Technical View: Chứng khoán thế giới đang ở đâu?
(Vietstock) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, đâu là những ngưỡng kỹ thuật đáng chú ý của chứng khoán Mỹ và châu Âu?
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN MỸ QUA DOW JONES
Ngưỡng Fibo Retracement 261.8% (vùng 10,450 - 10,550 điểm) quyết định xu hướng ngắn hạn. Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một đợt suy giảm nhanh, mạnh và bất ngờ nhất (thrust down) trong vòng hơn 2 năm qua, với chỉ số DJIA giảm hơn 2,000 điểm chỉ trong vòng 2 tuần điều chỉnh và hiện tại đang ở quanh mức 10,850 điểm.
Mặc dù có đợt phục hồi ngắn trong 4 – 5 phiên gần đây nhưng chỉ số này đã nhanh chóng điều chỉnh tiếp sau khi chạm vào Fibo 161.8%. Hiện tại, giới phân tích chủ yếu kỳ vọng vào sự vững chắc của ngưỡng Fibo Retracement 261.8%.
Ngưỡng Fibo Retracement 261.8%, tương đương với vùng 10,450 - 10,550 điểm, đã hỗ trợ rất tốt cho giá trong đợt suy giảm mạnh hồi cuối tháng 07/2011 đầu tháng 08/2011. Nếu DJIA phá vỡ ngưỡng này, nhiều khả năng sẽ có thêm một đợt điều chỉnh rất mạnh nữa diễn ra và mục tiêu có thể là vùng 9,100 – 9,150 điểm.
Còn nếu phục hồi sau khi test ngưỡng Fibo Retracement 261.8%, khả năng DJIA đi vào trạng thái sideway ngắn hạn có thể xảy ra.
Sức ép dài hạn vẫn còn lớn. Mặc dù chúng tôi nhận thấy có sự dịch chuyển tích cực của Swing Trd 2 và Swinh Trd 3 từ RMO Trade Mode, nhưng đây chỉ là dạng tín hiệu cảnh báo (alert hoặc warming) chứ chưa phải là tín hiệu xác nhận rằng xu hướng giảm đã chấm dứt.
Sức ép từ nhóm MA dài hạn, cụ thể là SMA 50, SMA 100, SMA 200... tiếp tục gia tăng khi mà cả ba đường này đều đang lao dốc đi xuống với tốc độ khá nhanh. Điều này khiến cho triển vọng dài hạn của DJIA nói riêng và thị trường Mỹ nói chung vẫn chưa thể sáng sủa ngay được.
THỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU QUA FTSE 100
Phá vỡ các ngưỡng chống đỡ lớn. FTSE 100 cũng như DAX, CAC 40 đều có một đặc điểm chung là đã phá vỡ hoàn toàn đường trendline chống đỡ dài hạn kéo dài hơn 1 năm qua.
Điều này khiến cho xu hướng ngắn hạn cũng như trung và dài hạn của thị trường chứng khoán Châu Âu xấu đi thấy rõ. Bằng chứng là thị trường này đang phải hứng chịu một đợt suy giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2009.
Vẫn còn hy vọng phục hồi. Tuy nhiên, mức đáy hiện tại đã ngang bằng với mức thấp nhất của năm 2010 (với FTSE 100 là vùng 4,780 – 4,900 điểm). Đây là vùng đã khá nhiều lần hỗ trợ thành công cho giá và có mức độ giao dịch khá cao nên được đặt kỳ vọng lớn.
Tuy nhiên, nếu vùng 4,780 – 4,900 điểm của FTSE 100 cũng bị phá vỡ thì khả năng về lại đáy cũ của năm 2009 là rất lớn. Như vậy, đây là một ngưỡng quan trọng cần lưu ý vì nếu bị phá vỡ, một sự hoảng loạn có thể diễn ra trên thị trường chứng khoán châu Âu.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|