Thứ Hai, 29/08/2011 17:19

Cổ phiếu bluechips- Ai bán, ai mua?

Những phiên giao dịch đột biến về thanh khoản gần đây có nguồn gốc từ các lệnh giao dịch thỏa thuận. Mục đích chính của những giao dịch này là gì và ai đứng đằng sau?

Dòng tiền tăng ảo?

Chưa bao giờ thanh khoản của thị trường lại xuống thấp như hiện nay. Thậm chí, mức 1.000 tỷ đồng mỗi phiên cho cả 2 sàn (con số tối thiểu của những năm trước) cũng trở nên hiếm hoi. Do vậy, những phiên giá trị giao dịch vượt qua mốc này luôn đáng chú ý. Cụ thể như phiên giao dịch ngày 17-8 có tổng giá trị giao dịch của 2 sàn 1.280 tỷ đồng, tuy nhiên, mấu chốt của dòng tiền tăng lại đến từ lượng giao dịch thỏa thuận hơn 14,5 triệu CP KDC (CTCP Kinh Đô) với tổng giá trị 435 tỷ đồng.

Đây là lượng CP tương đương mà ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KDC và vợ là bà Vương Hữu Linh đăng ký chuyển nhượng cho Công ty TNHH MTV PPK (công ty do chính ông Trần Kim Thành làm Chủ tịch và sở hữu 100% vốn). Dù là giao dịch đúng nghĩa nhưng không có sự đột biến dòng tiền vào thị trường và thực tế chỉ là dòng tiền ảo. Sự kiện này không khác gì trường hợp của STB (NHTMCP Sài Gòn Thương Tín).

Trước đó, hàng loạt người thân của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT STB, đã chuyển gần 15 triệu CP STB về CTCP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công, do vợ của ông Thành làm Chủ tịch HĐQT cũng với hình thức giao dịch thỏa thuận.

NĐT không cần nhiều kinh nghiệm cũng dễ nhận ra dòng tiền đang đổ vào một số mã blue chip thanh khoản tốt.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 4-8 vừa qua, đã có hơn 70 triệu CP STB được giao dịch thỏa thuận, góp phần đẩy giá trị giao dịch của riêng sàn HOSE lên hơn 1.800 tỷ đồng (giá trị giao dịch cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây). Thế nhưng, đây lại là phiên giao dịch mà Dragon Financial Holdings Limited do Dragon Capital quản lý hoàn tất việc thoái vốn tại STB.

Theo công bố, quỹ đầu tư này sẽ sử dụng nguồn vốn này để tái đầu tư vào TTCK. Thế nhưng việc quỹ này có làm như đã nói và khi nào thực hiện lại là chuyện khác. Như vậy, chừng nào quỹ đầu tư này chưa giải ngân lại, dòng tiền tăng đột biến ở phiên giao dịch vừa qua cũng chỉ là dòng tiền ảo.

Giải mã vốn ngoại

TTCK tắc vốn bắt nguồn từ việc NĐT nội rút ra khỏi thị trường là điều gần như chắn chắn và không bàn cãi. Câu hỏi đặt ra: Dòng chảy của vốn ngoại hiện nay ra sao và khối này đang mua bán những mã CP nào? Theo thống kê, trong tháng 7 vừa qua, khối ngoại chỉ mua ròng hơn 152 tỷ đồng trên cả HOSE và HNX.

Con số này chỉ bằng 1/6 so với mức 900 tỷ đồng của tháng 6 trước đó. Thế nhưng, con số của tháng 6 lại bắt nguồn từ việc khối ngoại gom VNM khi mã CP này hở room (được mua ròng gần 790 tỷ đồng trong tháng 6). Tính từ đầu năm 2011 đến nay, khối ngoại vẫn mua ròng nhưng giá trị đã sụt giảm đáng kể so với trước.

Theo lý giải của giới phân tích, những bất ổn về kinh tế vĩ mô (lạm phát và mất giá tiền đồng) khiến khối ngoại cũng không còn hào hứng gom hàng khi NĐT nội tháo hàng. Tuy nhiên, việc khối ngoại hạn chế giao dịch không có nghĩa họ đang rời bỏ thị trường.

Có chăng đây chỉ là hành động cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng thận trọng hơn. Hiện tượng NĐTNN mua mạnh FPT (CTCP Tập đoàn FPT) đã nói lên điều đó, bởi lĩnh vực FPT đang hoạt động ít chịu tác động từ suy thoái kinh tế hơn các lĩnh vực khác. Đến giữa tháng 8, NĐTNN đã lấp đầy 49% room ngoại tại FPT.

Trong khi các mã CP của CTCK đang chịu tác động mạnh nhất, việc khối ngoại mua ròng SSI (CTCK Sài Gòn) từ cuối tháng 6 đến nay lại là điều hết sức khó hiểu. Giới phân tích cho rằng đã có “cuộc chiến” đánh lên và đánh xuống SSI giữa khối ngoại và khối nội.

Mới đây, giới đầu tư rộ lên thông tin mã này đang bị các đội lái mượn hàng chục triệu CP để đánh xuống. Tuy nhiên, do đang có tác động mạnh đến VN Index nên các quỹ ETF không thể làm ngơ và buộc lòng phải bung tiền ra để hạn chế đà giảm của mã này.

Thực tế, giao dịch của NĐTNN tại SSI chủ yếu là tái cơ cấu danh mục và giao dịch của các quỹ ETF. Điều này cho thấy dòng vốn thực từ khối ngoại chảy vào TTCK gần như không có, giao dịch của khối ngoại chủ yếu trên danh mục cũ hoặc dựa vào dòng vốn nóng từ các quỹ đầu tư chỉ số.

Đầu tư hay đầu cơ?

Trong khi dòng vốn nội và vốn ngoại bị rút ra nhiều hơn đưa vào, nhiều khả năng dòng tiền đang xoay vòng trên thị trường đến từ dòng tiền có tính chất đầu cơ. Một NĐT không cần nhiều kinh nghiệm cũng có thể nhận ra rằng dòng tiền đổ vào thị trường trong thời gian gần đây chỉ tập trung vào một số mã blue chip có thanh khoản tốt và sức ảnh hưởng mạnh tới VN Index.

Đặc biệt, các lệnh giao dịch thỏa thuận mang tính chất “T+0” là một trong những yếu tố không nhỏ đóng góp vào thanh khoản của thị trường. Thực tế, những phiên hồi phục của thị trường vừa qua đa phần xuất phát từ áp lực mua trả hàng của các NĐT đã bán khống như trường hợp đang xảy ra với SSI hiện nay.

Quan điểm này cũng được nhiều chuyên gia trên thị trường tán thành, 9/10 NĐT bị thua lỗ, phần nhiều những NĐT vẫn còn đang bám trụ trên TTCK chỉ là những nhà đầu cơ. Họ chấp nhận rủi ro và mạo hiểm tận dụng môi trường thông tin thiếu minh bạch để tìm kiếm những cơ hội.

Nếu nhận định này đúng, chưa hẳn những NĐT còn lại đều có chung mục đích đầu cơ, bởi vẫn có những giao dịch mang tính chất đầu tư, mà trường hợp PVI (TCTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam) là minh chứng.

Theo kế hoạch, PVI sẽ bán 25% cổ phần cho Talanx AG, tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 3 của Đức và lớn thứ 11 của châu Âu với mức giá 36.000 đồng/CP (cao hơn 100% so với giá của PVI hiện tại). Đây cũng là lần đầu tiên một công ty nước ngoài mua cổ phần của một doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam với mức chênh lệch giữa giá phát hành và giá trên sàn lớn đến như vậy.

Rõ ràng, việc chấp nhận mức giá cao hơn thực tế chứng tỏ mục tiêu của tập đoàn bảo hiểm Đức là đầu tư chứ không mang tính chất đầu cơ.

Theo phân tích của một chuyên gia, để tăng thanh khoản cho thị trường, bên cạnh giải pháp UBCKNN đưa ra trong thời gian gần đây như Thông tư 74, cần phải nghiên cứu các khả năng tiếp tục đưa tín dụng vào CK, triển khai các dịch vụ phái sinh, thậm chí cho phép bán khống.

Trong thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới đã cấm bán khống, nhưng đây chỉ là lệnh cấm trong ngắn hạn để tránh gây tác động xấu đến thị trường trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bất ổn, chứ không hủy bỏ hẳn lệnh này. Tuy vậy, cũng cần phải mạnh tay hơn với các vi phạm trong lĩnh vực CK để thị trường ngày càng minh bạch, từ đó kéo theo NĐT quay lại thị trường.

Hải Hồ - Kim Giang

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   UBCK ở đâu trong vụ việc về DVD? (29/08/2011)

>   Chân dung những “cỗ máy in tiền” (29/08/2011)

>   Băn khoăn khi SSI hết room (29/08/2011)

>   VSP: Tăng trần nhiều phiên có thể do chỉ số BDI tăng 16% (29/08/2011)

>   Ngày 29/08: Khối ngoại tiếp tục xả hàng bluechips (29/08/2011)

>   TTCK nhen nhóm niềm hy vọng (29/08/2011)

>   Tổ chức đầu tư thận trọng với khả năng giảm lãi suất (29/08/2011)

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Mượn vàng bàn chứng khoán (29/08/2011)

>   29/08: Bản tin đầu tuần (29/08/2011)

>   Những cổ phiếu ồn ào (28/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật