Thứ Sáu, 29/07/2011 09:12

Tân bộ trưởng và thách thức kỷ luật ngân sách

Ngày 27.7, chủ tịch Quốc hội đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét thông qua việc miễn nhiệm tổng kiểm toán Nhà nước, ông Vương Đình Huệ, trước hai năm so với nhiệm kỳ bảy năm theo luật định, để ông này chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 2.8 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, trong đó có bộ trưởng bộ Tài chính.

Trước khi Quốc hội nghe tờ trình về việc miễn nhiệm ông Huệ, cơ quan kiểm toán nhà nước do ông đứng đầu đã trình Quốc hội báo cáo kiểm toán ngân sách 2009, chỉ ra nhiều sai phạm, khuyết điểm về thu chi của các địa phương, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là của chính bộ Tài chính trong việc quản lý nợ công. Đơn vị này đề nghị tăng thu vào ngân sách 4.900 tỉ đồng, giảm chi trên 2.400 tỉ đồng, đồng thời kiến nghị kiểm điểm xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan cũng như xử lý các vấn đề thuộc về cơ chế.

Chúng ta kỳ vọng một bộ trưởng Tài chính chia sẻ quan điểm về một chính sách ngân sách cứng, thắt chặt hơn

Luật Kiểm toán nhà nước được Quốc hội thông qua từ năm 2005, có hiệu lực từ 1.1.2006. Cơ quan Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thành lập trên cơ sở luật này, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Theo luật, hoạt động kiểm toán phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Có thể hiểu nôm na, cơ quan kiểm toán “canh cửa” việc thực hiện luật Ngân sách nhà nước của các cơ quan quản lý, sử dụng ngân sách, mà đứng đầu là bộ Tài chính.

Tuy chỉ mới thành lập được năm năm nhưng dưới sự điều hành của ông Huệ, Kiểm toán Nhà nước đã làm được rất nhiều việc, phát hiện và công khai, minh bạch rất nhiều sai phạm trong lĩnh vực ngân sách cũng như lỗ hổng về mặt pháp luật lẫn điều hành dẫn đến các sai phạm đó.

Sự thành công của người đứng đầu cơ quan Kiểm toán Nhà nước đặt ra thách thức đối với người đứng đầu cơ quan tài chính. Bởi hơn ai hết, bộ trưởng bộ Tài chính là người phải điều trị những “vết thương ngân sách” mà Kiểm toán Nhà nước phát hiện hay chẩn đoán, trong nhiều trường hợp còn đưa ra gợi ý về phác đồ điều trị. Thách thức đó không phải là nhỏ khi có những vết thương do chính nơi cao nhất là bộ Tài chính, dưới sự điều hành của người tiền nhiệm gây ra chứ không phải cơ quan thuộc cấp. Báo cáo kiểm toán ngân sách năm 2009 nêu khi vay nợ nước ngoài để về cho vay lại, bộ Tài chính đã ghi thu, ghi chi chậm nên việc nhận nợ, trả nợ của chủ đầu tư không kịp thời. Đến 31.12.2009, bộ này vẫn chưa tổng hợp được số nợ và lãi chưa thu của các tổ chức cho vay lại. Ngoài ra, chênh lệch dôi ra từ chênh lệch giữa lãi phải trả nước ngoài với lãi suất cho vay lại, bộ đã đem gửi vào một số tài khoản với lãi suất không kỳ hạn (thấp nhất) và cũng không có số liệu tổng hợp về tình hình, biến động số dư tài khoản tính đến thời gian này.

Nhưng thách thức của bộ trưởng Tài chính không dừng ở chỗ phải trị được “bệnh “do mình tự biết hay Kiểm toán Nhà nước chỉ ra để đảm bảo thực thi đúng luật Ngân sách, mà còn ở chỗ phòng bệnh, nhất là những cơn bạo bệnh, có thể lây lan cho cả nền kinh tế, trong bối cảnh tác dụng của vắcxin luật lệ còn nhiều hạn chế. Ở khía cạnh này, tầm bộ trưởng đòi hỏi phải vượt trên cái bóng của một tổng kiểm toán.

Trong lúc vấn nạn thâm hụt ngân sách và nợ công của các nước châu Âu và Mỹ có thể đẩy cả thế giới vào vòng khủng hoảng như hiện nay, Việt Nam không thể không giật mình nhìn lại mình.

Theo TS Phạm Thế Anh, thâm hụt ngân sách và nợ công đôi khi là cần thiết đối với một quốc gia, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển, khi mà nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn hoặc trong những thời kỳ nền kinh tế cần các gói kích thích để chống lại chu kỳ suy thoái do những cú sốc từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc kéo dài thâm hụt và kéo theo nợ công tăng nhanh như Việt Nam ngoài nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, trong dài hạn còn tác động tiêu cực đến sự ổn định vĩ mô. Theo đó, thâm hụt ngân sách và vay nợ kéo dài gây nguy cơ lạm phát, đặc biệt khi ngân hàng Trung ương không có sự độc lập. Về nguyên tắc, để tài trợ cho thâm hụt, có thể lựa chọn tăng thuế hoặc/và vay nợ. Khả năng tăng thu là khó khi mức thu của nước ta thuộc diện cao nhất trong khu vực và có nhiều khoản thu kém bền vững. Việc vay nợ thông qua phát hành trái phiếu, một mặt làm tăng lãi suất và khiến cho đầu tư của khu vực tư nhân chịu chi phí cao, mặt khác làm cung tiền tăng nhanh qua các cửa sổ tái chiết khấu và nghiệp vụ thị trường mở. TS Thế Anh cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần thận trọng và có trách nhiệm hơn với những quyết định chi tiêu ngân sách. Để làm được điều này, các chương trình cắt giảm chi tiêu cần phải được thực hiện triệt để nhằm đảm bảo tốc độ tăng của nợ công phải chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trách nhiệm này trước hết đặt trên vai và đòi hỏi trách nhiệm của bộ trưởng bộ Tài chính. Nghị quyết 11 của Chính phủ hồi tháng 2.2011 để đối phó với biến cố lạm phát đã yêu cầu giảm bội chi ngân sách trong năm 2011 xuống dưới 5% GDP, tiết kiệm 10% mức chi thường xuyên trong chín tháng còn lại của năm. Nhiệm vụ cắt giảm đầu tư công thuộc trách nhiệm bộ Kế hoạch và đầu tư nhưng cũng liên quan đến bộ Tài chính trong vai trò chủ chi. Việc thực hiện nghị quyết 11 chỉ mới được nửa chặng đường đã gặp không ít chướng ngại vật từ những xin – cho của các địa phương. Trong khi đó, bài toán phòng vệ quốc gia đòi hỏi tinh thần nghị quyết 11 cần phải được duy trì như một định hướng lâu dài.

Thách thức đối với bộ trưởng Tài chính còn đến và cần thiết phải đến từ vai trò giám sát tối cao việc huy động, chi tiêu ngân sách của Quốc hội. Vai trò đó đang đòi hỏi Quốc hội phải siết kỷ luật ngân sách thông qua việc ban hành các chỉ tiêu, nhất là tỷ lệ bội chi/GDP, chuẩn hoá phương pháp tính, công khai thông tin theo thông lệ quốc tế. Không những thế, theo TS Lê Hồng Giang, cần có biện pháp chế tài cứng rắn đối với các vi phạm và luật hoá chúng. Ví dụ, bộ trưởng bộ Tài chính, có thể là cả Chính phủ, sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trước Quốc hội. Một bộ luật riêng về giới hạn thâm hụt ngân sách sẽ thuận lợi hơn cho sự kế thừa của quá trình giám sát giữa các nhiệm kỳ Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội có thể đóng băng một số khoản chi tiêu của bộ Tài chính (cũng là của Chính phủ) nếu thâm hụt ngân sách vượt qua ngưỡng cho phép, chẳng hạn quỹ lương và quỹ chi phí hoạt động (xe cộ, trụ sở, hội họp, công tác nước ngoài).

Chúng ta kỳ vọng một bộ trưởng Tài chính chia sẻ quan điểm về một chính sách ngân sách cứng, thắt chặt hơn trên cơ sở luật lệ để có thể giám sát, phòng ngừa rủi ro và có khả năng thực thi kỷ luật ngân sách đó, đương đầu với những thách thức.

Nguyên Lê

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Kết thúc 26 cuộc kiểm toán, xử lý tài chính hơn 2.800 tỉ đồng (28/07/2011)

>   Kiểm toán ngân sách Nhà nước 2009: Nợ nước ngoài 36,5 tỉ USD (28/07/2011)

>   Quốc hội xem xét miễn nhiệm Tổng kiểm toán Nhà nước (27/07/2011)

>   Tiền mệnh giá thấp ngày càng vắng bóng (26/07/2011)

>   “Giật mình” với số liệu thu, chi ngân sách (26/07/2011)

>   Chính sách tiền tệ: Còn nhiều việc phải làm (25/07/2011)

>   Vay nóng… mất nhà! (24/07/2011)

>   Trông chờ vào chính sách tài khóa (21/07/2011)

>   Khi tiền vào nền kinh tế cao hơn mức tín dụng công bố (20/07/2011)

>   Cuối năm, còn nhiều sức ép phá giá VND (18/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật