Chủ Nhật, 18/09/2011 17:02

Thị trường than với bài toán xuất – nhập

Giá than của các khu vực trên thế giới được nhận định sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2011 và trong năm 2012, khi nhu cầu than của Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh để phục vụ cho sản xuất điện trong thời gian tới.

Diễn biến thị trường than thế giới

Thị trường NEWCASTLE (Australia): Từ ngày 1 đến 10/8, giá FOB của loại than 6.300kcal/kg GAR trên thị trường này giảm từ 120USD/tấn xuống 118,5USD/tấn (-1,5USD /tấn). Tuy nhiên sau ngày 11/8, giá than của NEWC tăng trở lại, trong đó than 6.300kcal/kg GAR tăng lên tới mốc 121USD/tấn (+ 2,5USD/tấn, ngày 19 đến 22/8). Nguyên nhân chính được ghi nhận xuất phát từ cuộc đình công khiến cho 7 trong 8 mỏ than xuất khẩu của Billiton – Mitsubishi Alliance ở Queensland phải ngừng hoạt động. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do các nhà xuất khẩu nhận thấy Trung Quốc đã chuẩn bị tái gia nhập thị trường để thực hiện các hợp đồng mua than trong quý IV sau thời gian dài khá im tiếng.

Trên thị trường Kalimantan (Indonesia): Giá than Kalimantan tiếp tục giảm trong tuần đầu tháng 8, trong đó giá FOB loại than 6.000kcal/kg NAR giảm tới mức thấp nhất trong nhiều tháng qua với 94,25USD/tấn (ngày 5/8), khi các nhà cung cấp giảm giá để lôi kéo các đối tác Trung Quốc.

Trong tháng 8, Vinacomin xuất trên 1,1 triệu tấn than, giảm gần 6% so với tháng 7.

Tuy nhiên, trong tuần thứ 2, giá FOB than 6.000kcal/kg NAR có đợt tăng vọt lên 7,5USD/tấn và đạt mức 100USD/tấn vào ngày 12/8. Đợt tăng giá này chủ yếu xuất phát từ tâm lý duy trì lợi nhuận xuất khẩu của các nhà sản xuất than Indonesia sau một thời gian dài liên tục giảm giá. Đồng thời do khí hậu hanh khô khiến mực nước sông tại Kalimantan giảm rất thấp, gây khó khăn lớn cho hoạt động vận chuyển than; ngoài ra, việc tăng giá than tại NEWC cũng ảnh hưởng tới đợt tăng giá lần này của Indonesia. Nửa cuối tháng 8 thị trường duy trì ổn định.

Ở thị trường ARA (châu Âu): Giá trong tuần đầu tháng 8 tại ARA tăng vọt, trong đó giá loại than 6.000kcal/kg NAR có lúc đạt tới mức 126,8USD/tấn (ngày 4/8). Nguyên nhân gián tiếp xuất phát từ các cuộc đình công của công nhân ngành than tại Nam Phi trong cuối tháng 7, đầu tháng 8 và khiến ARA thành thị trường cung cấp độc quyền vào châu Âu. Giá than ARA chỉ hạ nhiệt khi mà giá dầu thô giảm mạnh đã tác động tới thị trường này. Giá CIF của loại than 6.000kcal/kg NAR trong ngày 9/8 đã giảm xuống mốc 123,75USD/tấn và tới ngày 17/8 tiếp tục giảm mạnh (-4,15USD/tấn) xuống còn 121USD/tấn.

Trên thị trường Richard Bay (RB – Nam Phi): Cơ bản cân bằng cung cầu của thị trường này không có gì thay đổi và giá của RB trong tháng rất ít biết động. Trong tháng 8, giá loại than 6.000kcal/kg NAR trên thị trường này dao động nhẹ trong khoảng giá từ 117,5-119,85USD/tấn. Mặc dù các cuộc đình công của công nhân ngành than ảnh hưởng đáng kể tới khả năng cung cấp than của Nam Phi, tuy nhiên, nhu cầu của than RB cũng đang trong giai đoạn giảm sút mạnh do khách hàng lớn của họ là Ấn Độ vẫn đang trong mùa mưa lớn.

Diễn biến thị trường than trong nước

Về hoạt động xuất khẩu than, có xu hướng tăng khối lượng từ tháng 1 đến tháng 6, tuy nhiên lượng than xuất khẩu của tháng 7 và tháng 8 thì giảm rất lớn. Tháng 8/2011, Việt Nam xuất khẩu than đạt 1.100 nghìn tấn, giảm 69 nghìn tấn (tương đương 5,90%) so với tháng 7/2011, giảm 318 nghìn tấn (tương đương 22,43%) so với cùng kỳ năm 2010. Giá xuất khẩu than có xu hướng giảm rõ rệt từ tháng 1 đến tháng 4 (từ 144,93USD/tấn xuống còn 82,05USD/tấn), sau đó giá diễn biến theo biểu đồ hình sin trong giai đoạn còn lại và đạt mức 89,09USD/tấn trong tháng 8.

Nhìn chung sản lượng xuất khẩu than trong năm 2011 (từ tháng 1 đến tháng 8) có xu hướng giảm đáng kể. Nguyên nhân chính là do chính sách hạn chế xuất khẩu than để đảm bảo an ninh năng lượng mà Chính phủ yêu cầu ngành Than phải thực hiện; đồng thời, các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu than cũng bắt đầu cắt giảm sản lượng để dần thích nghi với thuế suất xuất khẩu mới sẽ được áp dụng vào ngày 11/9 tới đây (thuế suất xuất khẩu được điều chỉnh từ 5% lên 20%).

Để chuẩn bị cho hoạt động nhập khẩu than, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã ký một hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn năng lượng Nhật Bản Marubeni vào đầu tháng 8 vừa qua để cung cấp cho Vinacomin khoảng 2 triệu tấn than mỗi năm từ các mỏ than tại Indonesia hoặc Australia. Toàn bộ lượng than này dự kiến sẽ được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than đi vào hoạt động gần năm 2015, tuy nhiên chi tiết về khối lượng và thời gian thực hiện hợp đồng chưa được ấn định.

Nhận định xu thế thị trường than thế giới, trong nước

Giá than của các khu vực trên thế giới được nhận định sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2011 và trong năm 2012, khi nhu cầu than của Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh để phục vụ cho sản xuất điện trong thời gian tới. Nguồn cung Nam Phi, Indonesia, Australia sẽ không có đột biến tăng khi Indonesia hạn chế xuất khẩu, Australia “vướng” nghị định thư Kyoto về giảm khí thải.

Việt Nam sẽ giảm mạnh hoạt động xuất khẩu than trong thời gian tới, khi Chính phủ có các chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên (tăng thuế xuất khẩu than từ 5% lên tới 20% kể từ ngày 11/9/2011). Cho dù, vào đầu tháng 7, Vinacomin có đề nghị giảm thuế xuất khẩu than để bù đắp cho chi phí sản xuất và đầu tư của Tập đoàn này.

Về dài hạn, khi nguồn than trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, Việt Nam sẽ tăng mạnh lượng nhập khẩu than đặc biệt cho các nhà máy nhiệt điện bắt đầu hoạt động từ cuối 2014.

Thành Luân - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí

Petrotimes

Các tin tức khác

>   Nhiều nghịch lý trong thị trường xăng dầu (18/09/2011)

>   Mỏ Tê giác trắng khai thác 42.800 thùng/ngày (17/09/2011)

>   Cuối tuần, giá xăng dầu mất đà giảm sâu (17/09/2011)

>   Chính thức khai thác dầu khí tại mỏ Tê Giác Trắng (16/09/2011)

>   DN xăng dầu phải báo cáo hiện trạng lỗ lãi trước 20/9 (16/09/2011)

>   IEA đã dừng mở kho dự trữ dầu chiến lược (16/09/2011)

>   Dầu nhích qua mốc 89 USD/thùng, giá khí thiên nhiên sụt 4% (16/09/2011)

>   Bộ Tài chính: Trước mắt, chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu (15/09/2011)

>   Những bấp bênh của thị trường dầu mỏ thế giới (15/09/2011)

>   Tham khảo điều hành giá xăng tại nước ngoài (15/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật