Nhiều nghịch lý trong thị trường xăng dầu
Trong biểu giá so sánh với các nước, doanh nghiệp thường lấy dẫn chứng thị trường Campuchia, Singapore, Malaysia…, những nơi có giá cao hơn (vì họ áp thuế nhập khẩu cao) để đối chứng chứ hầu như không đề cập đến giá xăng thành phẩm ở những nước lớn như Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc…
Tính đến giữa tháng 9 này, diễn biến thị trường xăng dầu trong nước vẫn tiếp tục "lệch quỹ đạo" so thị trường thế giới. Cùng với việc "bác" đề nghị tăng giá xăng của một số doanh nghiệp nhập khẩu cuối tuần qua, Bộ Tài chính đã có những động thái kiên quyết: yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải báo cáo hiện trạng lỗ, lãi.
Để có thông tin khách quan, Bộ cũng đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Lào và Campuchia nghiên cứu, thu thập thông tin cung cấp cho Bộ Tài chính về giá bán các loại xăng, dầu kể từ ngày 25/8/2011 đến nay; cung cấp thông tin về cơ chế điều hành giá, phương pháp tính giá bán và biện pháp điều hành giá cụ thể đối với từng mặt hàng xăng dầu mà Chính phủ các nước này đang thực thi.
Những biện pháp kiên quyết của Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ tiến tới có thị trường xăng dầu minh bạch bởi cho đến hiện tại, quá nhiều nghịch lý chưa được giải quyết.
1. Nghịch lý quỹ bình ổn giá xăng dầu: Quỹ của doanh nghiệp, tại sao người dân lại đóng thay?
Trong bản báo cáo đánh giá tình hình sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa phát đi giữa tuần qua, Bộ Tài chính khẳng định việc lập quỹ là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Bộ Tài chính khẳng định có đủ cơ sở pháp lý cần thiết để lập quỹ bình ổn như quy định tại Điều 5 Pháp lệnh Giá, Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.
Về sử dụng quỹ bình ổn giá, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của liên Bộ Tài chính - Công thương (thông qua Tổ Giám sát liên ngành về giá xăng dầu). Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng quỹ mà chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện bình ổn giá, kiềm chế tăng giá hoặc không được tăng giá bán.
Tuy nhiên, đánh giá dù được coi "toàn cảnh" này lại chỉ thiên về ưu điểm, những cái lợi có thể thấy đối với quỹ bình ổn. Trong khi đó, những vấn đề tiêu cực, hệ quả phát sinh từ quỹ bình ổn, đặc biệt là các khuất tất của doanh nghiệp khi thu, sử dụng nguồn quỹ khiến dư luận bức xúc lâu nay lại chưa đề cập. Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận đầy đủ, đặc biệt phải nhìn thẳng vào các bức xúc thì mới đánh giá khách quan, từ đó xem xét có nên tiếp tục giữ quỹ bình ổn hay bãi bỏ, nếu giữ thì phải thay đổi lại phương thức thực hiện.
|
Tình hình thu quỹ bình ổn giá xăng dầu từ 2009 đến nay. (Nguồn: Website Bộ Tài chính). |
Bản chất quỹ bình ổn là thu quỹ khi giá ở mức thấp để bù khi giá lên cao, nói như dân gian là tích cốc phòng cơ, gom gạo ngày mùa phòng khi giáp hạt. Tham khảo các nước trên thế giới cũng cho thấy, việc lập quỹ bình ổn được thực hiện ở nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu.
Mô hình quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Chile, Mexico... và được coi là công cụ tài chính hiệu quả nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao. Tuy nhiên, điểm khác biệt là nguồn quỹ trích từ đâu? Ở nhiều nước, doanh nghiệp khi thu nhiều lợi nhuận, họ trích phần trăm lợi nhuận đó để đưa vào quỹ bình ổn và nguồn quỹ này giao cho một bên thứ ba nắm giữ (hiệp hội, hội doanh nghiệp một ngành hàng nào đó đứng ra thành lập). Nghĩa là nguồn quỹ hoàn toàn trích ra từ sinh lợi của doanh nghiệp lúc ăn nên làm ra để bù vào lúc đắt đỏ, kinh doanh thua lỗ.
Thế nhưng ở ta, quỹ lại lấy từ chính túi tiền của người tiêu dùng, doanh nghiệp không hề bỏ ra đồng lợi nhuận nào. Lúc sinh lợi cao, mọi lợi nhuận doanh nghiệp hưởng, lúc sinh lợi thấp, họ vừa có tiền bù giá của Nhà nước, lại có thêm quỹ của khách hàng. Đây là sự nghịch lý của quỹ vì nếu người tiêu dùng đóng tiền lúc giá thấp để bù vào lúc giá cao, nó không phản ánh đúng tính chất "quỹ bình ổn" bởi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận, vì lợi nhuận, tại sao khách hàng phải đóng tiền vào két cho người bán hàng? Trong các loại quỹ đang tồn tại hiện hành, có lẽ chỉ duy nhất quỹ bình ổn giá xăng dầu làm theo cách này.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức vụ mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, từ hoạt động kiểm toán cho thấy, bất luận trong thời điểm nào, doanh nghiệp cũng có lãi ít nhất 300 đồng/lít xăng dầu sau khi đã trừ mọi chi phí bến bãi, hoa hồng. Như vậy, trong thời điểm giá đứng ở mức cao, họ vẫn thu lợi, sự thua lỗ nếu có thì đã có ngân sách Nhà nước bù và một phần quỹ bình ổn do người tiêu dùng đóng. Còn khi giá thế giới xuống thấp, nguồn lợi doanh nghiệp nắm giữ lớn, lợi nhuận họ bỏ túi còn người dân vẫn phải gánh khoản phí bình ổn.
Điểm nữa, tính chất quỹ bình ổn là thu giá lúc thấp để bù vào lúc cao. Thế nhưng hiện nay, giá xăng dầu trong nước đang đứng ở mức cao trong lịch sử. Cùng với đó là lạm phát vẫn hai con số, đó hẳn phải là thời điểm người tiêu dùng được hưởng lợi từ quỹ bình ổn chứ không phải đóng quỹ. Trong khi đó, việc đóng quỹ của khách hàng tiến hành quanh năm nhưng có khi chỉ đủ "xả" quỹ trong một vài tuần, tức là gom cả năm, ăn một vài ngày. Cách làm đó không phải là bình ổn, ngược lại là sự hoang phí.
Cuối cùng, vấn đề chi tiêu quỹ. Bình quân mỗi ngày các doanh nghiệp xăng dầu bán ra thị trường khoảng 37,5 triệu lít xăng dầu. Mức thu quỹ hiện là 300 đồng/lít cho cả xăng và dầu, nguồn thu mỗi ngày sẽ có 11,2 tỷ đồng, mỗi tháng có 336 tỷ, mỗi năm có hơn 4 nghìn tỷ. Đương nhiên, không ai để tiền "chết" trong két, nếu lãi suất bình quân 14%, mỗi năm sẽ có 560 tỷ đồng lãi suất. Vậy, ai hưởng lợi từ số lãi suất cực lớn này? Hiện, nguồn quỹ này được đặt tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong khi chưa có cơ chế kiểm soát. Hồi đầu năm, cơ quan quản lý chức năng đã phát hiện Petrolimex sử dụng không đúng mục đích quỹ bình ổn giá xăng dầu lên tới 1.200 tỷ đồng và tới nay, việc xử lý sai phạm nguồn quỹ này vẫn chưa được công bố.
Như vậy, nếu theo khẳng định của Bộ Tài chính là đủ cơ sở pháp lý và cần thiết phải lập, sử dụng quỹ thì cần tính lại phương thức thực hiện. Nguồn quỹ phải được lấy từ lợi nhuận doanh nghiệp và giao cho bên thứ ba nắm giữ để điều tiết khi cần thiết. Nếu cứ làm theo cách hiện hành thì về bản chất, mục đích của quỹ là sử dụng tiền khách hàng để phục vụ lợi ích doanh nghiệp, nói cách khác là "phao" sinh lợi của doanh nghiệp.
2. Nghịch lý giá xăng: Đắt hơn ở Mỹ 5.634 đồng/lít, doanh nghiệp vẫn than lỗ!
Theo Vneconomy - chuyên trang Thời báo kinh tế Việt Nam trích dẫn, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm trong tháng 9 tiếp tục xu hướng giảm, trong đó có ngày giảm mạnh. Giá bán lẻ xăng dầu tại Mỹ được điều chỉnh rất linh hoạt, nhiều tháng nay, giá xăng dầu đều ở mức thấp.
Ví dụ, ngày 14/9, giá xăng hợp đồng tháng 10 cũng giảm 2 xu Mỹ, tương ứng 0,6%, xuống còn 2,73 USD/gallon. Tương tự, giá dầu sưởi giao cùng tháng cũng giảm bớt 1 xu Mỹ, tương ứng 0,3%, xuống còn 2,95 USD/gallon. Một gallon tương đương với 3,78 lít. Nếu tính một USD là 21.000 đồng thì mỗi lít xăng ở Mỹ có giá là: 2,73 x 21.000 : 3,78 = 15.166 đồng. Một lít xăng A92 tại thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có giá 20.800 đồng, đắt hơn ở Mỹ 5.634 đồng.
Trong khi đó, giá xăng dầu ở nước ta sau nhiều tháng đứng ở mức cao, bất chấp giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm thế giới giảm mạnh, đến ngày 26/8 mới giảm nhỏ giọt với 500 đồng mỗi lít. Trong biểu giá so sánh với các nước, doanh nghiệp thường lấy dẫn chứng thị trường Campuchia, Singapore, Malaysia…, những nơi có giá cao hơn (vì họ áp thuế nhập khẩu cao) để đối chứng chứ hầu như không đề cập đến giá xăng thành phẩm ở những nước lớn như Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc… Những mập mờ này được doanh nghiệp bao biện.
Vì những khuất tất như vậy và để ngăn ngừa các báo cáo được "viết đẹp", ngày 14/9, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Lào và Campuchia nghiên cứu, thu thập thông tin cung cấp cho Bộ Tài chính về giá bán xăng RON 83, 90, 92, 95 và 97; dầu diesel (gọi tắt là DO) 0,25S và 0,05S; dầu Madut (gọi tắt là FO) 3S và 3,5S; dầu hoả tại thị trường các nước trên kể từ ngày 25/8/2011 đến nay.
Bộ Tài chính cũng đề nghị cung cấp thông tin về cơ chế điều hành giá, phương pháp tính giá bán và biện pháp điều hành giá cụ thể đối với từng mặt hàng xăng dầu mà Chính phủ các nước này đang thực hiện. Đây được xem là động thái tích cực của Bộ Tài chính nhằm minh bạch giá xăng dầu hiện nay, khi mà lâu nay doanh nghiệp luôn tìm cách bao biện kêu lỗ.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội, ngày 5/8/2011
"Theo tôi, doanh nghiệp kêu lỗ thì cũng cần làm rõ khái niệm lỗ ở đây là gì. Ví dụ với Petrolimex, giá bán lẻ xăng dầu được xây dựng trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở.
Giá cơ sở được tính toán bao gồm giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, nhân với tỷ giá, sau đó cộng với chi phí lưu thông xăng dầu. Sau đó, doanh nghiệp được cộng thêm lãi định mức 300 đồng/lít, cộng thêm quỹ bình ổn giá với mức cao nhất 500 đồng/lít và một số khoản phụ phí khác.
Như vậy, nói lỗ ở đây là chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ chứ không phải là doanh nghiệp lỗ, bởi họ đã có lợi nhuận định mức ở trong giá là 300 đồng mỗi lít rồi. Nếu không minh bạch cái này ra sẽ rất khó trong quản lý". |
Đ.Trường
Công an nhân dân
|