Cuối tuần, giá xăng dầu mất đà giảm sâu
Chốt phiên giao dịch cuối tuần (16/9), thị trường xăng, dầu quốc tế một lần nữa quay đầu thoái lui, do nhà đầu tư mất tin tưởng vào triển vọng nhu cầu tiêu thụ thời gian tới.
Giá dầu thô ngọt, nhẹ kỳ hạn tháng 10 hạ 1,44 USD, tương ứng 1,6%, xuống còn 87,96 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Đây là mức đóng cửa thấp nhất trong một tuần của dầu loại này.
Trong phiên, giá thấp nhất của dầu kỳ hạn tháng 10 là 87 USD/thùng và cao nhất là 89,78 USD/thùng, chưa thể vượt qua ngưỡng 90 USD/thùng như dự đoán của nhiều nhà phân tích. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu loại này tăng nhẹ 0,8%.
Thị trường dầu hôm qua phản ứng tích cực sau báo cáo về niềm tin tiêu dùng Mỹ. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng do Thomson Reuters và trường Đại học Michigan điều tra và công bố tăng lên 57,8 điểm trong tháng 9, từ mức 55,7 điểm hồi tháng trước.
Số liệu này cũng vượt hơn mức dự báo 57,3 điểm do các nhà phân tích kinh tế đưa ra trong cuộc điều tra của Market Watch giữa bối cảnh thị trường chứng khoán còn biến động và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao.
Hôm qua, phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ hầu như không có tác dụng nâng đỡ thị trường dầu, như diễn biến trong những phiên trước đó.
Phiên giao dịch liền trước (15/9), giá dầu thô quốc tế đã tăng được 0,6%, nhờ lực đẩy từ việc 5 ngân hàng trung ương hàng đầu bắt tay nhau nới lỏng thanh khoản đồng USD cho các ngân hàng thương mại châu Âu.
Giá dầu còn được hỗ trợ nhờ tuyên bố của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho hay đã chấm dứt việc rút dầu từ các kho dự trữ dầu chiến lược của các nước thành viên, nhằm bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung từ Libya.
Đà tăng trên thị trường Mỹ đã tác động tích cực tới khu vực châu Á trong phiên giao dịch ngày 16/9. Chốt phiên châu Á, tại sàn giao dịch Singapore, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 tăng tiếp lên 89,47 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù được hậu thuẫn bởi thỏa thuận vừa đạt được giữa 5 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, song mức tăng của giá dầu có phần hạn chế do những số liệu kinh tế không mấy khả quan từ Mỹ.
Theo số liệu do Bộ Lao Động Mỹ công bố hôm 15/9, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước (kết thúc ngày 10/9) đã tăng lên 428.000 người, tăng 11.000 người so với tuần trước nữa.
Thêm vào đó, lạm phát trong tháng 8 tuy giảm nhẹ so với tháng 7 nhưng giá xăng và thực phẩm lại tăng lên, khiến người tiêu dùng vẫn khốn đốn.
Các chuyên gia cho rằng, những số liệu này có thể sẽ khiến FED phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế. Thị trường đang chờ đợi xem liệu FED có đưa ra những giải pháp kích thích kinh tế nào tại cuộc họp vào 21/9 tới hay không.
Trong khi đó, tại cuộc họp ở Ba Lan, các bộ trưởng bộ tài chính châu Âu đã bác bỏ những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế suy yếu và không đưa ra dấu hiệu nào về việc xem xét đề nghị tăng sức mạnh cho quỹ giải cứu khủng hoảng nợ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner.
Các quan chức châu Âu cho biết, cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 18 tháng qua không cho phép cắt giảm thuế hay tăng chi tiêu để thúc đẩy nền kinh tế đang đứng trước bờ vực nguy hiểm.
"Chúng tôi không thấy bất cứ điều kiện nào cho phép chúng tôi khởi động các gói kích thích kinh tế trong khu vực đồng euro. Điều đó là không thể", Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker tuyên bố.
Diễn biến cùng chiều với thị trường dầu thô, giá xăng hợp đồng tháng 10 giảm khoảng 1 xu Mỹ, xuống 2,78 USD/gallon. Dầu sưởi cùng kỳ hạn giảm 2 xu Mỹ, xuống chốt ở 3 USD/gallon. Tính cả tuần giao dịch, giá xăng và dầu sưởi đều tăng 0,3%.
Diệp Anh
TBKTVN
|