“Không nên áp dụng lâu dài” thắt chặt tiền tệ
“Phê” việc tổ chức thực hiện kiềm chế lạm phát chưa quyết liệt và đồng bộ, đề nghị không nên áp dụng lâu dài chính sách tiền tệ thắt chặt… là thông tin tại báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội sáng 5/8.
|
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thắt chặt chính sách tài chính, tín dụng trong thời gian qua là phù hợp. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tăng lãi suất tín dụng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho công tác kiểm soát lạm phát và gây tiêu cực cho nền kinh tế. |
Nhiều vị đại biểu cũng cho rằng, hiện nay tình trạng tham nhũng khá phổ biến, hiệu quả quản lý tiết kiệm thấp đã và đang làm giảm niềm tin trong nhân dân.
Đề nghị tiếp tục thắt chặt tín dụng bất động sản
Tiền tệ, tín dụng, lạm phát vẫn là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thắt chặt chính sách tài chính, tín dụng trong thời gian qua là phù hợp. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tăng lãi suất tín dụng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho công tác kiểm soát lạm phát và gây tiêu cực cho nền kinh tế.
Một số vị đại biểu cũng “phê” trong khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ nhưng số lượng ngân hàng thương mại quá nhiều là không hợp lý.
Việc quy định trần tăng trưởng đồng bộ cho tất cả các ngân hàng, trần lãi suất vay và cho vay như thời gian qua là chưa phù hợp, không khả thi và dẫn đến tình trạng xuất hiện lãi suất “ngầm” của các ngân hàng thương mại trong việc cạnh tranh huy động vốn.
Về các giải pháp 6 tháng cuối năm, đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chính sách ưu tiên đối với nông dân, nông nghiệp, song thắt chặt cho vay đầu tư bất động sản, những dự án đầu tư dài hạn, chưa rõ hiệu quả.
Ổn định lãi suất tín dụng, điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, xử lý nghiêm sau pham của các ngân hàng thương mại, nhất là vi phạm về trần lãi suất cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề nghị.
Tổng hợp ý kiến từ các tổ thảo luận cũng nêu rõ quan điểm “chính sách tiền tệ thắt chặt chỉ nên coi là giải pháp tình thế nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, về lâu dài, không nên áp dụng chính sách này”.
Đưa lạm phát về một con số
Đánh giá tốc độ tăng lạm phát ở Việt Nam quá cao, nhiều đại biểu cho rằng có nguyên nhân chủ quan như công tác dự báo yếu, việc lập kế hoạch chưa chính xác, còn mang dáng dấp của nền kinh tế tập trung.
Nhiều ý kiến cũng đánh giá công tác tổ chức thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát chưa đồng bộ và quyết liệt, không kiểm soát được giá, nhất là đối với nhóm lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác. Việc kiểm tra giá mới được thực hiện ở siêu thị, đầu mối và theo từng đợt, mà không kiểm tra ở các chợ bán lẻ và tổ chức thường xuyên nên không hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá lại các nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát đã và đang được thực hiện, đề ra biện pháp, giải pháp đồng bộ trước mắt cũng như lâu dài để giảm dần lạm phát, phấn đấu đưa chỉ số lạm phát về một con số trong năm 2012.
Về giải pháp cụ thể, nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung giải pháp dùng VND mua USD để tăng dự trữ.
Trong việc bình ổn giá, cần làm rõ thêm vai trò của hệ thống thương nghiệp bán lẻ đưa các mặt hàng thiết yếu về các vùng nông thôn, tổ chức các cửa hàng bình ổn giá để người thu nhập thấp có cơ hội mua được.
Chiều nay, phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội của Quốc hội sẽ được truyền hình trực tiếp.
Nguyên Vũ
tbktvn
|