Chủ Nhật, 25/09/2011 10:55

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Bỏ thì dở, giữ thì không hay

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được một số nước sử dụng khi giá xăng dầu thế giới tăng cao. Ở Việt Nam, hơn 2 năm qua, Quỹ bình ổn đang chịu nhiều lời chỉ trích hơn là khen ngợi.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, lập quỹ an ninh năng lượng quốc gia.

Được - mất

Theo các chuyên gia, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được một số nước trên thế giới, như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Chile, Mexico sử dụng. Ở Việt Nam, hoạt động của Quỹ đã góp phần nhất định vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu trong một số thời gian nhạy cảm và ở mức cần thiết. Nếu không có quỹ sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý Giá (Bộ Tài chính) quỹ bình ổn giá hiện được trích lập và để lại tại các doanh nghiệp, được hạch toán riêng không qua ngân sách Nhà nước. Theo tính toán, nếu không sử dụng quỹ để giá xăng dầu tăng (bằng mức sử dụng quỹ) sẽ tác động làm tăng thêm giá thành lúa 1,09 - 1,16%, chi phí đánh bắt hải sản xa bờ tăng 10,95 - 11,5%, thép tăng 3%, chi phí vận tải tăng 6%... và làm tăng trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng từ 0,33 - 0,494%.

Tuy nhiên, những bất cập cả trong cơ chế hiện hành, lẫn trong triển vọng hoạt động và vị thế của quỹ ngày càng bộc lộ. Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội, hoạt động trích lập quỹ qua giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn lợi. Nói cách khác, thực chất người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá “rẻ” hơn khi “xả” quỹ.

Cảnh “mượn đầu heo nấu cháo” này khiến người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho quỹ, như kiểu “cho vay không lãi”. Rốt cục, dường như chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích…

Theo chuyên gia Phan Thanh Hà, Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ KH&ĐT, lợi ích mà người tiêu dùng xăng dầu cảm nhận không lớn như mong đợi. Với mức trích hiện nay là 1,4% so với giá 1 lít xăng và tương tự đối với các sản phẩm xăng dầu khác là không đáng kể so với nhu cầu bình ổn giá.

Theo đề xuất được đưa ra, an ninh năng lượng và bình ổn giá có thể được đảm bảo thông qua dự trữ quốc gia, một quỹ tập trung của nhà nước. Khi cần, Nhà nước sử dụng dự trữ quốc gia về xăng dầu để bình ổn giá thị trường trong nước bằng cách tăng cung hàng hóa, bán bớt dự trữ (được mua vào khi giá thị trường còn thấp) khi giá thế giới lên cao mà không bù giá xăng dầu. Tuy nhiên, tác động bình ổn này chỉ có tính chất ngắn hạn.

“Không nên tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện nay. Với cơ cấu nhập khẩu xăng dầu khá lớn thì việc bình ổn giá là rất khó khăn. Về dài hạn không thể không theo giá thị trường thế giới”- chuyên gia này kiến nghị.

Bỏ hay giữ?

Theo ông Phong, cơ chế hoạt động hiện hành của quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính trực tiếp với thiên hướng mục tiêu thường ngược với xu hướng động thái thị trường thế giới, làm méo mó giá cả thị trường mỗi khi quỹ vận hành, cả lúc trích và xả quỹ. Tình trạng phân tán quỹ, để ở nhiều doanh nghiệp, cũng làm phát sinh các chi phí quản lý của cả doanh nghiệp cũng như của cơ quan chức năng.

Theo phân tích của ông Phong, ngay cả thành tích “nán níu”, làm chậm lại quá trình tăng giá cuối năm 2010- đầu năm 2011 không phải hoàn toàn nhờ sử dụng quỹ bình ổn. Hơn nữa, khi mà Quỹ bình ổn giá quốc gia đã bị dừng hoạt động do không còn phù hợp với cam kết WTO, thì liệu Quỹ bình ổn giá xăng dầu và một loạt quỹ khác tương tự liệu có được phép tồn tại, nhất là trong lộ trình thị trường hóa giá cả và cạnh tranh thị trường đầy đủ ngày càng kề cận và chẳng thể đặng đừng.

Theo các chuyên gia, điều cần làm rõ là hiện chưa có quy định tính lãi gửi đối với tiền gửi của quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng. Số tiền lãi gửi ngân hàng cũng chưa được tính vào nguồn thu của quỹ. Như vậy còn thiếu quy định về chế độ giám sát, kiểm tra đối chiếu, trách nhiệm công khai quỹ.

“Có thể đổi Quỹ bình ổn hiện nay thành Quỹ An ninh năng lượng quốc gia. Nhưng cần nhấn mạnh, dù là quỹ bình ổn giá hay quỹ an ninh năng lượng quốc gia, thì cũng cần bãi bỏ ngay cơ chế quản lý quỹ như hiện nay vì vừa yếu, vừa thiếu năng lực và trách nhiệm về pháp lý. Phải coi đây là quỹ quốc gia và phải được quản lý trực tiếp, tập trung bởi Hội đồng quỹ liên ngành và trực thuộc một cơ quan quản lý Nhà nước thích hợp, trong đó tốt nhất là Bộ Tài chính, hoặc Bộ Công Thương”- ông Phong đề xuất.

Tách, chia Petrolimex

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng giải pháp dài hạn là phải tạo ra môi trường cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh theo đúng nghĩa, không phải là thị trường nửa vời như hiện tại. Cách tốt nhất là tách Petrolimex làm hai tổng công ty.

TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, cần chia nhỏ Petrolimex và cổ phần hóa để có nhiều chủ sở hữu khác nhau.

Phạm Tuyên

TIỀN PHONG

Các tin tức khác

>   Điều hành giá xăng dầu: “Chắc chắn hai bộ sẽ sớm ngồi lại” (25/09/2011)

>   Có thể thêm nhiều doanh nghiệp xăng dầu phải kiểm tra (24/09/2011)

>   Quản lý thị trường xăng dầu: Phải vì lợi ích của nền kinh tế (24/09/2011)

>   Dầu chìm 9.2%/tuần xuống dưới 80 USD/thùng (24/09/2011)

>   Điều hành giá xăng dầu: “Đặt vấn đề sai, nên mới lủng củng” (23/09/2011)

>   Đường khí Nam Côn Sơn cung cấp khí trở lại (23/09/2011)

>   2 giải pháp “cứu” thị trường xăng dầu (23/09/2011)

>   Tôi rất ủng hộ Bộ Trưởng Tài chính (23/09/2011)

>   Cú đánh vào 'nhóm lợi ích' xăng dầu (23/09/2011)

>   Rớt 6.3%, dầu lao xuống mức thấp 6 tuần (23/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật