Cơ hội lịch sử tái cơ cấu lĩnh vực xăng dầu
Tranh luận mới đây về điều hành giá xăng dầu đã mở ra một "cơ hội lịch sử" để tái cơ cấu toàn diện lĩnh vực nhạy cảm này. Khi thị trường xăng dầu đã có tính cạnh tranh thực sự, dù nhà nước không can thiệp vào giá bán nữa thì giá xăng dầu cũng không bao giờ có chênh lệch lớn giữa các nhà cung cấp.
Độc quyền doanh nghiệp và lợi ích cục bộ
Cuộc tranh luận giữa Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu (chủ yếu là Petrolimex) trong những ngày này còn chưa ngã ngũ, nhưng ít nhất có 3 điều đã có thể tạm kết luận.
Thứ nhất, cách làm giá xăng dầu lâu nay không lấy gì là vững chắc về mặt khoa học quản lý và thuyết phục về mặt thực tiễn như nó từng được bảo vệ (nếu không thì các cơ quan nhà nước đã không phải tranh luận, lời qua tiếng lại gay gắt với nhau như vậy).
Thứ hai, các quyết định tăng, giảm giá xăng dầu theo cách làm lâu nay được dựa trên những thông tin, số liệu chi phí, lỗ lãi thiếu tin cậy từ các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu (nếu không thì đã không có chuyện người thì nói lỗ, người lại nói lãi).
Thứ ba, tình trạng độc quyền doanh nghiệp và lợi ích cục bộ (hay lợi ích nhóm) ảnh hướng đến người tiêu dùng trong kinh doanh xăng dầu lâu nay là chuyện có thật.
Nhưng nếu công nhận những điều trên đây thì vấn đề ai đúng, ai sai trong câu chuyện này không quan trọng, mà vấn đề cốt lõi là làm thế nào để giải quyết một cách tận gốc những bất cập trong điều hành giá xăng dầu.
Cuộc tranh luận ngày 20/9/2011 giữa Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Petrolimex và các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác đã làm xuất hiện cơ hội tìm kiếm một giải pháp thực sự căn bản về giá xăng dầu thay vì chỉ là thay thế cách làm không hiểu quả này bằng cách làm không hiệu quả khác và luôn luôn ở trong tình trạng vá víu, đối phó.
Trả lời báo VnEconomy hôm 23/9, nguyên Bộ trưởng Công thương Trương Đình Tuyển đã chỉ ra đúng "điểm huyệt" của vấn đề khi cho rằng không thể làm giá xăng dầu "theo thị trường" trong khi chưa có thị trường xăng dầu đích thực, có tính cạnh tranh. Đúng vậy, nếu thị trường còn đang ở tình trạng độc quyền hoặc bán độc quyền thì việc quản lý "theo thị trường" chắc chắn sẽ dẫn đến sự rối loạn hoặc lạm dụng, hoặc cả hai.
Theo luật pháp cạnh tranh của Việt Nam và hầu hết các nước tiên tiến, nguy cơ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường là hiện hữu khi một doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên, hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên, ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên, bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên.
Trên thực tế, mặc dù có tới 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đầu mối, nhưng Petrolimex một mình chiếm tới 60% thị phần, còn 4 doanh nghiệp lớn nhất chiếm 90% thị phần cung cấp xăng dầu. Do vậy, rủi ro lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong kinh doanh xăng dầu còn rất cao, không thể "thả nổi" giá xăng dầu được.
Có lẽ các cơ quan nhà nước nên tập trung tìm cách giải quyết tình trạng lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường (hay độc quyền ở mức độ nhất định) trong lĩnh vực xăng dầu thay vì tốn thời gian, công sức đôi co về số liệu chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.
Thực sự, khi thị trường có tính cạnh tranh, cơ quan nhà nước và người tiêu dùng không cần quan tâm đến các chi phí đầu vào của các doanh nghiệp (có quan tâm thì cũng khó biết chính xác và có biết thì cũng không để làm gì). Khi mua một chai nước mắm, người mua không cần quan tâm doanh nghiệp làm nước mắm đã chi bao nhiều tiền cho cá, muối, máy móc thiết bị, tiền công... và họ thu được bao nhiêu lợi nhuận từ mỗi chai nước mắm. Bán chai nước mắm với giá bao nhiêu là quyền của mỗi doanh nghiệp nước mắm, người tiêu dùng chỉ cần dựa vào chất lượng, giá cả để quyết định mua loại nào trong hàng trăm thương hiệu nước mắm có trên thị trường.
Khi thị trường có cạnh tranh, người mua có thể yên tâm là mình không phải trả giá đắt vì các doanh nghiệp luôn luôn nỗ lực tiết kiệm chi phí, giảm giá bán để tăng hoặc giữ thị phần, lợi nhuận, ít ai manh động bán giá đắt để rồi bị người tiêu dùng tẩy chay.
Cơ hội cạnh tranh hạn chế
Trên thực tế, ở các nước nơi có thị trường xăng dầu cạnh tranh, mặc dù nhà nước không can thiệp vào giá bán của các doanh nghiệp thì giá xăng dầu cũng không bao giờ có chênh lệch lớn. Doanh nghiệp xăng dầu nào bán giá quá cao khi có cơ hội giảm giá sẽ ngay lập tức bị mất thị phần, doanh thu và lợi nhuận vào tay các đối thủ cạnh tranh (do tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu tương đối đồng đều so với các hang hóa khác).
Nếu ở Việt Nam không có doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nào chiếm thị phần trên 30%, hoặc nếu có ít nhất 3 doanh nghiệp "sàn sàn" nhau với thị phần trên dưới 30% thì các cơ quan nhà nước không cần phải mất công tính toán các chi phí đầu vào của các doanh nghiệp để quyết định giá bán nữa, mà hoàn toàn có thể thả nổi giá theo thị trường (như lĩnh vực điện thoại di động sau khi có Viettel tham gia).
Vấn đề là làm thế nào để tiến tới mục tiêu đó và từ nay đến khi đó nên quản lý giá xăng dầu như thế nào?
Ông Trương Đình Tuyền (người từng là Tổng giám đốc Petrolimex) đã nêu ý tưởng chia nhỏ Petrolimex để tạo sự cạnh tranh, điều băn khoăn của ông Tuyển chỉ là chia "dọc" hay chia "ngang". Ông Tuyển cho rằng nếu chia ngang thì không tạo ra thị trường cạnh tranh, còn chia dọc thì đường ống vận chuyển không thể chia được.
Theo tác giả bài viết này, điều băn khoăn của ông Tuyển có thể giải quyết được bằng cách tách hạ tầng xăng dầu chung (bồn bể, đường ống) khỏi hoạt động kinh doanh mua bán xăng dầu (tương tự như việc tách sân bay, quản lý bay khỏi kinh doanh vận tải hàng không, tách cảng biển, cảng sông khỏi kinh doanh vận tải đường biển, đường thủy).
Tất cả các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều có quyền sử dụng hệ thống bồn bể, đường ống chung và trả phí sử dụng theo mức quy định của cơ quan nhà nước (vì dịch vụ này có tính độc quyền). Ở nước ngoài, việc các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sử dụng chung bồn bể, đường ống rất phổ biến. Ngay ở Việt Nam, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng đã và đang thuê các dịch vụ hạ tầng xăng dầu của Petrolimex.
Ý tưởng chia nhỏ Petrolimex thành hai tổng công ty với quy mô gần ngang nhau được khá nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ. Sau khi thị trường xăng dầu đã có tính cạnh tranh thực sự, nhà nước có thể thoái vốn (bán) hoàn toàn khỏi một trong hai tổng công ty, hoặc thoái vốn một phần tại cả hai tổng công ty và để cho thị trường xăng dầu tiếp tục vận hành theo những nguyên tắc thị trường hiệu quả, bền vững.
Giải pháp chia nhỏ một doanh nghiệp lớn để tạo thị trường cạnh tranh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng được nhiều nước áp dụng, đặc biệt là ở các nền kinh tế chuyển đổi (các nước thuộc Liên-xô cũ, Đông Âu, Trung Quốc). Điển hình là việc Hàng không Dân dụng Trung Quốc cũ (một doanh nghiệp vừa làm vận tải hàng không, vừa khai thác cảng hàng không-sân bay, quản lý bay, kinh doanh xăng dầu hàng không...) đã được chia tách thành nhiều doanh nghiệp độc lập. Chỉ riêng mảng vận tải hàng không đã được chia nhỏ thành 3 hãng hàng không độc lập là Hàng không Trung Hoa (Air China) ở Bắc Kinh, Hàng không Phương Đông (China Eastern) ở Thượng Hải, Hàng không Phương Nam (China Southern) ở Quảng Châu. Đồng thời, các mảng hoạt động khác được tách ra thành các Tổng công ty cảng Hàng không - Sân bay khu vực, Tổng công ty Quản lý bay Trung Quốc, Tổng công ty Xăng dầu Hàng không Trung Quốc...
Sau khi chấm dứt tình trạng độc quyền của Hàng không Dân dụng Trung Quốc cũ, sự cạnh tranh lành mạnh giữa 3 hãng hàng không Air China, China Eastern và China Southern đã làm cho thị trường hàng không Trung Quốc bùng nổ với tốc độ tăng trưởng 30-40%/năm trong liên tục nhiều năm. Đến nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường hàng không có quy mô lớn và hiệu quả bậc nhất thế giới
Cách đây hơn 10 năm, ngày 03-4-2000, theo kiến nghị của Bộ Tư pháp Mỹ, quan tòa Thomas Penfield Jackson đã đưa ra phán quyết rung động thế giới: tách Microsoft thành hai công ty độc lập để giảm độc quyền (!). Mặc dù sau đó Microsoft kháng cáo phán quyết này của tòa án và đạt được thỏa thuận nhân nhượng với Bộ Tư pháp Mỹ (với một số cam kết hạn chế lạm dụng vị thế độc quyền) nhưng vụ việc cho thấy các chính phủ sẵn sàng sử dụng giải pháp chia nhỏ doanh nghiệp độc quyền để tạo thị trường cạnh tranh. Giải pháp này hoàn toàn phù hợp với Luật Cạnh tranh hiện hành của Việt Nam.
Trong thời gian trước mắt khi thị trường xăng dầu Việt Nam chưa thực sự có tính cạnh tranh, cơ quan nhà nước có thể tạo ra một cơ hội cạnh tranh hạn chế bằng việc chỉ quy định giá trần đối với từng loại xăng, dầu cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể, cho phép các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tự quyết định giá bán không vượt quá giá trần quy định. Riêng đối với doanh nghiệp có vị thế độc quyền (chiếm thị phần từ 30% trở lên), cần quy định thêm giá sàn và kiểm soát các chương trình khuyến mại (nếu có) để ngăn ngừa hành vị bán phá giá để loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Cuộc "hội thảo lịch sử" ngày 20/9/2011 về giá xăng dầu đã mở ra một cơ hội tái cơ cấu toàn diện lĩnh vực xăng dầu theo các quan điểm, phương pháp quản lý vĩ mô tiên tiên của thế giới và hợp lòng dân. Mong rằng cơ hội (khá hiếm hoi) này sẽ không bị bỏ qua.
Một khi còn độc quyền doanh nghiệp, dù đó là trong lĩnh vực xăng dầu hay điện, nước, vận tải hàng không..., các cơ quan nhà nước dù có công tâm, tài giỏi cỡ nào cũng rất khó đảm bảo tốt quyền lợi người tiêu dùng. Thị trường cạnh tranh là công cụ tốt nhất mà thế giới đã phát minh ra để thực hiện tốt nhất mục tiêu này.
TS LƯƠNG HOÀI NAM
Diễn đàn kinh tế VN
|