Chủ Nhật, 25/09/2011 15:56

Phải có "Viettel xăng dầu"!

Mấy ngày nay, dư luận hoan nghênh và cảm kích khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ riết ráo làm rõ vấn đề giá cả, sự thật lỗ lãi của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Theo chúng tôi, về lâu dài, không chỉ kiểm soát giá, xăng dầu cần phải có một "Viettel" đủ sức cạnh tranh với Petrolimex như thị trường viễn thông đã làm được. Trách nhiệm này thuộc Bộ Công thương.

Thị trường xăng dầu hiện cũng như viễn thông cách đây dăm bảy năm, khi chưa có "ông kẹ" Viettel ra đời. Hồi đó, anh em nhà Vinaphone, Mobiphone làm mình làm mẩy, thả sức thao túng giá khiến cước viễn thông nước ta đắt gấp nhiều lần các nước trong khu vực. Các nhà tài chính tìm cách kiểm soát nhưng cũng chỉ là bề nổi, bởi sự độc quyền của doanh nghiệp đã tạo cho họ món lợi siêu khổng lồ.

May sao sự hiện diện của Viettel khiến dân xài điện thoại được nhờ. Thời kỳ đầu "đứa em" mới sinh này cũng hết sức khổ sở như bị hai ông anh thi nhau chèn sóng, phá sóng hoặc ngăn không cho nhắn, gọi từ mạng này sang mạng kia… Nhưng bằng sự tự lực, được sự hỗ trợ từ cơ quan chủ quản, bất chấp sự chèn ép của hai ông anh khó tính, Viettel đã thực sự lớn mạnh và trở thành đối thủ thực sự của Vina, Mobi. Kết quả là, từ cước gọi phân 3 vùng thời trước, xoá chỉ còn một, cước theo blog 1 phút 1 giây bằng 2 phút, nay chỉ tính theo từng giây. Từ chỗ mua một sim phải bỏ phí 150 nghìn, nay khách hàng không mất phí mua sim, lại được khuyến mãi có khi tới 200%.

Petrolimex, anh cả độc quyền xăng dầu, hiện cũng đang làm mình làm mẩy khiến 86 triệu dân bức xúc hàng chục năm nay.

"Gã khổng lồ" làm khó

Nghị định 84 ban hành ngày 15/10/2009 của Chính phủ đã khẳng định thị trường hóa kinh doanh xăng dầu có sự quản lý của Nhà nước. Bản chất của kinh doanh theo cơ chế thị trường là sự cạnh tranh. Ở đâu có cạnh tranh, ở đó có cơ chế thị trường và ngược lại ở đâu có cơ chế thị trường thì ở đó có cạnh tranh.

Xăng dầu đã đủ điều kiện để đảm bảo tính cạnh tranh khi vận hành theo cơ chế thị trường hay chưa?

11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, riêng Petrolimex chiếm hơn 60% thị phần, còn lại 10 doanh nghiệp khác chiếm chưa đầy 40%. Trong 10 doanh nghiệp đó, anh lớn hơn thì được 5-7% thị phần, anh nhỏ chưa đủ 1%, tính chung lại mỗi anh chỉ hơn 3% thị phần, tức chỉ bằng 1/20 so với "anh cả" Petrolimex. Không bao giờ có cạnh tranh trong bối cảnh như vậy.

Vấn đề là phải phân định rõ sự độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp. Độc quyền nhà nước là cần thiết trong một số lĩnh vực thiết yếu nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân, còn độc quyền doanh nghiệp lại vì lợi ích của chính doanh nghiệp đó. Khi nhà nước khẳng định cần vận hành xăng dầu theo cơ chế thị trường bằng Nghị định 55, Nghị định 84, có nghĩa nhà nước nhận thấy đã đến lúc không cần duy trì độc quyền nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu.

Sự giao thoa trong giai đoạn đầu chuyển đổi này khiến Petrolimex được lợi lớn khi chuyển sang độc quyền doanh nghiệp. Thừa hưởng hệ thống hạ tầng, đội ngũ cán bộ, nhân viên đồ sộ do nhà nước đầu tư suốt hơn nửa thế kỷ, hiển nhiên Petrolimex thành một "người khổng lồ" trong hệ thống xăng dầu nước ta. 4 năm sau Nghị định 55 và 2 năm sau Nghị định 84, không hề có thêm bất kỳ doanh nghiệp nào gia nhập thị trường xăng dầu khiến con số 11 tiếp tục được giữ và tỷ lệ thị phần trên thị trường không hề thay đổi.

Tại sao lại không thể có thêm doanh nghiệp nào bổ sung và 10 doanh nghiệp hiện hành cũng không thể "nở ra" so với Petrolimex? Điều 8, Nghị định 84 quy định, Bộ Công thương có trách nhiệm cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân có đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Thực tế, Nghị định 84 quy định trách nhiệm rất lớn cho Bộ Công thương với vai trò quản lý nhà nước lĩnh vực này. Khoản 4, Điều 23 Nghị định 84 quy định: "Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu xăng dầu của các thương nhân, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công thương điều chỉnh mức nhập khẩu tối thiểu đã giao cho các thương nhân". Điều 29 thì giao Bộ Công thương kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối tuân thủ các điều kiện và quy định tại các Điều 7, 9, 10, 11 và 22 Nghị định này, ban hành quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu, kiểm tra, giám sát thương nhân…

Như vậy, Nhà nước giao trách nhiệm chính về quản lý Nhà nước thị trường xăng dầu thuộc Bộ Công thương, còn Bộ Tài chính chỉ chịu trách nhiệm quản lý, giám sát vấn đề giá. Do đó, việc tại sao không thể có các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đủ mạnh, tạo thị trường cạnh tranh cũng như việc doanh nghiệp lập lờ đánh lận, nhập không đủ hàng tạo sự khan hiếm… thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương.

Từ sự phân tích trên cho thấy, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công thương trong vấn đề này giữ vai trò trọng yếu. Bộ Công thương phải có trách nhiệm làm rõ vấn đề đó, thay cho sự bao biện, che chở doanh nghiệp như giải thích của họ lâu nay. Bộ Tài chính, với sự kiên quyết, cứng rắn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, bằng những động  thái như lập các tổ công tác kiểm tra về giá, đề nghị thương vụ ở các nước kiểm tra số liệu và  tham khảo sự điều hành của Chính phủ các nước, thì cái đích đến là làm rõ tính lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu để đảm bảo sự minh bạch của thị trường. Đây là vấn đề quan trọng, bởi khi lột tả được sự thật về giá vốn bị doanh nghiệp thường tìm cách lập lờ đánh lận (như việc lúc bảo lỗ, lúc bảo lãi, lúc lại bảo không thể tách bạch từng phần).

Bao giờ có một "Viettel xăng dầu"?

Làm rõ được sự thật về giá là quan trọng, nhưng không phải là gốc rễ của vấn đề. Như phân tích trên, để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường phải có tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tức là phải có những đầu mối đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh với Petrolimex. Thế nhưng, trách nhiệm này lại không thuộc Bộ Tài chính, mà phụ thuộc Bộ Công thương và sự vận động của nội tại các doanh nghiệp.

Petrolimex được thừa hưởng hạ tầng kỹ thuật đồ sộ từ lịch sử. Xây dựng một "Viettel xăng dầu" sẽ tạo môi trường cạnh tranh thực sự

Theo Điều 7, Nghị định 84 về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho thấy khá khắt khe như doanh nghiệp phải có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu nhập khẩu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7 nghìn tấn, thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê dài hạn từ 5 năm trở lên. Tuy nhiên, khắt khe song không phải không làm được. Nếu có cơ chế thuận lợi, không ít doanh nghiệp mới sẽ được thành lập.

Nhìn sang thị trường viễn thông cho thấy điều này. Trước đây, chúng ta rất đau đầu mỗi khi nói giá cước viễn thông trong nước với quốc tế. Nguyên do bởi sự độc quyền doanh nghiệp của Vinaphone, Mobiphone. Khi đó, việc kiểm soát về giá cũng đặt ra những rất khó khăn. Rốt cuộc, một thị trường cạnh tranh thực sự được thiết lập với cuộc chạy đua giảm giá khi có sự hùng dũng xuất hiện của Viettel.

Trong xăng dầu, bao giờ có một "Viettel xăng dầu", đủ để cạnh tranh thật sự với Petrolimex? Câu hỏi đó dành cho Bộ Công thương.

Giải quyết bất nhất quan điểm không phải sự thắng thua

Việc bất nhất quan điểm của đại diện Bộ Công thương (Thứ trưởng Trần Cẩm Tú) và Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khiến nhiều người lo ngại sự thành công những nỗ lực minh bạch hóa thị trường xăng dầu vốn tù mù xưa nay. Tuy nhiên, đích đến của vấn đề không phải sự thắng thua trong "cuộc đấu" quan điểm giữa hai bộ bởi trong mọi trường hợp, sự mâu thuẫn nếu đeo đẳng lâu dài sẽ tác động tiêu cực tới bất kỳ nỗ lực của bên nào. Hai Bộ chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về quản lý, điều hành thị trường xăng dầu chứ không phải một Bộ trung gian nào khác, trong khi đây là lĩnh vực lớn và được dư luận đặc biệt kỳ vọng, vì vậy sớm hay muộn cần gỡ bỏ bất đồng, tìm được tiếng nói chung.

Vậy gỡ bỏ thế nào, dựa trên cơ sở nào?

Nhiều chuyên gia tài chính nhìn nhận, gốc rễ của mâu thuẫn quan điểm (thể hiện rõ nhất tại cuộc hội thảo "nảy lửa" ngày 20/9) chính là cách tiếp cận vấn đề. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tiếp cận từ lợi ích toàn cục của nền kinh tế, lợi ích chính đáng của 86 triệu người dân, trong khi Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Cẩm Tú tiếp cận từ lợi ích của 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Chúng ta không bàn và không đặt so sánh lãnh đạo Bộ nào hơn, nhưng cần được nhìn nhận đúng từ góc độ tiếp cận như các chuyên gia tài chính đã phân tích.

Rõ ràng, là bộ được Chính phủ giao quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực, việc tiếp cận phải xuất phát từ lợi ích đất nước và lợi ích đại đa số quần chúng nhân dân chứ không thể đi từ lợi ích thiểu số là 11 doanh nghiệp. Nếu vì lý do nào đó, bản thân hai Bộ vẫn không giải quyết được tồn tại, bất nhất quan điểm dù đã hiểu rõ nguyên tắc trên thì cần được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo cụ thể. Với vấn đề lớn, trên cơ sở lợi ích quốc gia và quyền, lợi ích chính đáng của 86 triệu người dân, tất yếu Chính phủ sẽ nhìn nhận rõ để chỉ đạo các Bộ thống nhất quan điểm và cùng nỗ lực hành động vì lợi ích chung, toàn cục.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: Phải kiểm soát chặt chứ không nghe doanh nghiệp kêu ca

Ta hiện chỉ có một tập đoàn điện lực và ba doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chiếm đến 80% thị phần, thế thì làm thế nào mà thị trường được? Bài toán đặt ra trong hoàn cảnh hiện nay chính là phải xóa bỏ bù lỗ về giá điện và xăng dầu, chứ không phải thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Còn muốn theo thị trường thì phải tạo ra thị trường cạnh tranh. Có nhiều phương án để thực hiện điều này. Một phương án mạnh mẽ nhưng phức tạp về mặt kỹ thuật là chia nhỏ các tổng công ty xăng dầu ra. Song cũng có cái khó là nếu chia ngang thì không tạo ra thị trường cạnh tranh, còn chia dọc thì đường ống vận chuyển chính không thể chia ra được. Phương án hai có thể chấp nhận được, là cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, họ sẽ dần dần tích tụ phát triển lên. Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ, hoàn toàn minh bạch công khai, chứ không phải chỉ nghe doanh nghiệp kêu ca.

Đăng Trường

Công an nhân dân

Các tin tức khác

>   Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Bỏ thì dở, giữ thì không hay (25/09/2011)

>   Điều hành giá xăng dầu: “Chắc chắn hai bộ sẽ sớm ngồi lại” (25/09/2011)

>   Có thể thêm nhiều doanh nghiệp xăng dầu phải kiểm tra (24/09/2011)

>   Quản lý thị trường xăng dầu: Phải vì lợi ích của nền kinh tế (24/09/2011)

>   Dầu chìm 9.2%/tuần xuống dưới 80 USD/thùng (24/09/2011)

>   Điều hành giá xăng dầu: “Đặt vấn đề sai, nên mới lủng củng” (23/09/2011)

>   Đường khí Nam Côn Sơn cung cấp khí trở lại (23/09/2011)

>   2 giải pháp “cứu” thị trường xăng dầu (23/09/2011)

>   Tôi rất ủng hộ Bộ Trưởng Tài chính (23/09/2011)

>   Cú đánh vào 'nhóm lợi ích' xăng dầu (23/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật