Tiền không có, giá không nắm - Điều tiết thị trường thế nào?
Thị trường sẽ bị xáo trộn, nếu chúng ta nới lỏng tín dụng mà không kiểm soát được chính sách tiền tệ - PGS.TS Hoàng Thọ Xuân - Viện Nghiên cứu Thương mại nhận định.
Hãng tin Bloomberg trích nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, quyết định cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có thể làm xáo trộn thị trường. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Quan điểm của tôi, cách nhìn của các định chế tài chính quốc tế không giống chúng ta. Họ nhìn ta từ góc độ của những nền kinh tế thực thụ, nơi mà tính quy luật của thị trường đã thể hiện rất rõ và ổn định.
IMF đưa ra cảnh báo, về mặt lý thuyết, học thuyết là đúng. Nhưng ta không nên tiếp thu vội vàng những ý kiến bình luận đó, mà cần xem xét kỹ nội tại của thị trường. Việt Nam là thị trường mới hình thành, tính quy luật còn chưa định hình. Vì vậy, khi các định chế tài chính đánh giá nền kinh tế VN, có cái đúng, có cái chưa phù hợp.
Nhưng theo ông, điều gì sẽ xảy ra nếu tín dụng được nới lỏng, lãi suất giảm xuống?
Chúng ta đừng nghĩ rằng, cứ nới lỏng tín dụng, tiền lưu thông nhiều, người tiêu dùng sẽ chịu mua đắt. Hiện, chỉ một số rất ít người Việt mua hàng không cần suy nghĩ. Tâm lý đại bộ phận người Việt Nam không phải như vậy, họ không tiêu tiền vung vãi. Ta phải nhìn vào số đông, đừng lo nhiều tiền giá sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ, cho vay lãi suất thật cao, xét duyệt cho vay cực khó và nhỏ giọt, là cách làm dễ nhất. Nhưng khó với anh A, dễ với anh B mới là cách làm khôn ngoan nhất. Trong chính sách tín dụng hiện nay, nếu lượng tiền tung ra được dùng để đầu tư mở rộng và gia tăng sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng hóa tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của xã hội, thì đó mới là yếu tố đích thực.
Theo ông, đã đến lúc để cho thị trường tự điều tiết?
Chưa được, bởi hai lý do. Thứ nhất, một nền thị trường tự vận hành, tự hoạt động theo quy luật vốn có phải dựa trên cơ sở kinh tế nhất định. Thứ hai, thị trường phải vận động trong khung khổ pháp lý nhất định. Nhưng hiện nay, cơ sở kinh tế của ta còn khập khiễng, chỗ mạnh, chỗ yếu. Chúng ta cũng chưa có khung khổ pháp lý cho vấn đề này.
Để nền kinh tế hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường, theo ông, cần những điều kiện gì?
Một thị trường phải gắn với một quốc gia, một dân tộc, hoạt động trong khung khổ pháp lý của quốc gia, dân tộc đó. Vì vậy, khi thị trường tự vận hành, nó đòi hỏi tất cả những hệ thống, cơ sở (đặc biệt là cơ sở kinh tế về tiền tệ, về hàng hóa) phải rõ ràng, khung khổ pháp lý phải phù hợp.
Thực tế, ta chưa có công cụ đo thị trường: Vận hành tích cực hay xuất hiện mặt trái, mà thường gặp đâu chỉ đạo đấy. Thị trường hoạt động, ta lại thấy phải can thiệp ngay, phải điều chỉnh ngay, điều hành thị trường không phải như vậy. Để thị trường tự vận hành, phải mất một thời gian dài, thậm chí, phải chấp nhận hy sinh trong một thời kỳ, một giai đoạn nào đó.
Nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường, thì đâu sẽ là chủ thể?
Lâu nay, chúng ta hay nói thể chế hóa nền kinh tế thị trường nhưng trên thực tế, mặt thiết chế lại chưa hình dung được: Những hệ thống của các thị trường ra sao? Bộ máy quản lý xem xét và điều tiết thị trường như thế nào?
Hiện nay, ta có Tổ Điều hành thị trường trong nước, nhưng thực chất, mới chỉ là tập hợp, làm báo cáo, đánh giá tình hình, đề xuất một vài ý kiến gửi Chính phủ. Trong thị trường, quan trọng nhất là tiền và hàng nhưng tiền không có, giá không nắm, những chính sách liên quan cũng không có nốt, Tổ Điều hành sẽ dùng công cụ gì để điều hành thị trường?
Điều hành thị trường là anh phải can thiệp được bằng công cụ, bằng nguồn lực để vận động một cách lành mạnh, bình thường, có lợi cho quốc kế dân sinh. Trung Quốc có Cục điều tiết thị trường, trực thuộc Bộ Thương mại. Cục này có nhiệm vụ điều tiết thị trường, nếu thấy hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng đến xã hội. Họ can thiệp bằng công cụ chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Về vấn đề này, nên chăng ta phải học Trung Quốc!
Xin cảm ơn ông!
Hải Vân (Thực hiện)
Báo Công thương
|