho rằng cần phải có một "bàn tay thép" để lặp lại trật tự đối với hệ thống ngân hàng. Cụm từ quyết liệt này được nêu ra trong bối cảnh thống đốc mới của NHNN là Nguyễn Văn Bình đang chuẩn bị có bước đi đầu tiên về làm việc với 12 ngân hàng lớn về vấn đề lãi suất.
Một tinh thần "02" mới
Từ "bàn tay thép" của ông Cao Sĩ Kiêm, đã không quá ngạc nhiên khi công cụ thanh kiểm tra được áp vào mệnh lệnh hành chính - Chỉ thị 02 - một cách dứt khoát, quy định rõ ràng về xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm cùng các hình thức chế tài. Đây cũng là một biểu hiện được đánh giá là "chưa từng có" trong hoạt động quản lý của NHNN trước đây.
Trước đây, Thông tư 02 của NHNN ban hành vào đầu tháng 3/2011 về mức lãi suất huy động tối đa 14% đã chỉ đề cập một cách chung chung về công tác thanh tra, giám sát trong vài dòng ngắn gọn, như một nội dung được điền vào cho đủ của văn bản. Dĩ nhiên khi đọc bản thông tư đó, người ta liền liên tưởng đến nhiều văn bản nhà nước gần như bỏ trống nội dung "hậu quản", dẫn đến thái độ xem thường mệnh lệnh hành chính ngay từ thời điểm tiếp cận với mệnh lệnh đó.
Cũng chính từ trống vắng biện pháp cụ thể về thanh tra, giám sát về chế tài của Thông tư 02 mà hậu quả đã hiển hiện: rất nhiều ngân hàng, trong đó đặc biệt là ngân hàng thương mại nhỏ, đã thoải mái huy động lãi suất theo một kiểu "làm giá", hệt như chuyện làm giá cổ phiếu chứng khoán.
Tuy vài đơn vị bị phát hiện và đã bị xử lý như Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) - chi nhánh Đắc Lắc và Ngân hàng TMCP Phương Tây - chi nhánh Hà Nội, nhưng tình cảnh "đi đêm" đồng loạt giữa các ngân hàng với nhau và với khách hàng đã khiến cho NHNN bó tay chỉ vài tháng sau khi Thông tư 02 ra đời.
Tất nhiên, vẫn có một lý do để biện minh cho thực tế bị xé rào của Thông tư 02. Đó là bối cảnh thiếu vốn trầm trọng của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2011, vô hình trung đã khiến cho ngân hàng phải duy trì sự sinh tồn của họ bằng cơ chế lãi suất thỏa thuận không chừng mực.
Nhưng nay tình hình đã đổi khác về cơ bản. Từ thế thiếu vốn và bị hạn chế về thanh khoản, nhiều ngân hàng đang trở nên thừa vốn, ứ vốn, tính thanh khoản trong toàn bộ hệ thống cũng đã được nâng lên rõ rệt từ khoảng hai tháng qua.
Bơm vốn được tiếp tục
Những ngân hàng thương mại nhỏ có lẽ khó còn giữ được lý do thiếu vốn để nì nèo. Trước khi hội nghị giữa NHNN với tất cả các ngân hàng trên toàn quốc diễn ra vào ngày 7/9/2011, đã có thông tin cho biết NHNN có thể sẽ dùng khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng, nằm trong số 37.000 tỷ đồng dự trữ bắt buộc, để tái cấp vốn cho khoảng 10 ngân hàng thương mại nhỏ khó khăn. Tuy trong hội nghị trên vấn đề này không được đặt ra, nhưng tín hiệu của nó đã phát ra.
Trong tuần trước, việc NHNN bơm đến 21.000 tỷ đồng vào hệ thống thị trường liên ngân hàng đã khuấy đảo thanh khoản của thị trường này. Từ đó, có thể suy luận là việc tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại nhỏ sẽ đi sau động tác bơm tiền vào thị trường liên ngân hàng, dù có độ trễ nhất định nhưng cũng sẽ khiến cho các ngân hàng nhỏ tạm thoát khỏi những khó khăn trước mắt.
Ngân hàng lớn thừa vốn, còn ngân hàng nhỏ được tái cấp vốn, vậy hệ quả nào sẽ diễn ra? Với một số ngân hàng lớn, một sự thật tồn tại từ hai tháng qua là kế hoạch cho vay sản xuất của họ chỉ đạt khoảng 10-15%, bởi ngay vùng lãi suất 17-19% mà nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất đắn đo, chỉ một số ít dám đặt bút ký vay.
Thế thì mức lãi suất cho vay bao nhiêu là hợp lý? Trong một bức tâm thư mới đây của Hiệp hội Các nhà tài chính Việt Nam (VAFI), một đề xuất được nêu ra là mức lãi suất cho vay cần phải giảm về 12% thì doanh nghiệp mới đủ can đảm tiếp cận với ngân hàng.
Ngay hiện thời, 12% vẫn còn là một con số có vẻ như mơ tưởng. Nhưng mức lãi suất 14-16% thì có vẻ hợp lý hơn. Với tình thế ứ vốn và cần tới thanh khoản, sắp tới có khả năng một số ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay, và do đó lãi suất huy động cũng tự nhiên giảm theo. Đó là một cơ sở tích cực để bảo đảm cho quy định mức lãi suất trần huy động 14% sẽ thực hiện được.
Chế tài!
Cũng trong bức tâm thư trên, VAFI đã nêu vấn đề cần giảm từ 15-20% số ngân hàng thương mại hiện nay. Quả thật, đã có nhiều ý kiến về việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong vài tháng qua, khi hiện thực tồn tại hàng trăm ngân hàng và tổ chức tín dụng là quá nhiều so với một nền kinh tế có quy mô còn nhỏ hẹp trong khu vực châu Á.
Cũng có cảm giác như đó không chỉ là ý kiến mà còn là một chủ trương, và tái cấu trúc là một cụm từ nghe có vẻ thanh thoát, trong khi thực tế đối với một bộ phận ngân hàng thương mại nhỏ lại sẽ khắc nghiệt hơn nhiều: những ngân hàng này có thể bị sáp nhập, hợp nhất, kể cả giải thể và quốc hữu hóa thông qua việc các ngân hàng cổ phần nhà nước thâu tóm.
Không có nhiều lựa chọn đối với các ngân hàng nhỏ. Hoặc họ phải tuân thủ nghiêm ngặt chủ trương kéo giảm lãi suất của Chính phủ và quy định của NHNN, hoặc họ sẽ phải "đội nón ra đi". Cho tới giờ, tuy chưa xảy ra trường hợp xử lý vi phạm nào, nhưng những động tác dứt khoát, có hệ thống và chưa có tiền lệ trong chế tài của NHNN phải chăng đã dẫn tới một suy diễn không tránh khỏi: trên bàn làm việc của Thống đốc NHNN đã có sẵn một bản danh sách những ngân hàng thương mại và cá nhân phụ trách có "tiền án" và sắp tới có thể tiếp tục tái phạm?
Liệu có xảy ra khả năng là cùng với xu thế tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đang có một số ngân hàng thương mại nhỏ nằm trong "đường ngắm", và chỉ cần lần này họ không tuân thủ nghiêm quy định trần lãi suất 14% thì số phận của họ xem như sẽ được định đoạt?
Tin tức gần nhất cho thấy chỉ sau 2 ngày ký ban hành Chỉ thị 02, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN đã kiểm tra đột xuất một số tổ chức tín dụng tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình và TP.HCM, phát hiện những tổ chức tín dụng có dấu hiệu vi phạm lãi suất huy động trên mức 14%/năm. Trong đó, đáng chú ý là Ngân hàng TMCP Phương Tây (WEB) - chi nhánh Hà Nội (đã từng vi phạm và bị xử lý trước đây), chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) (tại Đà nẵng) huy động vốn VND với lãi suất 17,5%/năm, Quỹ tiết kiệm Đống Đa và chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) - 19%/năm.
Từ những tín hiệu và động thái trên, không khó để dự báo là trần lãi suất huy động 14% sẽ được bảo đảm trong tuần này.
Trường Sơn
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|