Đốt tiền trên sàn vàng chui
Sàn vàng đã chính thức đóng cửa từ tháng 3 năm 2010, nhưng hiện nay vẫn có nhiều người không ngại rủi ro tiếp tục mua bán vàng trên tài khoản tại các sàn vàng chui. Và trong đợt sốt vàng vừa qua đã có không ít người thua lỗ vì không kịp thoát khỏi thị trường.
Muốn chơi là có
Trên mạng, vẫn còn những trang web đang tổ chức giao dịch vàng trên tài khoản. Thông qua những trang web này, nhà đầu tư canh “sóng” của thị trường vàng thế giới để chọn đánh lên (mua trước bán sau) hay đánh xuống (bán trước, chờ giá xuống mua lại). Phương thức đầu tư vàng tài khoản như thế này hiện không được pháp luật Việt Nam thừa nhận (được xem là sàn vàng chui).
Khác với tình hình năm 2009, hiện tại hầu như chẳng có nhà đầu tư vàng nào đến sàn (vì không còn sàn vàng nào được phép hoạt động), các công ty cũng không lập sàn vàng công khai mà chỉ mở một văn phòng nho nhỏ. Công việc của nhà đầu tư chủ yếu là tải phần mềm về máy tính của mình và tiến hành giao dịch trên mạng; để duy trì trạng thái hoạt động của tài khoản vàng, nhà đầu tư chỉ cần nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của công ty.
Như vậy, mặc dù nhà nước đã cấm sàn vàng hoạt động từ năm 2010 nhưng có vẻ hoạt động này không dừng lại. Giao dịch trên các sàn này, nhà đầu tư có bị xử ép thì cũng phải chịu, có kiện cũng không ai giải quyết vì hoạt động này vốn không hợp pháp nên không có hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư.
Chỉ 10% có lãi
Trong những ngày giá vàng biến động mạnh như vừa qua, (ngày 8,9-8), ở những quán cà phê gần phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, người ngồi tấp nập, chỉ chờ giá xuống thì mua, giá lên thì bán, ăn chênh lệch. Những người này nhanh chân kiếm được tiền nhờ giá trong nước biến động với biên độ lớn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vàng tài khoản đã lỗ rất nặng trong đợt giá tăng vừa qua. Chị N.D, một nhà đầu tư cho biết khi giá vàng thế giới lên đến 1.600 đô la Mỹ/ounce, chị đã đặt lệnh bán ra, nhưng sau đó giá không xuống mà lại lên hoài, có ngày tăng thêm tới 100 đô la, vậy là chị đã phải nộp tiền vào tài khoản hàng ngày để duy trì trạng thái. Cho đến khi chịu hết nổi, chị buộc phải mua vào cắt lỗ ở giá 1.750 đô la/ounce, chịu mất một khoản tiền lớn, bao gồm cả chênh lệch giá, phí giao dịch và phí duy trì trạng thái qua đêm. Hiện chị N.D. cho biết, chị tạm dừng chơi để chờ giá ổn định hơn, và vì chị cũng chưa nguôi cơn sốc quá nặng vừa qua.
Cựu trưởng phòng phân tích của một công ty vàng tài khoản rất lớn xưa kia, giờ đang giữ chức vụ tương tự nhưng tại một công ty chứng khoán cho biết, trong những ngày qua, nhiều nhà đầu tư đã gọi điện để được anh tư vấn sau khi đã lỗ quá nhiều. Anh ví dụ trường hợp một nhà đầu tư sau khi đánh xuống, lỗ, lại mua ngược trở lên chờ giá tăng hòng gỡ lại, nhưng giá lại xuống vì vậy đã lỗ đến 2 đầu. Có người đã lỗ liên tiếp 4 vòng như vậy và đã phải đóng tài khoản, ngưng giao dịch.
Lỗ nhiều hơn lãi không phải chuyện lạ, chính nhân viên tư vấn của một công ty nói trên khẳng định, chỉ có 10% số lượng người chơi là có lãi, còn lại là thua hoặc nhiều, hoặc ít.
Khi đem thắc mắc hỏi vị trưởng phòng phân tích nói trên về việc vì sao lỗ như thế mà người chơi vẫn tham gia, anh giải thích là vì nhà đầu tư cho rằng nếu bỏ ra một đồng mà có thể dùng 100 đồng để đầu tư thì dại gì không thử! Và khi bắt đầu thường chỉ với 1.000 đô la Mỹ, một số tiền không lớn, thì nhiều nhà đầu tư vẫn muốn thử vận may. Trong bối cảnh mua bán vàng vật chất cần số tiền lớn, chứng khoán èo uột thì thử vận may chơi vàng tài khoản với đòn bẩy tài chính lớn cũng là một kiểu chọn lựa của nhà đầu tư, dù sự chọn lựa này đầy rủi ro…
Tuy nhiên, vị trưởng phòng này cảnh báo: “có người đã lỗ đến hơn 20 tỉ đồng vì đánh vàng tài khoản trong những ngày giá sốt vừa qua”.
Thảo Nguyên
TBKTSG
|