Thứ Sáu, 26/08/2011 17:48

Nhìn lại 10 vụ bê bối trên sàn chứng khoán

(Vietstock) - Trải qua 11 năm đầy sóng gió, khi thị trường chứng khoán càng trưởng thành thì sự vô tư càng mất và nét lo âu hằn trên gương mặt của nhiều nhà đầu tư. Nhân câu chuyện về Dược Viễn Đông có khả năng phá sản, người viết xin được cùng độc giả điểm qua một số vụ việc nổi bật liên quan đến một vài tổ chức niêm yết hoặc đại chúng đang tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

1. Lật lại vụ IPO của Nhiệt Điện Phả Lại

Tháng 11/2005, CTCP Nhiệt Điện Phả Lại (HOSE: PPC) chào bán cổ phần ra bên ngoài để chính thức trở thành công ty đại chúng.

- Khối lượng cổ phần chào bán:  72,896,500 cổ phần 

- Giá khởi điểm:    10,200 đồng/ cổ phần

- Giá trúng thầu cao nhất:  15,000 đồng/ cổ phần

- Giá trúng thầu thấp nhất:             10,200 đồng/ cổ phần

- Giá trúng thầu bình quân:             10,200 đồng/ cổ phần

- Số lượng cổ phần bán được: 62,313,300 cổ phần

Do thị trường tại thời điểm IPO chưa thuận lợi nên việc đấu giá cổ phần của Nhiệt Điện Phả Lại đã không mấy thành công như mong đợi, giá đấu bình quân sát mức giá khởi điểm và số lượng cổ phần cũng không bán hết.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức lớn đã đánh hơi được lợi nhuận kếch sù từ việc mua rẻ một khối tài sản lớn này. Họ tham gia mua PPC với khối lượng lớn, trong đó có CTCK Ngân hàng Công thương (HNX: CTS). Thị trường chứng khoán (TTCK) đã tăng mạnh sau đó và các khoản đầu tư giá rẻ này cũng tăng theo vùn vụt. Tháng 4/2007 Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam bán tiếp hơn 41 triệu cổ phần của PPC với giá bình quân đạt đến 69.710 đồng/cổ phần.

Vì vậy đã có một số ý kiến nghi ngờ về khả năng làm giá cổ phiếu để mua rẻ PPC nhằm hưởng lợi nhuận lớn từ kết quả IPO đầu tiên của PPC. Liên quan đến vấn đề này, cơ quan điều tra đã khởi tố bà Phạm Thị Tuyết Mai, cựu Giám Đốc CTCK CTS về việc mua bán lòng vòng 3 triệu cổ phiếu PPC gây thất thoát gần 89 tỷ đồng của Nhà nước. Vụ việc này còn liên quan đến ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó Tổng giám đốc NHTM Cổ phần Quốc tế (VIBank) và Công ty TNHH Chứng khoán NHNN&PTNT Việt Nam (HOSE: AGR).

2. VFMVF1: Cổ đông "rối loạn" với giá phát hành thêm

Đầu năm 2007, khi TTCK Việt Nam đang ở chu kỳ tăng mạnh, Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Việt Nam (HOSE: VFMVF1) công bố phát hành thêm 500 tỷ vốn điều lệ với giá phát hành cao ngất 33.164 đồng/đơn vị quỹ vào tháng 3/2007. Đây cũng là quỹ đầu tư nội địa đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đơn vị bảo lãnh phát hành là CTCP CK Bảo Việt.

Tuy nhiên, TTCK sau đó bắt đầu điều chỉnh giảm, NAV và thị giá của VFMVF1 giảm theo khiến cho khả năng phát hành vốn không thành công. Mặc dù đã qua ngày chốt quyền, VFMVF1 vẫn xin phép UBCK cho điều chỉnh giá chốt quyền từ mức 33.164 đồng/đơn vị quỹ xuống mức 23.700 đồng/đơn vị quỹ.

Việc điều chỉnh giá này khiến cho các NĐT đã giao dịch chứng chỉ quỹ trước đó phản đối gay gắt vì giá của VFMVF1 đã được điều chỉnh theo giá phát hành cũ, đồng thời tính toán của NĐT cũng bị thay đổi theo thông tin này.

Ban lãnh đạo VFMVF1 lên tiếng giải trình rằng hành động trên nhằm bảo đảm cho lợi ích lâu dài của Quỹ cũng như đại đa số cổ đông. Đồng thời, việc bảo lãnh phát hành là có điều kiện nên tổ chức bảo lãnh không nhất thiết cam kết mua toàn bộ số cổ phiếu không phát hành thành công như nhiều NĐT hi vọng. Tuy nhiên nhiều NĐT đã không đồng tình với việc giải thích này và VF1 bị bán tháo mạnh mẽ.

Sau đó, VFMVF1 sửa sai bằng cách hủy bỏ giá điều chỉnh và quay lại phương án giá phát hành ban đầu, đồng thời kéo dài thời gian góp vốn.

Nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức đầu tư, đại cổ đông nên đợt phát hành của VFMVF1 đã thành công. Tuy nhiên, niềm tin vào VFMVF1 của nhà đầu tư đã bị xói mòn khá nhiều. Cùng với sự suy giảm của thị trường, VFMVF1 cũng đi vào kênh giảm giá dài hạn và chưa bao giờ trở lại vùng giá đỉnh cao đầu năm 2007.

3. Bông Bạch Tuyết: Cổ phiếu đầu tiên bị hủy niêm yết

Tự hào là  một thương hiệu hàng đầu trong ngành bông băng vệ sinh, y tế, CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) chiếm thị phần đa số trong việc cung cấp bông băng cho các bệnh viện ở Việt Nam. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo của Bông Bạch Tuyết đã “vung tay quá trán” cho việc đầu tư tràn lan, không kiểm soát mà đỉnh điểm là việc nhập dây chuyền sản xuất băng vệ sinh cho phụ nữ trị giá hàng trăm tỷ đồng (cao hơn vốn điều lệ công ty lúc đó). Việc đầu tư không hiệu quả khiến công ty phải dừng sản xuất. Máy móc đắp chiếu, công nhân nghỉ việc trong khi khấu hao nhà xưởng đều đều, tiền mặt cạn kiệt khiến cho BBT dần đánh mất cả lợi thế kinh doanh chính trong ngành bông vệ sinh y tế.

Vẫn báo cáo lãi đến năm 2007 nhưng thực tế công ty đã lỗ nặng do làm ăn kém hiệu quả. Ban lãnh đạo Bông Bạch Tuyết lúc đó đã giấu lỗ bằng các điều chỉnh kế toán. Trong khi đó, cổ đông nhà nước là Công Ty Dệt May Gia Định lại không đưa ra được giải pháp nào khả dĩ để vực lại con tàu chìm, không kiểm soát được Ban lãnh đạo trong hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Vụ việc trở nên nghiêm trọng khi BBT bắt đầu quá nợ ngân hàng và nợ lương công nhân dẫn tới đình công. Lãnh đạo công ty và Dệt May Gia Định tranh luận gay gắt khi Dệt May Gia Định không thông qua việc tăng vốn bằng cách bán thẳng cho đối tác chiến lược vì sợ Ban lãnh đạo không minh bạch trong quản lý vốn và sợ làm loãng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.

UBCK vào cuộc, cảnh cáo và tạm ngừng giao dịch cổ phiếu BBT từ ngày 11/7/2008 và sau đó cho phép giao dịch lại ngày 21/7/2008 trong tình trạng có kiểm soát. Giá cổ phiếu của BBT liên tục tuột dốc. Ban lãnh đạo và đại cổ đông BBT hầu như không đưa ra được biện pháp nào để giải quyết khủng hoảng. BBT buộc phải bán đi nhiều tài sản. Cơ quan điều tra đã phát hiện ra nhiều sai phạm ở BBT từ việc kinh doanh cho đến việc báo cáo.

Dệt May Gia Định cuối cùng phải sử dụng quyền lực đại cổ đông để triệu tập đại hội cổ đông bất thường, miễn nhiệm Ban lãnh đạo cũ và bầu Ban lãnh đạo mới cho BBT. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo cũ của BBT vẫn kéo dài thời gian nộp trả con dấu của công ty khiến BBT không còn hoạt động trong một thời gian dài và con tàu BBT dường như chìm hẳn.

Rút cuộc, đến ngày 5/8/2009 Sở GDCK TPHCM đã ban hành Quyết định hủy niêm yết 6.84 triệu cổ phiếu của CTCP Bông Bạch Tuyết từ ngày 7/8/2009.

Vụ việc gióng lên hồi chuông báo động về tinh minh bạch trong quản lý, báo cáo và kiểm toán các DNNY. Toàn bộ cổ đông của BBT đã chịu thiệt hại nặng nề trong đầu tư và thanh khoản.

4. CTCP Mía Đường La Ngà và lãnh đạo “nghiện” chứng khoán

Tháng 4/2008, nhiều cổ đông của CTCP Mía Đường La Ngà (DuongLaNga) đã ký tên tập thể gởi lên nhiều cơ quan Chính phủ phản ánh việc chủ tịch HĐQT, ông Phạm Như Hóa, làm sai nguyên tắc, tự động đem gần hai chục tỷ đồng của công ty đi đầu tư chứng khoán (một phần trong đó dưới danh nghĩa cá nhân) và thua lỗ nặng nề, khiến cho công ty không thể quyết toán được hoạt động năm 2007 và từ đó không thể tổ chức được Đại hội cổ đông.

Sau đó, ông Hóa phải rời chức Chủ Tịch HĐQT của công ty. Và trong kỳ Đại Hội Cổ Đông tiếp theo, cổ đông của Mía Đường La Ngà tiếp tục chỉ ra các sai lầm của công ty về kinh doanh và đầu tư. Nhiều khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ đồng phải đắp chiếu, gây lãng phí lớn và thua lỗ cho công ty.

Khép lại vụ việc, dẫu không phải là quá lớn, nhưng nó nói lên thực trạng đầy lo ngại khi các lãnh đạo doanh nghiệp tự tung tự tác trong chi tiêu tiền của cổ đông, đặc biệt là các lãnh đạo “nghiện” đầu tư chứng khoán.

5. AAA cùng nghi vấn về làm giá cổ phiếu

Tháng 9/2010, khi thị trường bắt đầu ảm đạm, khi các cổ phiếu vừa và nhỏ sau đợt sóng lên mạnh mẽ đầu năm bắt đầu đi vào giai đoạn sụt giảm nặng nề thì AAA nổi lên như là một hiện tượng. Giá cổ phiếu tăng liên tục từ 45,000 đồng/cp lên đến hơn 90,000 đồng/cp kèm với nhiều thông tin tốt như dự báo lợi nhuận tăng mạnh, đối tác nước ngoài sẵn sàng đàm phán mua giá cao.

Nhưng sau một thời gian ngắn giao dịch ở vùng giá 80 – 90 với khối lượng lớn, đại cổ đông của AAA gồm Công Ty Đầu Tư Tài Chính Thăng Long, Công ty TNHH Đầu tư FC và đặc biệt là Công Ty Tam Sơn công bố bán hết cổ phiếu, giá cổ phiếu AAA bắt đầu dấu hiệu giảm rồi sau đó tuột dốc không phanh.

Cùng lúc, trên TTCK rộ lên tin đồn nhiều đại cổ đông của AAA đã sử dụng số cổ phiếu AAA trong tài khoản để làm tài sản bảo đảm cho các hợp đồng marin tỷ lệ cao. Các vị này sử dụng hợp đồng margin đẩy giá lên rồi mua lại chính cổ phiếu AAA ở vùng giá cao. Sau đó bỏ mặc các tài khoản margin cho các CTCK tự xử lý.

Không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu chuyện này, nhưng có một thực tế là nhiều cổ đông nội bộ đã công bố mua bán AAA (chủ yếu bán) với số lượng lớn ngay sau đó. Đồng thời, ông Phạm Ánh Dương, chủ tịch HĐQT AAA, thừa nhận đã cùng với một số cổ đông dùng cổ phiếu AAA để bảo lãnh cho các khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng và sau đó bắt buộc phải bán ra cổ phiếu để trả nợ bảo lãnh.

Kết thúc vụ việc, các đại cổ đông và thành viên HĐQT AAA đều giảm sở hữu đối với cổ phiếu AAA, đối tác nước ngoài rút lui khỏi cam kết đầu tư chiến lược. Giá AAA giảm đều từ đó đến nay, chỉ còn loanh quanh ở vùng giá 15,000 đồng/cp. Người được có lẽ khó xác định nhưng người mất là đa số nhà đầu tư vào AAA và một số CTCK cung cấp hợp đồng margin tỷ lệ lớn cho cổ phiếu này.

6. Chủ tịch CTCK Hà Thành mất dạng cùng khoản thâm hụt hàng trăm tỷ đồng

Quý 2/2011, khi UBCK đang tiến hành thanh tra CTCP Chứng khoán Hà Thành (HASC) thì rộ lên tin đồn là ông Trương Duy Sơn, Chủ Tịch HĐQT công ty đã bỏ trốn cùng khoản nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Phía HASC xác nhận ông Chủ tịch đã biến mất và khoản thâm hụt kia là do ông Sơn vay các tổ chức tín dụng dưới danh nghĩa cá nhân và HASC để sử dụng cho việc đầu tư chứng khoán bằng công cụ margin.

Vụ việc đang được cơ quan điều tra làm sáng tỏ, nhưng cam kết thu nợ của HASC bằng cách xử lý tài sản riêng của ông Chủ tịch khiến nhiều NĐT và khách hàng của HASC không yên tâm.

Vốn của HASC còn chưa đầy 100 tỷ, nên nếu tính cả khoản thâm hụt đó và các khoản làm ăn thua lỗ thời gian qua thì vạn nhất các tổ chức tín dụng và ngân hàng đòi tiền thì CTCK lấy tiền đâu ra trả? Và liệu lúc đó CTCK có sử dụng tiền của khách hàng đang đầu tư chứng khoán ở CTCK Hà Thành không cũng sẽ là dấu hỏi lớn.

Vụ việc này cho thấy sự yếu kém của các CTCK về quản trị rủi ro và nguy cơ tiềm tàng của các hợp đồng margin có tỷ lệ lớn so với tài khoản thế chấp. Chính việc sử dụng tràn lan công cụ margin này đã khiến cho nhiều CTCK tràn ngập nợ xấu và khủng hoảng thanh khoản. Và điều này cũng góp đẩy thị trường sụt giảm mạnh nhiều lần khi hàng loạt cổ phiếu bị giải chấp chạm ngưỡng margin.

7. Chứng khoán Kim Long rời bỏ hoạt động môi giới

Tháng 3/2011, TTCK Việt Nam rúng động khi HĐQT của CTCK Kim Long (HNX: KLS), một trong những CTCK có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường, thông qua quyết định dừng các hoạt động kinh doanh chứng khoán và đệ trình lên ĐHĐCĐ để xin thông qua chủ trương trên.

Lý do mà KLS đưa ra là do ngành kinh doanh chứng khoán đã trở nên rủi ro và kém hấp dẫn, trong khi với số tiền mặt gần 2,000 tỷ huy động được từ TTCK trong thời gian trước đó, KLS có thể tiến công vào các lĩnh vực hấp dẫn hơn như bất động sản hoặc các dự án phát triển khác.

Tuy nhiên, việc một ông lớn trong ngành rời cuộc chơi cũng như hàng nghìn NĐT đang đi theo KLS cần đóng trạng thái tài khoản nếu như quyết định trên được thông qua cho thấy niềm tin vào TTCK đang sụt giảm nghiệm trọng. Sự kiện này khiến toàn thị trường rúng động, giá của các cổ phiếu rơi mạnh, đặc biệt là KLS.

Có lẽ nhận thấy được phản ứng tiêu cực của cổ đông và NĐT đối với quyết định, sau khi Đại hội cổ đông lần I không thành công, KLS đã không trình lên ĐHCĐ lần II đề nghị dừng kinh doanh chứng khoán trên.

Mọi việc trở lại gần như cũ nhưng phần nào lòng tin đã mất khi mà ngay chính lãnh đạo công ty đã bày tỏ công khai việc không mong muốn tham gia kinh doanh chứng khoán nữa. Cổ đông nhỏ là những người chịu thiệt lớn nhất khi KLS rơi về vùng mệnh giá và ở mãi từ đó đến nay.

8. VKP: Các chiêu làm kinh tế chui của giám đốc

Sau một thời gian dài làm ăn thua lỗ, CTCP Nhựa Tân Hoá (HOSE: VKP) đứng trước bờ vực phá sản trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao, lãi suất thương mại tăng vọt và hàng loạt chi phí đầu vào dâng cao. Thị giá của VKP đi từ 40,000 - 50,000 đồng/cp xuống còn chưa đầy 2,000 đồng/cp. Các khoản đầu tư của cổ đông vào VKP coi như đã bốc hơi toàn bộ khi chỉ còn chưa đầy 5% giá trị ban đầu.

Việc quản trị và kinh doanh của VKP có nhiều khuất tất đến mức cơ quan điều tra phải vào cuộc và từ đó làm sáng tỏ nhiều thủ đoạn móc túi công ty và Nhà nước của Ban lãnh đạo, đặc biệt là nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Châu. VKP đã bị móc ruột một cách tinh vi thông qua hàng loạt thủ đoạn, từ mua hóa đơn GTGT khống, khai tăng giá trị hóa đơn vận tải để ăn chênh lệch, lập quỹ “đen” đến khai khống nhân viên để được mua cổ phiếu ưu đãi và bán tài sản chung để bỏ túi riêng...

VKP bị UBCK cho ngừng giao dịch từ ngày 18/4/2011 và sau đó được phép giao dịch trở lại dưới dạng bị kiểm soát. Thanh khoản của VKP hầu như mất hẳn mặc dù mức giá vô cùng thấp, vì khả năng VKP bị phá sản là rất gần. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2011, VKP lỗ 21.38 tỷ đồng. Kiểm toán viên bày tỏ nghi ngờ đáng kể về tính phù hợp của việc giả định hoạt động liên tục của công ty và đưa ra hàng loạt ý kiến về các vấn đề tồn tại trong báo cáo tài chính và hoạt động của công ty.

Vụ việc này cho thấy nếu cổ đông, đặc biệt là các đại cổ đông không có biện pháp quản trị và giám sát chặt chẽ thì Ban lãnh đạo có thể đưa một công ty đang lãi lớn thành một công ty thua lỗ và dẫn đến phá sản rất nhanh chóng.

9. PVA hủy ngày phát hành với khối lượng “khủng” vào phút chót

Ngày 8/8/2011, PVA công bố phát hành thêm với tỷ lệ phát hành cực lớn cho cổ đông hiện hữu. Mỗi cổ đông hiện hữu được phép mua thêm 4.45 cổ phiếu mới cho một cổ phiếu mình đang nắm giữ vào ngày chốt quyền.

Một trong những chức năng chính của TTCK là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp nên việc phát hành thêm của một DNNY là rất bình thường. Tuy nhiên, thị trường vốn đang suy giảm một phần do nguồn cung cổ phiếu tràn ngập thì việc phát hành thêm quá lớn của PVA bị các NĐT đánh giá dưới cái nhìn tiêu cực. Đặc biệt, trong trường hợp của PVA, việc phát hành thêm đã phải sửa đổi nhiều lần nên hoãn đi hoãn lại, PVA bỏ mất cơ hội vàng để phát hành thêm khi TTCK còn sôi động và thị giá PVA còn rất cao trong năm 2010. Ngoài ra, trong phương án sử dụng vốn phát hành thêm, PVA phải dùng một phần để trả nợ cho các khoản đầu tư ứng trước vào các công ty con khiến cho cổ đông và NĐT càng thêm lo lắng.

Để trấn an cổ đông, PVA công bố việc cam kết mua 30% từ PVX để trở lại thành công ty mẹ của PVA (do PVX trước đây đã bán gần hết PVA ở vùng giá rất cao) cũng như thông tin về IDICO Long Sơn có thể mua đến 50% vốn điều lệ mới sau này. Tuy nhiên, dư luận đặt dấu hỏi lớn về tính khả thi của các phương án cũng như sự chặt chẽ về pháp lý của chúng.

Trong lúc đó, thị trường đã trả lời rất rõ ràng: Chỉ trong vòng mấy ngày, cổ phiếu PVA mất gần 50% thị giá và rơi về gần vùng mệnh giá khiến cho dư luận đặt câu hỏi về khả năng thành công của đợt phát hành lần này. Các NĐT cuống cuồng bỏ chạy khỏi cổ phiếu PVA vì e ngại không đủ tiền để góp vốn phát hành thêm. Thế nhưng, có một lượng cầu cực mạnh đối với PVA ở mức giá thấp, khối lượng giao dịch của PVA càng lúc càng tăng mạnh cho đến tận ngày trước khi chốt quyền.

Vào chiều trước phiên giao dịch chốt quyền, UBCK công bố thông tin PVA hủy ngày chốt quyền do không bổ sung thông tin trong hồ sơ. Lập tức PVA tăng trần 3 ngày liên tục và những cổ đông đã bán tháo PVA ngẩn ngơ!

Tiếp đó, PVA cũng như UBCK đã có những bước đi để giải thích thông tin cũng như bổ túc lại hồ sơ phát hành nhưng rõ ràng cổ đông ngoài của PVA đã thiệt hại đáng kể khi không lường trước được các bất cập về thông tin.

Qua sự việc cho thấy UBCK rất lúng túng trong lượng định khả năng ảnh hưởng của thông tin đến quyền lợi NĐT và những rủi ro tiềm tàng khi các DNNY có thể tận dụng các lỗ hổng pháp lý để làm lợi riêng cho mình.

10. DVD phá sản?

Câu chuyện nóng gần đây là về CTCP Dược Viễn Đông (HOSE: DVD). DVD là nơi hội tụ khá đầy đủ các vụ việc tiêu cực nhất của TTCK Việt Nam như làm giá cổ phiếu, lập báo cáo tài chính gian dối, sử dụng công ty để lấn lướt đối thủ, lừa đảo nhà đầu tư.

Lúc cao điểm, DVD có giá cổ phiếu lên đến 120,000 đồng. Tuy nhiện, việc thâu tóm om sòm và không thành Dược Hà Tây, một DNNY khác, khiến cho DVD lọt vào tầm ngầm của cơ quan điều tra. 

Ngày 26/11/2010, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công An đã có Thông báo số 226/ANĐT(P3) về việc bắt người đối với ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DVD, liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán. Liền sau đó, cơ quan điều tra bắt tiếp một loạt nhân sự cao cấp của DVD liên quan đến việc thao túng giá chứng khoán cũng như tiêu cực trong kinh doanh. Từ một công ty có báo cáo kinh doanh tốt đẹp, DVD hiện nguyên hình là một DN kinh doanh yếu kém chỉ chuyên xào nấu báo cáo.

DVD ngay lập tức như còn tàu mất lái, các cổ đông tháo chạy hàng loạt. Các báo cáo sau đó lộ ra những khoản thua lỗ nặng nề, công ty mất khả năng thanh toán dẫn đến việc phải bán tài sản để trả nợ nhưng vẫn không đủ. Giá DVD tụt dốc không phanh và Sở GDCK TPHCM ngày 25/8/2011 đã công bố thông tin DVD được mở thủ tục phá sản.

Mặc dù đại hội cổ đông đã thông qua phương án xin phá sản nhưng nhiều cổ đông vẫn bất ngờ vì các thông tin cụ thể hoàn toàn không được DVD công bố trong thời gian qua. Đồng thời, khi đánh giá tình trạng công nợ và tài sản của DVD, nhiều chuyên gia cho rằng tài sản của DVD nếu thanh lý hết chưa chắc đã trả nợ đủ nên khả năng trắng tay của cổ đông DVD là khó rõ ràng.

Vụ việc của DVD cho thấy TTCK non trẻ của Việt Nam rõ ràng còn rất nhiều điều cần làm để nâng cao tính hiệu quả của UBCK và các Sở Giao dịch trong giám sát các DNNY, bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông hầu tạo ra một thị trường vốn lành mạnh và một nơi đầu tư hấp dẫn đối với nguồn vốn trong dân.

Nguyên Quân

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index tăng nhẹ, nước ngoài bán IME (26/08/2011)

>   Công ty chứng khoán: Lách luật để tồn tại? (26/08/2011)

>   Ngày 26/08: MSN và VIC chiếm hơn 1/2 mức tăng của VN-Index (26/08/2011)

>   Nhà đầu tư ngóng việc miễn thuế chứng khoán được thực thi (26/08/2011)

>   Ngao ngán cổ phiếu FDI (26/08/2011)

>   Thủ đoạn lũng đoạn thông tin kiểu mới (26/08/2011)

>   26/08: Bản tin 20 giờ qua (26/08/2011)

>   DVD: Ém thông tin để “thoát” cổ phiếu từ tháng 5/2011? (25/08/2011)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ, PFV giao dịch sôi động (25/08/2011)

>   TTCK lạc quan trong sự bất ổn (25/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật