Hạ lãi suất… từ gốc
Ngoài việc cho các ngân hàng vay vốn giá rẻ, Ngân hàng Nhà nước cần có lộ trình hợp nhất ngân hàng
Bên cạnh sử dụng các biện pháp hành chính, buộc các ngân hàng (NH) thương mại thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động, kéo lãi suất cho vay dần về 18% - 19%, NH Nhà nước đã hỗ trợ vốn cho các NH nhỏ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc hạ lãi suất cần thực hiện đồng bộ, xuất phát điểm là NH Nhà nước – tổ chức đóng vai trò cho vay cuối cùng.
Dịch chuyển dòng vốn
Theo các NH, tuần trước, NH Nhà nước đã bơm ròng 21.000 tỉ đồng ra thị trường. Phó tổng giám đốc một NH có trụ sở tại Hà Nội xác nhận NH Nhà nước có bơm tiền hỗ trợ một số NH với kỳ hạn cho vay 1-2 tuần.
Tại hội thảo “Chứng khoán đã qua cơn bĩ cực”, tổ chức cuối tuần qua, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành bộ phận khách hàng tổ chức - Công ty CP Chứng khoán TP (HSC), cũng cho biết tuần qua, NH Nhà nước đã hút một lượng vốn khoảng 15.000 tỉ đồng từ một số NH thương mại lớn và bơm vốn cho NH nhỏ.
NH Nhà nước không chỉ bằng các biện pháp hành chính, buộc các NH thương mại giảm mạnh lãi suất huy động, kéo lãi suất cho vay về 18%-19% (thực tế, trần tăng trưởng tín dụng vẫn được áp dưới 20%, vì vậy, tốc độ cung tiền sau khi hạ lãi suất vẫn không đổi) cái chính là NH Nhà nước muốn bơm vốn giá rẻ cho các NH nhỏ. Bởi các NH nhỏ chính là ngòi nổ của các cuộc đua lãi suất. Khi đó, lãi suất huy động cũng như cho vay sẽ giảm dần. Rõ ràng, NH Nhà nước đã thực hiện dịch chuyển dòng vốn từ NH lớn sang NH nhỏ. Đây mới chính là tín hiệu tốt và ổn định cho thị trường chứ không phải là việc ồ ạt giảm lãi suất...
Tuy nhiên, thị trường lãi suất vẫn còn tình trạng các NH cho vay lẫn nhau qua phương thức ủy thác đầu tư. Tức là NH nhận tiền ủy thác từ NH bạn rồi lại ủy thác cho NH khác, kết quả là cung tiền và tổng huy động vốn tăng nhưng dư nợ cho vay lại không tăng.
Do lãi suất tiền gửi bị áp trần 14%/năm nên khi đến hạn, các NH sẽ rút về số tiền ủy thác, sẽ làm giảm sút đáng kể lượng tiền huy động của hệ thống NH. Khi điều này xảy ra, một số NH thương mại sẽ đối mặt với nguy cơ căng thẳng về thanh khoản, đặc biệt là các NH nhỏ...
Bơm vốn đúng thời điểm
Để lãi suất đi xuống bền vững, PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng NH Nhà nước cần xử lý dứt khoát NH vi phạm lãi suất, đồng thời bơm vốn giá rẻ đúng thời điểm cho các NH khó khăn về vốn nhằm triệt tiêu động cơ đua lãi suất tiền gửi. Khi đó, nhu cầu vay vốn NH nhỏ sẽ giảm, lãi suất vay vốn NH bạn (lãi suất liên NH) sẽ xuống ở mức 15%/năm.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, toàn thị trường đều áp dụng lãi suất đầu vào 14%/năm thì huy động vốn của các NH nhóm B sẽ gặp khó khăn. Trong khi nhóm NH này lại có tỉ lệ nợ xấu cao, nguồn vốn ra vào thường mất cân đối (thiếu hụt thanh khoản), buộc phải vay vốn NH bạn, tạo thời cơ cho các NH nhóm A đẩy lãi suất thị trường liên NH lên cao (18%-20%/năm).
Để tồn tại, trước mắt, các NH nhóm B có thể chấp nhận nhưng về lâu dài không loại trừ khả năng các NH này sẽ tìm cách “lách luật” huy động vốn với lãi suất 15%-16%/năm. Do đó, ngoài việc cho các NH thương mại vay vốn giá rẻ trong ngắn hạn, NH Nhà nước cần có lộ trình hợp nhất, giải quyết dứt điểm tình trạng các NH nhóm B. Đồng thời, khi lãi suất đã giảm mạnh, lạm phát đi xuống, NH Nhà nước nên bỏ ngay các quy định về trần huy động vốn, trả lãi suất về với cơ chế thị trường.
6 ngân hàng có dấu hiệu vi phạm lãi suất
Cơ quan Thanh tra - Giám sát NH - NH Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản về việc kiểm tra đột xuất 6 NH và một quỹ tín dụng tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình và TPHCM có dấu hiệu vi phạm lãi suất huy động vốn VNĐ trên 14%/năm.
Cơ quan Thanh tra - Giám sát NH đề nghị giám đốc NH Nhà nước - Chi nhánh TP Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, tỉnh Ninh Bình và TPHCM kiểm tra ngay các khoản tiền gửi, phải thu, phải trả, chiết khấu giấy tờ có giá, cho vay phát sinh trong các ngày 8 và 9-9 của các NH này để có kết luận chính thức. Nếu các NH này vi phạm về lãi suất, cần có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định. |
Thy Thơ
người lao động
|