Áp lực tỷ giá chưa giải tỏa
Tính đến cuối tháng 8, dư nợ tiền gửi và cho vay ngoại tệ quy đổi xấp xỉ 450.000 và 600.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối tháng 7 (tương ứng 460.000 và 610.000 tỷ đồng). "Chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ vẫn trong khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương 7,3 tỷ USD. Nghĩa là, con số gây áp lực thay đổi tỷ giá vẫn tiếp tục hiện hữu, chưa có sự biến chuyển", một chuyên gia ngân hàng cảnh báo.
NHNN vừa ra quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng thêm 1% kể từ tháng 9/2011. Sau đó một tuần, tại Hội nghị của ngành ngân hàng, các ngân hàng đã đồng thuận đưa lãi suất huy động VND về đúng 14%/năm nhằm kéo lãi suất cho vay xuống còn 17-19%/năm. Các chuyên gia ngân hàng nhận định, hai động thái trên nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, giảm bớt áp lực lên tỷ giá, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban vốn và kinh doanh vốn của BIDV, về mặt logic, khi tỷ lệ DTBB tăng lên, chi phí vốn của các NHTM sẽ tăng và do đó, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù đắp chi phí và có một mức thu nhập hợp lý tương ứng với các rủi ro của hoạt động cho vay ngoại tệ. Tuy nhiên, tình hình sẽ có thể hơi khác một chút do lãi suất cho vay ngoại tệ của các NHTM hiện đang khá cao, vì họ phải cạnh tranh huy động ngoại tệ ở mức lãi suất cao hơn khá nhiều so với trần 0,5%/năm đối với tổ chức kinh tế và 2%/năm đối với cá nhân.
"Nếu bây giờ tất cả các NHTM đều thực hiện nghiêm túc trần huy động lãi suất ngoại tệ theo Chỉ thị 02 của NHNN sẽ giúp giảm chi phí vốn đáng kể. Tương quan giữa tác động của tăng DTBB sẽ không lớn so với tác động của giảm lãi suất huy động nên có thể lãi suất cho vay ngoại tệ sẽ giảm một chút", ông Quỳnh nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích, với sự ổn định tỷ giá từ sau đợt điều chỉnh cuối tháng 2 đến nay, cộng với lời khẳng định của Thống đốc NHNN rằng tỷ giá chính thức sẽ chỉ biến động trong khoảng 1%, chắc chắn doanh nghiệp nào có thể vay được ngoại tệ sẽ không "bỏ lỡ cơ hội". Hơn nữa, lãi suất VND hiện vẫn còn rất cao nên việc tăng DTBB lên 1% cũng không làm giảm chênh lệch nhiều lắm giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ.
Đồng quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế tính toán, nếu lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện là 2%/năm cộng với DTBB cao nhất là 8%/năm thì lãi suất huy động thực tế mà các ngân hàng phải trả bắt đầu từ tháng 9 này sẽ là 2,16%/năm. Nếu cộng tiếp 4-5% bù đắp các khoản chi phí trong hoạt động ngân hàng thì lãi suất cho vay vào khoảng 6-7%/năm. Như vậy, lãi suất chênh lệch giữa nội tệ và ngoại tệ trên thực tế vẫn lên tới 12%. "Rõ ràng, việc tăng DTBB lên 1% là liều thuốc chưa đủ mạnh đối với thị trường ngoại tệ", vị chuyên gia trên nói.
Bên cạnh đó, mặc dù 34/42 NHTM đã có văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống của mình về việc chấp hành đúng quy định NHNN về mức lãi suất huy động bằng VND và USD nhằm giảm lãi suất cho vay, khuyến khích doanh nghiệp vay nội tệ nhưng theo các chuyên gia kinh tế, việc điều hòa vốn trong từng ngân hàng không phải là chuyện dễ, vì phần lớn vốn đã được huy động với lãi suất cao trước đây. Do vậy, các ngân hàng vẫn cần thời gian để chờ các khoản tiền gửi đó đáo hạn rồi chuyển sang mức lãi suất khác. Đó là chưa tính đến việc liệu thị trường trong tương lai có hỗ trợ cho các ngân hàng đẩy lãi suất xuống thấp nữa hay không?
Hơn nữa, ngay chính các ngân hàng khi tuyên bố dành ra một gói hỗ trợ cho vay hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thì đối tượng được vay cũng chỉ xoay quanh một số nhóm doanh nghiệp nhất định.
Rõ ràng, thị trường cần một vài tháng để giảm lãi suất nội tệ. Do vậy, chắc chắn các doanh nghiệp được vay ngoại tệ sẽ vẫn tiếp tục vay và đồng nghĩa với đó là tín dụng ngoại tệ vẫn sẽ còn tăng cao.
Với những phân tích ở trên, các chuyên gia ngân hàng đều thống nhất quan điểm, nếu NHNN muốn hạn chế cho vay bằng ngoại tệ thông qua việc đẩy chi phí vốn và lãi suất cho vay ngoại tệ của các NHTM lên cao hơn thì có thể phải xem xét tiếp tục tăng DTBB, với tỷ lệ phải lên đến 10% hay thậm chí 12%. Mặc dù cơ chế vay - mượn ngoại tệ có quy định điều kiện rất chặt chẽ nhưng vẫn cần kiểm soát chặt hơn nữa với tín dụng ngoại tệ, đặc biệt là về đối tượng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp mang tính hành chính, tạm thời. Về dài hạn, việc điều tiết tín dụng nội tệ và ngoại tệ phải thông qua các công cụ chính sách tiền tệ. Các quan hệ vay - mượn ngoại tệ phải chuyển sang quan hệ mua - bán, trừ những doanh nghiệp xuất khẩu bởi họ có nguồn ngoại tệ tái tạo.
Các chuyên gia cũng đồng ý rằng, NHNN cần đồng thời áp dụng các biện pháp nói trên với liều lượng và thời gian tùy thuộc vào diễn biến của thị trường. Đồng thời, phải có biện pháp cân bằng giá cả giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế trên cơ sở NHNN điều tiết linh hoạt việc xuất, nhập khẩu vàng và hạn chế nhập lậu vàng.
Hồng Dung
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|