Thứ Hai, 26/09/2011 09:24

Loại bỏ cổ đông nhỏ để thâu tóm công ty

Khi thị trường chứng khoán đi xuống, giá cổ phiếu còn rẻ hơn giá rau muống, thì nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ngấp nghé thâu tóm những công ty đại chúng kinh doanh tốt với giá rẻ. Nhận thấy xu thế đó, cổ đông lớn trong các công ty này quyết giành lấy quyền kiểm soát trước khi các nhà đầu tư ở ngoài chen chân vào công ty bằng cách thu gom số lượng cổ phần ở mức có thể kiểm soát được công ty.

Luật hiện hành quy định như thế nào?

Theo Luật Doanh nghiệp 2005, với các vấn đề lớn của công ty như tổ chức lại công ty (bao gồm việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập), bán công ty, chuyển đổi loại hình công ty, nếu điều lệ công ty không quy định khác, thì phải được ít nhất 75% số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông công ty. Do vậy, để kiểm soát và chi phối công ty, các cổ đông lớn phải nắm ít nhất là 75% cổ phần phổ thông.

Theo quy định của Luật Chứng khoán, khi một cổ đông dự định nắm giữ từ 25% cổ phần phổ thông, hoặc đã nắm giữ 25% cổ phần phổ thông mà mua tiếp cổ phần dẫn đến việc sở hữu từ 51%, 65% và 75% cổ phần phổ thông thì phải chào mua công khai. Thông thường các cổ đông lớn thu gom một cách gián tiếp nhằm sở hữu số cổ phần mục tiêu đã đặt ra, để sau đó có thể dễ dàng thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Một khi nắm giữ 75% cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết trong công ty, cổ đông này sẽ chi phối vận mệnh của công ty. Tuy nhiên, việc chi phối này vẫn bị hạn chế bởi điều 120 và điều 118 của Luật Doanh nghiệp 2005 về các giao dịch đối với người có liên quan. Theo đó, người có liên quan không có quyền biểu quyết đối với các giao dịch này, chẳng hạn việc bỏ phiếu mua công ty, sáp nhập hoặc hợp nhất công ty với chính công ty là cổ đông lớn đó.

Nếu không “lách luật”, thì theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 các giao dịch này sẽ khó thực hiện, vì lúc bấy giờ quyền biểu quyết giao dịch sẽ thuộc về cổ đông thiểu số, và mục tiêu thâu tóm của cổ đông lớn không thể thực hiện được.

Luật pháp ở các nước khác

Nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông lớn đồng thời đảm bảo sự công bằng cho cổ đông thiểu số đối với tình trạng thâu tóm của cổ đông lớn như đề cập ở trên, các nước có nền luật pháp phát triển đã thiết lập các quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch để điều chỉnh hành vi này.

Theo đó, luật pháp ở các nước Anh, Mỹ, Thụy Sỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản quy định quyền loại bỏ cổ đông nhỏ ra khỏi công ty là quyền đương nhiên của cổ đông lớn, khi cổ đông lớn sở hữu từ 90% hoặc 95% (tùy từng nước, nhưng tối thiểu là 90%) cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết, và ý kiến của cổ đông thiểu số về việc này là không cần thiết.

Theo đó, cổ đông lớn triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông để bỏ phiếu loại bỏ cổ đông thiểu số ra khỏi công ty, hoặc hội đồng quản trị nơi cổ đông lớn nắm quyền kiểm soát sẽ thông qua việc mua lại cổ phần của các cổ đông thiểu số, và cổ đông lớn bồi thường cho cổ đông thiểu số bằng tiền mặt hoặc là bằng chính cổ phần của cổ đông lớn. Luật ở các nước này bảo vệ cổ đông nhỏ bằng việc trao quyền cho các cổ đông thiểu số yêu cầu tòa án thẩm định lại tính công bằng của giao dịch. Thông thường, tòa án sẽ xem xét giao dịch thâu tóm này qua hai yếu tố. Yếu tố đầu tiên là tiến trình thâu tóm này có hợp pháp và công bằng hay không, qua việc bỏ phiếu và quyền sở hữu của cổ đông lớn, kể cả ý kiến của cổ đông thiểu số (nếu có). Yếu tố thứ hai là xem xét giá thế nào được xem là công bằng và hợp lý.

Tùy theo kinh nghiệm và nhận định của từng thẩm phán thụ lý vụ việc, đã nảy sinh nhiều tranh cãi xoay quanh việc thẩm định giá như thế nào được xem là hợp lý. Đối với một số thẩm phán, ngày hội đồng quản trị công ty, hoặc đại hội đồng cổ đông quyết định mua lại cổ phần phổ thông của cổ đông thiểu số sẽ được xem là ngày xác định giá hợp lý, theo đó giá hợp lý là giá giao dịch niêm yết vào cuối ngày tại các sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, có nhiều thẩm phán không đồng ý và không theo cách thức nêu trên vì cho rằng, giá xác định vào ngày giao dịch tại các sở giao dịch và trung tâm giao dịch thường bị ảnh hưởng yếu tố thị trường và tâm lý của nhà đầu tư, do vậy giá đó không phản ảnh đúng giá trị thật của cổ phần. Vì vậy cách mà các thẩm phán sử dụng nhiều nhất là đánh giá lại chỉ số P/E (giá thu nhập trên mỗi cổ phần), giá trị ròng của công ty, giá dự kiến trong tương lai của mỗi cổ phiếu và tiềm năng phát triển của công ty, giá trị thương hiệu...

Quay lại với thực tiễn tại Việt Nam, nếu Luật Doanh nghiệp 2005 bổ sung quyền loại bỏ các cổ đông thiểu số của cổ đông lớn như luật pháp của các nước khác, thì vấn đề đặt ra là các tòa án kinh tế ở ta, đã có thẩm phán có kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực để thẩm định và đánh giá được tính công bằng và hợp lý của các giao dịch thâu tóm đó hay không?

Cao Huyền Trang

tbktsg

Các tin tức khác

>   TTCK Việt Nam: Kỳ vọng vào giai đoạn phát triển mới (26/09/2011)

>   Tiền có vào cổ phiếu khi vàng bị bán tháo? (26/09/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 26-30/09 (26/09/2011)

>   Minh bạch thị trường chứng khoán: Bao giờ? (25/09/2011)

>   26/09: Bản tin đầu tuần (26/09/2011)

>   QST, KTS và HAD có nguy cơ vào diện bị kiểm soát (25/09/2011)

>   Lãi lớn, cổ phiếu cao su có tăng giá? (23/09/2011)

>   Bán ròng 40 tỷ đồng, chuỗi ngày ”xả hàng” của khối ngoại chưa kết thúc (23/09/2011)

>   23/09: Bản tin 20 giờ qua (23/09/2011)

>   Kịch bản nào cho MSN? (22/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật