Doanh nghiệp ngoại thâu tóm cà phê xuất khẩu
Niên vụ 2010 - 2011, khoảng 50% sản lượng cà phê Việt Nam đã bị các doanh nghiệp FDI thâu tóm, khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu càphê trong nước hốt hoảng.
Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cũng lo ngại, sau khi đánh bại DN trong nước, các DN nước ngoài sẽ độc quyền thu mua và định đoạt giá cả, đe doạ ngành sản xuất càphê của Việt Nam.
Khi doanh nghiệp ngoại mua hàng tận gốc
Niên vụ 2010 - 2011, tổng sản lượng cà phê của Đắc Lắc là 400.000 tấn, trong đó 180.000 tấn do 6 DN nước ngoài tổ chức thu mua, xuất khẩu. Thông tin từ cuộc họp câu lạc bộ 20 DN xuất cà phê hàng đầu VN vừa tổ chức tại TPHCM cũng cho hay, hơn một nửa sản lượng cà phê cả nước cũng đã vào tay các DN FDI. Do vậy, nhiều DN trong nước khốn đốn vì không có hàng xuất khẩu, phải hoạt động cầm chừng hoặc phá sản.
Dự báo trong niên vụ tới, phần lớn cà phê xuất khẩu sẽ bị các DN nước ngoài thâu tóm nốt - vì các DN nước ngoài thường tăng gấp đôi số lượng thu mua sau mỗi năm. Ông Đỗ Quyết - Phó TGĐ Cty TNHH MTV XNK cà phê 2.9 Đắc Lắc - cho biết, vụ trước Cty thu mua 100.000 tấn, còn vụ này chỉ dám mơ 50.000 - 60.000 tấn thôi. Cty CP ĐT XNK cà phê Tây Nguyên cũng đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu xuống 100.000 tấn so với 140.000 tấn trong vụ trước.
Mặc dù Nghị định 23/2007/NĐ - CP không cho phép các DN nước ngoài trực tiếp mua hàng hóa của người sản xuất, nhưng thực tế nhiều DN FDI vẫn tổ chức mạng lưới thu mua cà phê đến hộ nông dân. Tại Đắc Lắc, số lượng cà phê mua trực tiếp (không qua đại lý, DN) của chi nhánh Cty TNHH Neumann Gruppe và chi nhánh Cty TNHH Olam năm 2009 là 125,28 tấn, năm 2010 là 226,6 tấn. Đây chỉ là số liệu DN tự báo cáo, không kể việc DN nước ngoài lập ra các công ty mang danh nghĩa VN để trực tiếp gom hàng.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KHĐT Đắc Lắc - cho biết: “Luật Thương mại và Nghị định 23 không cho phép DN nước ngoài thu mua trực tiếp từ người sản xuất, nhưng Luật Đầu tư thì không cấm, do vậy cũng khó xử lý”. Với lợi thế vay vốn lãi suất thấp, bán hàng trực tiếp tại Sàn giao dịch London, nay lại mua tận gốc nên DN nước ngoài càng thừa sức đánh bại các DN của VN ngay trên sân nhà.
Doanh nghiệp trong nước phải tự cứu
Việc DN nước ngoài vào thu mua cà phê vẫn có một số lợi ích như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, từ đó nông dân được lợi về giá cả. Đây cũng là động lực để các DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng theo ông Trần Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc - thì do bất bình đẳng về lãi suất cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn, các DN nước ngoài không khó để thâu tóm thị trường cà phê xuất khẩu, đẩy DN trong nước vào tình thế thua lô.
Còn ông Lê Xuân Lợi - Giám đốc Cty TNHH đầu tư và phát triển cà phê An Thái - cho rằng: “Phải có DN trong nước đối trọng thì mới có cạnh tranh, nếu DN trong nước sập tiệm hết thì DN nước ngoài sẽ độc quyền. Một khi đã độc quyền, họ thích mua giá nào thì mua, lúc đó nông dân lãnh đủ”. UBND tỉnh Đắc Lắc cũng nhận định: “Nếu tình trạng này kéo dài thì các DN nước ngoài sẽ quyết định giá cả, làm cho ngành sản xuất cà phê của VN gặp rất nhiều khó khăn”.
Do vậy, UBND tỉnh Đắc Lắc vừa kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành một số chính sách “mềm” nhằm hỗ trợ DN trong nước như tín dụng, khuyến khích đầu tư chế biến sâu, tập huấn kỹ năng quản lý, kinh doanh quốc tế... Dự báo sắp tới, các quy định về mua bán hàng hóa của DN nước ngoài sẽ tiếp tục nới lỏng theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, DN VN phải nỗ lực hoàn thiện, tăng cường liên kết, nâng cao năng lực trước khi DN ngoại thâu tóm vùng nguyên liệu.
Đặng Trung Kiên
lao động
|