UBCK ở đâu trong vụ việc về DVD?
(Vietstock) - Cuối tuần qua, UBCK ra thông báo về việc ANZ gởi yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DVD. Nhiều cổ đông của DVD mới té ngửa rằng DVD đã xúc tiến thủ tục phá sản từ lâu.
Trong khi đó, UBCK suốt một thời gian dài không có thông tin chính thức cụ thể về vụ việc trên, ngoại trừ một vài thông báo khiển trách việc chậm nộp báo cáo cũng như thông báo chiếu lệ về việc hàng loạt cổ đông lớn của CTCP Dược Viễn Đông (HOSE: DVD) bán sạch cổ phiếu.
Hãy cùng trở lại một năm về trước, khi mà ông Lê Văn Dũng, CTHĐQT của DVD, chưa bị bắt, chúng ta có thể thấy rằng DVD đã vi phạm nhiều lần về công bố thông tin và hoạt động, gây ra nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư (NĐT).
Trước hết là vụ thâu tóm DHT (sau này khiến cho Cơ quan điều tra vào cuộc dẫn đến việc bắt giữ ông Lê Văn Dũng và các lãnh đạo cao cấp của DVD về tội làm giá). Cụ thể, DVD đăng ký mua 218,086 cp của CTCP Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT), nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 1,018,600 cp (tương đương với 24.71% trên tổng số vốn điều lệ) lên 1,236,686 cp. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/6/2010 đến ngày 5/7/2010.
Đến tháng 10, sau kiến nghị của DHT thì UBCK mới có công văn phúc đáp DHT về việc DVD vi phạm quy định về chào mua công khai. Xin lưu ý kỹ ở đây ở là UBCK không thông tin trực tiếp đến NĐT, là những người cần biết nhất điều đó để xác định tính minh bạch của các doanh nghiệp và diễn biến giá cổ phiếu liên quan.
Tiếp theo là vấn đề phát hành thêm cổ phiếu của DVD:
- Ngày 27/8/2010, Sở GDCK TPHCM (HOSE) thông báo ngày 8/9 là ngày GDKHQ mua cổ phiếu phát hành thêm cổ phiếu DVD.
- Ngày 7/9/2010, UBCKNN ra thông báo tạm ngừng đợt chào bán của DVD với lý do DVD công bố thông tin sai trong bản cáo bạch.
- Ngày 8/9/2010, giá cổ phiếu DVD vẫn điều chỉnh giảm kỹ thuật, việc chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm tỷ lệ 100:55 vẫn được thực hiện.
- Ngày 10/9/2010, UBCKNN có công văn chấp thuận cho DVD tiếp tục thực hiện đợt chào bán cổ phiếu do DVD đã giải trình thông tin sai trong bản cáo bạch.
- Ngày 19/11/2010, UBCKNN thông báo chưa công nhận kết quả đợt chào bán như trên.
Lần này thiệt hại đã thực sự xảy ra cho NĐT, trong đó lỗi không ít thuộc về UBCK do lúng túng và không hành xử dứt khoát. Cho dù sau đó DVD công bố trả lại tiền cho cổ đông đã nộp tiền phát hành thêm, nhưng thị giá của DVD đã bị điều chỉnh vào ngày chốt quyền và những người nắm giữ DVD trước ngày chốt quyền đã mất đi hơn 500 tỷ đồng vốn hóa!
Lỗi này có thể không thuộc về ai cả?! Vì cơ chế giao dịch hiện tại là có biên độ. Vì vậy mới nảy sinh ra giá tham chiếu, từ đó dẫn đến điều chỉnh giá vào ngày chốt quyền. Nhưng rõ ràng, đây là bài học rất đắt cho việc thẩm định và quản lý phát hành của cơ quan quản lý “chợ” chứng khoán này.
Hơn nữa, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi là việc cho phép DVD tiếp tục phát hành và sau đó là điều chỉnh giá trong khi hồ sơ phát hành chưa đủ căn cứ pháp lý là trách nhiệm thuộc về ai?
Cuối cùng là câu chuyện thông tin và báo cáo của DVD trong 6 tháng qua. Phải nói thẳng rằng, 6 tháng qua DVD không báo cáo gì cả và UBCK cũng không có biện pháp xử lý ngoại trừ vài lần nhắc nhở hay khiến trách về việc chậm nộp báo cáo.
Phải chăng UBCK cho rằng UBCK chỉ có nhiệm vụ đăng lên website của mình thông tin mà doanh nghiệp cung cấp chứ không có trách nhiệm gì trong việc bảo đảm cho thông tin được cập nhật một cách thường xuyên, tích cực đến NĐT. Ngẫm ta rồi lại trông người, Cavico bị hủy niêm yết ở sàn giao dịch Nasdag vì chậm nộp báo cáo kinh doanh năm 2010 (trước đó bị cảnh cáo do thị giá nằm dưới 1 U trong thời gian dài). Vậy cây quyền trượng của UBCK hiện đang cất ở đâu, trong khi hàng trăm doanh nghiệp chậm nộp báo cáo, hàng chục doanh nghiệp chơi trò ú tim báo cáo và DVD không nộp báo cáo từ cuối năm ngoái đến nay.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi là có phải DVD đã cố tình “ỉm” báo cáo và các thông tin liên quan đến quá trình phá sản doanh nghiệp hầu giúp các đại cổ đông có thời gian thoát hàng và giao lại mớ cổ phiếu gần như là giấy lộn cho những NĐT đến sau và không rõ thông tin. Liệu có phải sự quan liêu của UBCK đã tiếp tay cho việc này, gây thiệt hại cho các cổ đông nhỏ vốn không có đủ nguồn lực để tìm kiếm thông tin từ gốc và phải trông mong vào nhà quản lý thị trường để có được thông tin chính thống?
Việc phá sản của DVD được nhiều người xem là một sự tất yếu khi Ban lãnh đạo lao vào canh bạc lũng đoạn giá chứng khoán cũng như làm ăn gian dối. Nhưng liệu cái tất yếu đó sẽ được làm giảm nhẹ nếu UBCK mẫn cán và nhiệt tình hơn chăng?
NĐT đang mong chờ sự phản hồi đầy trách nhiệm từ UBCK để có thể tin tưởng rằng những vụ việc như DVD sẽ được kiểm soát tốt nhằm bảo vệ quyền lợi cho NĐT trong tương lai.
Nguyên Quân
|