Thứ Tư, 03/08/2011 18:52

TTCK: Nửa đường không đứt gánh?

Khó có đột phá về dòng vốn quốc tế đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong những quý cuối năm. Tuy nhiên, bây giờ là thời điểm để có những chính sách khôi phục đồng tiền trở lại thị trường, nếu không phải trả lời câu hỏi: Sụp đổ hoàn toàn hay mở ra giai đoạn mới?

Sụp đổ hay bước vào giai đoạn mới?

Về dài hạn, những bất ổn về vĩ mô hiện tại lại tạo ra sức hấp dẫn cho việc nắm giữ các cổ phiếu niêm yết. Nhà đầu tư (NĐT) có thể mua được cổ phiếu với giá hợp lý để nắm giữ dài hạn.

Thị trường vàng vẫn có thể trở thành kênh cạnh tranh đối với dòng vốn vào TTCK nếu giá vàng quốc tế tiếp tục được hỗ trợ bởi những tin tức bất ổn về nợ quốc gia tại châu Âu và xu thế tiền tệ nới lỏng của Mỹ.

Bất động sản cũng có thể trở thành một kênh thu hút đầu tư đáng kể nếu có nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn về tài chính buộc phải chuyển nhượng với giá thấp, hoặc buộc phải tìm phương thức gọi vốn với một mức sinh lời hấp dẫn.

Tuy nhiên, những bất ổn đối với thị trường bất động sản cũng có thể khiến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trong lĩnh vực này chịu nhiều áp lực bán hơn. Tất cả những điều này đang đặt ra một câu hỏi cho cơ quan quản lý là nên điều chỉnh lại mô hình phát triển TTCK theo hướng nào sẽ tốt?

Rủi ro vĩ mô tiếp tục đè nặng

Có thể thấy rằng, khó khăn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng có thể khuyến khích nhiều công ty niêm yết tính đến kế hoạch gọi vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu hoặc mua bán và sáp nhập.

Bởi vì, dòng vốn gián tiếp đầu tư nước ngoài vào TTCK chủ yếu vẫn có thể chỉ thông qua kênh mua bán và sáp nhập để tìm kiếm các cơ hội mua tài sản giá rẻ ở Việt Nam.

Những lo ngại về lạm phát cao của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế không còn quá cao so với các nước láng giềng sẽ khiến NĐT quốc tế vẫn phải chờ đợi cơ hội vào Việt Nam.

Quả thực, ông Ruy Sang Ho, Tổng giám đốc CTCK KIS (Hàn Quốc), nhận định, tốc độ tăng trưởng 6,5% là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng Vn-Index vẫn giảm điểm cho thấy TTCK đang bị đánh giá thấp.

Ở nhiều nước, chỉ số của các công ty quản lý quỹ luôn là kim chỉ nam cho giá cổ phiếu. Song, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì giá cổ phiếu không được phản ánh ngay lập tức với sự thay đổi của nền kinh tế vĩ mô vì chịu một độ trễ nhất định của chính sách.

Ngoài ra, chỉ số chứng khoán của Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ lãi suất cao, giá cả cao nên để nền kinh tế phát triển mạnh thì thị trường vốn phải linh hoạt và năng động hơn. “Tôi biết rằng các NĐT trong nước đang rời bỏ TTCK để chuyển sang gửi tiết kiệm, mua ngoại tệ, vàng...

Do vậy để dòng vốn quay lại TTCK thì Chính phủ cần có những chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ thị trường. Hơn nữa, NĐT nước ngoài, đặc biệt là NĐT Hàn Quốc, đang rất quan tâm đến TTCK Việt Nam nhưng vì chính sách không ổn định nên họ vẫn đang đứng ngoài để lựa chọn thời điểm vào thị trường sao cho hợp lý nhất”, ông Ruy Sang Ho cho biết.

Theo ông, hiện nay, NĐT Hàn Quốc đang có hai lo lắng trước khi rót tiền vào TTCK Việt Nam là: tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm và lạm phát tăng cao đẩy lãi suất tăng.

“Trên thực tế, KIS Hàn Quốc đã thông qua quỹ đầu tư để đầu tư vào Việt Nam rất nhiều nhưng đến nay đang thua lỗ. Do vậy, KIS sẽ vẫn giữ quan điểm đầu tư vào Việt Nam nhưng thời điểm còn phải phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô ổn định”, ông Ruy Sang Ho nói.

Cần lấy lại uy tín

Qua câu chuyện của KIS, có thể thấy bất ổn của kinh tế Việt Nam đang quyết định rất nhiều đến sự quay lại của dòng vốn đầu tư chứng khoán cả trong và ngoài nước.

Vì vậy, chuyện khó có đột phá về phía dòng vốn quốc tế đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong những quý cuối năm là một vấn đề đáng để các nhà làm chính sách quan tâm. Những khó khăn trên cũng buộc TTCK 6 tháng cuối năm phải có thay đổi.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thời gian tới, TTCK còn chịu rất nhiều rủi ro. phức tạp nhất là khả năng vào năm 2012, một loạt NĐT nước ngoài thoái vốn (chừng 3-5 ngàn tỷ đồng) và năm 2013 lượng thoái vốn này còn mạnh mẽ hơn. Như vậy, về lâu về dài, TTCK cần NĐT mới để tạo ra lực cầu mạnh mẽ với thị trường.

“Tôi cho rằng đây đã là thời điểm phải trả lời hai câu hỏi: sụp đổ hoàn toàn hay tăng trưởng trở lại. Hiện các chuyên gia khẳng định TTCK đang trong giai đoạn phục hồi và chuẩn bị cho chu kỳ mới. Nhưng đây cũng chỉ là kỳ vọng và tôi hy vọng điều đó xảy ra vào cuối năm nay và đầu năm sau mạnh mẽ hơn”, ông Nghĩa nói.

Theo nhiều nhận định, Chính phủ chưa có chính sách nào rõ ràng đưa ra quyết sách mới trong việc phục hồi TTCK, mà chỉ đang nghiên cứu chương trình về thị trường bất động sản, TTCK và làm thế nào phục hồi lại thị trường một cách ổn định minh bạch, lâu dài.

Vì vậy, kiến nghị chung là Chính phủ cần mở rộng room các mã chứng khoán đang được thị trường tín nhiệm, room NĐT nước ngoài đang hết; tạo thanh khoản các mã chứng khoán trung bình như thủy sản, cao su; tạo ra phương thức thanh toán có lợi cho các NĐT đáng tin cậy hơn.

Đặc biệt là TTCK cần có những mã hàng hóa mới, có chất lượng cao hơn, thương quyền cao hơn để thu hút NĐT nước ngoài. Vì hiện nay hàng hóa chúng ta có giá trị chất lượng tương đối thấp, NĐT nhỏ dẫn đến sự bất ổn của thị trường.

Một khi thị trường có trụ cột lớn họ sẽ đầu tư vào mã chứng khoán đáng với tầm vóc của họ và như thế, TTCK sẽ duy trì tính ổn định lâu dài.

Có lẽ, những tác động tiêu cực của kinh tế vĩ mô đến dòng vốn vào chứng khoán cũng sẽ tạo áp lực buộc cơ quan quản lý phải điều chỉnh là mô hình phát triển của TTCK để đảm bảo dòng tiền vào thị trường có thể ổn định và đảm bảo phát triển bền vững hơn việc phụ thuộc quá lớn vào việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức và dòng vốn ngoại như trước đây.

Quỳnh Vũ

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Sốc vì tương lai u ám của chứng khoán (04/08/2011)

>   04/08: Bản tin 20 giờ qua (04/08/2011)

>   UPCoM-Index bật tăng (03/08/2011)

>   Ngày 03/08: Khối ngoại tiếp tục bán ròng VIC, thu hẹp giao dịch (03/08/2011)

>   TTCK: Mong chờ luồng sinh khí mới (03/08/2011)

>   FII tìm đến các công ty chứng khoán (03/08/2011)

>   03/08: Bản tin 20 giờ (03/08/2011)

>   Chứng khoán sợ... thịt lợn (02/08/2011)

>   Ngày 02/08: VIC bị bán ròng đến 1.27 triệu cp, giá trị 141 tỷ đồng (02/08/2011)

>   Trăn trở với đầu tư dài hạn (02/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật