Những cổ phiếu ồn ào
Không nhiều người đầu tư vào giá trị tích lũy cổ phiếu chứng khoán trong thời điểm hiện tại. Những công ty kinh doanh hiệu quả, thị giá thấp hơn giá trị sổ sách và có triển vọng tương lai là lựa chọn của họ. Thế nhưng trong các đợt tăng điểm của VN-Index ngắn hạn gần đây, cổ phiếu chứng khoán vẫn hút tiền nhiều nhất. Phải chăng đấy chỉ là dấu hiệu đầu cơ?
Sau khi xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử khoảng 65 điểm vào đầu tuần trước, chỉ số sàn Hà Nội đã bật tăng trong ba phiên tiếp sau đó. Một số chuyên gia phân tích nhận định sự đổi chiều của Hnx phần lớn mang tính kỹ thuật và không kéo dài. Một trong những bằng chứng họ chỉ ra là sự tăng giá nhanh chóng của các cổ phiếu chứng khoán như KLS, SSI, VND, BVS. Ba trong bốn công ty này có kết quả kinh doanh thua lỗ trong sáu tháng đầu năm. Riêng KLS có lãi nhưng không phải từ hoạt động kinh doanh chính, mà chủ yếu từ số tiền gửi ngân hàng kiếm lời. Một chuyên viên kỹ thuật nước ngoài làm việc cho một công ty chứng khoán còn miêu tả một cách hình ảnh các cổ phiếu chứng khoán là những cổ phiếu ồn ào!
Ẩn chứa sau sự ồn ào ấy, cổ phiếu chứng khoán đang mang trong mình nó tâm lý thị trường - một tâm lý đầy biến động và có thể sắp có những chuyển động bất ngờ. Từ đầu năm đến nay chứng khoán chưa có được một con sóng tầm cỡ trung bình, đủ để cho giới đầu tư gỡ gạc ít nhiều trong sự suy thoái kéo dài đã bốn năm qua. Sự thất vọng bao trùm mọi ngóc ngách các cuộc nói chuyện, trao đổi, hội thảo, các báo cáo nghiên cứu đến nỗi một nhân viên tài chính nước ngoài vừa chân ướt chân ráo đến TPHCM phải thốt lên: “Mọi quỹ đầu tư ở Việt Nam đều đang mất tiền. Vòng xoáy mất tiền không loại trừ ai!”.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân rời bỏ thị trường. Các tổ chức nước ngoài không huy động thêm được đồng vốn nào. Các quỹ nội địa ngừng giải ngân, bỏ tiền vào ngân hàng chờ đợi. Các công ty chứng khoán sa thải nhân viên, đóng cửa chi nhánh ở các địa phương, tận dụng thời gian nhàn rỗi cơ cấu lại tổ chức, bộ máy. Nhiều người hỏi: các quỹ đầu tư ngoại giờ làm gì? Họ có còn khảo sát, tìm kiếm các doanh nghiệp tốt để đầu tư không? Tổng giám đốc một quỹ đầu tư lớn nhất nhì thị trường nói: “Trên sàn tràn ngập các công ty tiềm năng mà không còn vốn để giải ngân. Liệu các doanh nghiệp chưa niêm yết có tốt, có minh bạch hơn các công ty trên sàn?”. Trả lời câu hỏi: “Bây giờ quỹ của ông làm gì?”, ông bật mí: “Những việc không liên quan đến đầu tư, đại loại tham gia công tác từ thiện, bảo vệ động vật hoang dã, triển lãm tranh, phát hành tem thư…”. Thay vì đầu tư, các quỹ làm công việc xã hội! Chuyện thật không một chút bông phèng nào!
Chứng khoán thất thế, cổ phiếu chứng khoán cũng không tránh khỏi vận hạn đó. Chỉ có điều bốn cổ phiếu chứng khoán nói trên đại chúng quá và nó phản ánh tâm lý thị trường sát sao quá. Người ta nghĩ giá cổ phiếu càng rớt thê thảm, các công ty chứng khoán càng thua lỗ, cổ phiếu chứng khoán càng đi xuống, nên trào lưu bán khống xuất hiện. Trong các đợt thị trường đi ngang, cổ phiếu chứng khoán bị bán đã đành. Trong các đợt bị tác động bởi tin tức xấu như lạm phát tháng 4, tháng 7-2011 cổ phiếu chứng khoán càng bị bán khống không thương tiếc. Kết quả có thời điểm thị giá cổ phiếu SSI còn 15.200 đồng, KLS 7.400 đồng, VND 8.600 đồng, BVS 12.400 đồng. Đã bán khống, phải canh mua để trả lại. Nên mỗi khi VN-Index có tín hiệu đảo chiều, dù là cơ hội nhỏ, các tay bán khống đều phải nhanh chóng mua lại và đó là một trong những lý do giải thích vì sao cổ phiếu chứng khoán luôn là những mã tăng giá đầu tiên mỗi khi có biến động.
Tuy nhiên bán khống không phải là tấm gương phản chiếu toàn diện những “giằng xé trong tâm gan” cổ phiếu chứng khoán. Sâu xa hơn ở trong nhận thức, cổ phiếu chứng khoán là một cái bờ còn sót lại để nhà đầu tư kỳ vọng không “chết đuối” trong thị trường. Một quỹ đầu tư ngoại từ mấy tháng nay còn bao nhiêu tiền nhàn rỗi đem giải ngân vào cổ phiếu SSI. Người phát ngôn của quỹ này nói: “SSI là công ty chứng khoán dẫn đầu, room dành cho nước ngoài sắp hết nên chúng tôi giải ngân”. Lý do ấy là thực, nhưng không đủ. Tổng giám đốc của quỹ thẳng thắn trong một cuộc nói chuyện: “Tổng giá trị tài sản ròng NAV của chúng tôi đã giảm nhiều đến mức khó tưởng tượng. Vì thế khi thị trường tăng trở lại, chúng tôi phải làm sao để NAV tăng nhanh nhất nhằm lấy lại lòng tin cho các nhà đầu tư, bằng không họ yêu cầu thoái vốn hết. Cổ phiếu chứng khoán làm được nhiệm vụ đó khi thị trường tăng trưởng”.
Ra vậy! Tâm lý này không chỉ ngự trị một quỹ. Nó đang thống trị nhiều nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân. Dễ hiểu vì sao các cổ phiếu chứng khoán trở thành chỉ báo của thị trường và thanh khoản của chúng thuộc loại cao nhất. Trong phiên người ta chỉ cần nhìn vào biến động của chúng là có thể phán đoán diễn biến của cả thị trường. Sự ồn ào cũng xuất phát từ đây - sự ồn ào đang được kỳ vọng sẽ kéo dài khi có những dấu hiệu thay đổi tích cực từ kinh tế vĩ mô như chỉ số CPI, lãi suất.
Lưu Hảo
TBKTSG Online
|