Thứ Ba, 13/09/2011 15:43

Chiến lược đại dương xanh cho các ngân hàng Việt Nam

 Các ngân hàng Việt Nam đang chìm đắm trong một đại dương đỏ, với sự cạnh tranh gay gắt và thiếu lành mạnh, với các sản phẩm tương đồng và bắt chước nhau. Làm thế nào để các ngân hàng TMCP thoát được sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt trong đại dương đỏ? Làm thế nào để tạo khoảng trống thị trường và vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh?

Thực trạng gần đây cho thấy, ngành ngân hàng Việt Nam đang có tình trạng thắt cổ chai (Ảnh minh họa)

Việt Nam đang quá nhiều ngân hàng TMCP

Ngành ngân hàng được ví như là huyết mạch của nền kinh tế, nơi đảm bảo sự luân chuyển đồng vốn được thông suốt và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực trạng gần đây cho thấy, ngành ngân hàng Việt Nam đang có tình trạng bottleneck (thắt cổ chai).

Dưới tác động của lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã có các chính sách thắt chặt tiền tệ và nó đã gây ra nhiều khó khăn cho các ngân hàng. Và để duy trì hoạt động, thu hút người gửi tiền, nhiều ngân hàng trong thời gian đã vượt trần lãi suất 14%. Đây là điều mà các ngân hàng đều thừa nhận.

Có thể nói, các ngân hàng Việt Nam đang chìm đắm trong một đại dương đỏ, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nguồn gốc của vấn đề trên là số lượng ngân hàng tăng lên quá nhanh so với quy mô cũng như sự phát triển của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng Việt Nam vừa thiếu và vừa yếu, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần nhỏ.

Bảng 1: Số lượng các ngân hàng tại Việt Nam

Ngân hàng

Nhà nước

TMCP

Nước ngoài

Liên doanh

Tổng cộng

Số lượng

05

39

13

03

70

 
(Nguồn:Wikipedia)

Bảng 2: So sánh số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt nam với Thái Lan và Malaysia

Ngân hàng TMCP

Việt Nam

Thái Lan

Malaysia

Số lượng

39

17

09

(Nguồn:Wikipedia)

Qua bảng so sánh trên chúng ta thấy, số lượng ngân hàng TMCP của Việt Nam gấp hơn 2 lần so với Thái Lan và hơn 4 lần so với Malaysia. Mặc dù xét về quy mô của nền kinh tế (tính theo GDP năm 2010), Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 so với Thái Lan.

Quay trở lại thời kỳ trước cuộc khủng hoảng châu Á 1997- 1998, Thái Lan và Malaysia cũng có quy mô ngân hàng TMCP tương tự chúng ta bây giờ và hệ quả sau khủng hoàng là việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng bằng các hoạt động mua bán sáp nhập, thậm chỉ cả giải thể. Đó là bài học kinh nghiệm cho ngành ngân hàng Việt Nam. Theo người viết, trong tương lai, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Điều đó phù hợp với quy luật của thị trường và sự phát triển của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, trong ngành ngân hàng, chúng ta có “Quy luật số 5” tức là có khoảng 5 ngân hàng hàng đầu sẽ chiếm khoảng 80% thị phần, còn 20% dành cho các ngân hàng còn lại. Với quy mô của nền kinh tế Việt Nam, nếu các ngân hàng TMCP không phấn đấu, ít nhất vào Top 15 thì xu hướng bị sáp nhập, mua lại hoặc thậm chí là phá sản hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là một trong những thách thức lớn đối với các ngân hàng TMCP trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Chiến lược nào cho các ngân hàng TMCP Việt Nam?

Làm thế nào để các ngân hàng TMCP thoát được sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt trong đại dương đỏ? Làm thế nào để tạo khoảng trống thị trường và vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh? Chiến lược đại dương xanh là một gợi ý cho các ngân hàng TMCP Việt Nam trong việc trả lời các câu hỏi trên.

Thực tế, các ngân hàng TCMP Việt Nam cũng nhận thức được các vấn đề nêu trên và họ cũng là những doanh nghiệp Việt tiên phong thuê tư vấn thực hiện việc tái cấu trúc doanh nghiệp, để hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển hơn. Tuy nhiên, tính hiệu quả của việc thuê tư vấn cần phải được xem xét. Hơn nữa, việc thuê tư vấn chiến lược đôi khi thành trào lưu, bắt chước lẫn nhau nên không hiệu quả và lãng phí. Do vậy, không phải ngân hàng nào thuê tư vấn cũng tạo ra được sự thay đổi cả về lượng và về chất, tạo ra sự khác biệt để có thể bơi xa trong đại dương xanh của mình mà đối thủ cạnh tranh không theo kịp.

Một nguyên nhân nữa là nhà quản lý của các ngân hàng thường thuê tư vấn nước ngoài thực hiện luôn phần khảo sát thị trường để xây dựng chiến lược. Tuy nhiên, thường thì các báo cáo khảo sát này có cách biệt ít nhiều so với thực tế họ cần biết.

Theo tác giả của “Chiến lược đại dương xanh” thì một công ty không bao giờ nên giao phó “con người” của mình cho các công ty bên ngoài. Có nghĩa là việc khảo sát thị trường không thể thuê người khác làm. Đơn giản là vì không có sự lựa chọn nào khác tốt hơn sự nhận định của chính người trong cuộc.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết không có ý định đi sâu chi tiết về các công cụ, khuôn khổ, mô hình phân tích và các bước hình thành chiến lược đại dương xanh mà chỉ nêu 3 yếu tố cần thiết để hình thành nên một chiến lược đại dương xanh hiệu quả, có tính thuyết phục và bài học thành công của Viettel dưới góc nhìn của 3 yếu tố đó.

Thứ nhất là sự tập trung. Một chiến lược lớn thường có sự tập trung vào một số giá trị cốt lõi. Ở Viettel, chúng ta có thể thấy công ty nhấn mạnh vào 3 yếu tố chính: đầu tư vào thiết lập hạ tầng mạng rộng khắp; chính sách giá đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp như sinh viên, nông dân; dịch vụ thuận tiện. Họ không quá đầu tư nhiều vào phát triển thuê bao hay dịch vụ ở thành phố lớn. Bằng việc tập trung theo hướng này, Viettel đã xác lập mức giá cạnh tranh với các đối thủ khác và phủ sóng ở thị trường nông thôn nơi Việt nam chiếm đến 70% dân số.

Thứ hai là sự khác biệt. Đường giá trị của Viettel mang lại cho khách hàng có sự khác biệt với đường giá trị trung bình của ngành viễn thông. Đơn giản, Viettel là công ty tiên phong trong ngành có độ phủ song đến tận các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam và cung cấp dịch vụ viễn thông tiện ích cho người nghèo. Trong khi đó các công ty trong ngành chỉ tập trung vào các tỉnh, thành phố lớn và người có thu nhập trung bình trở lên.

Thứ ba là khẩu hiệu có sức thuyết phục. Một chiến lược tốt phải có khẩu hiệu hấp dẫn và ngắn gọn “say it your way: hãy nói theo cách của bạn”. Đó là khẩu hiệu của Viettel. Khẩu hiệu này không chỉ truyền đạt thông điệp rõ ràng mà còn nhấn mạnh giá trị mà Viettel mang đến cho khách hàng: Giờ đây mọi người đều có thể nói theo cách của mình. Dịch vụ của Vietel mang lại niềm tự tin cho khách hàng.

Gần đây Stadard Charterd bank cũng đưa ra dịch vụ giao dịch với khách hàng trong vòng 8 phút. Đó cũng là một ý tưởng để các ngân hàng có thể tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược đại dương xanh của mình.

MBA. Bùi Mạnh Thắng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Western Bank tăng lãi suất huy động theo ngày lên 14%  (13/09/2011)

>   Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt (13/09/2011)

>   'Lãi suất cho vay chưa giảm như công bố' (13/09/2011)

>   Trần lãi suất 14%: Ngân hàng nhỏ như 'cá trên thớt' (13/09/2011)

>   Chính sách đồng Việt Nam yếu và hệ lụy (13/09/2011)

>   Hạ lãi suất… từ gốc (12/09/2011)

>   Sẽ lập nhóm ngân hàng “G12 + 1” (12/09/2011)

>   Áp lực tỷ giá chưa giải tỏa (12/09/2011)

>   Vi phạm trần lãi suất: Chỉ nên công bố khi đã có kết luận (12/09/2011)

>   Vốn giá rẻ sẽ chảy đi đâu? (12/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật