Thứ Ba, 12/07/2011 10:40

Sự chuyển hướng của dòng vốn ngoại

Bên lề cuộc họp thường kỳ mới đây của các quỹ đầu tư tại Hà Nội, thua lỗ của các quỹ đầu tư tài chính được nêu ra như một sự thất bại tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư lớn thì cơ hội vẫn còn và họ hướng đến các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam khi hình thức hợp tác công tư (PPP) tới đây được chính thức hóa. Lợi thế của loại hình này là tạo ra thu nhập và mức tăng trưởng ổn định, có thể dự đoán trước được và thường có sự quan tâm của cơ quan quản lý.

Ông Vũ Quý Hà, Phó tổng giám đốc Tổng công ty XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, gần đây các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới hình thức PPP, Tổng công ty đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản mong muốn phối hợp thực hiện các dự án hạ tầng tại Việt Nam.

Nhu cầu gọi vốn của Việt Nam cho lĩnh vực này rất lớn. Theo ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, hệ thống kết cấu hạ tầng Việt Nam còn lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực, nhất là trong các lĩnh vực như giao thông, hệ thống cảng biển, cảng hàng không, cung cấp điện, cấp và thoát nước đô thị.

Nhu cầu đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam từ nay đến năm 2020 cần khoảng 150-160 tỷ USD, như vậy mỗi năm cần lượng vốn đầu tư khoảng 15-16 tỷ USD. Với khả năng huy động vốn như hiện nay, các nguồn vốn nhà nước truyền thống như ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, ODA, trái phiếu chính phủ cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu đầu tư. Điều này có nghĩa 50% vốn đầu tư còn lại phải được huy động từ các thành phần kinh tế khác, kể cả trong và nước ngoài. Hình thức PPP được quan tâm bởi việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh.

Theo ông Brad Kim, Phó chủ tịch cấp cao khối  cơ sở hạ tầng  Macquarie Capital Advisors, các nhà đầu tư quan tâm tới các dự án cơ sở hạ tầng bởi dòng tiền tương đối dễ ước tính trước, mức độ rủi ro và biến động thấp. Hiện nay, sự khác biệt giữa số vốn đầu tư thực tế yêu cầu và mức chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng bị giảm bớt đã mở ra các cơ hội cho hoạt động đầu tư trong lĩnh vực của khối tư nhân. Tại các nước trong khu vực, các tổ chức tư nhân đang tham gia vào việc thiết kế, xây dựng, đầu tư và bảo trì các tài sản cơ sở hạ tầng cùng với các cơ quan chính phủ. Lĩnh vực này thu hút các nhà đầu tư đến từ quỹ đầu tư chính phủ, quỹ hưu trí, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty gia đình, các quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ đầu tư cổ phần chưa niêm yết.

Đề cập đến nhu cầu đầu tư, ông Kenny Low, Phó giám đốc Quỹ cơ sở hạ tầng, VinaCapital, cho biết, chủ trương của Chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước trong việc thoái vốn, cổ phần hóa các tài sản nhà nước không cần nắm giữ vốn đã tạo ra các cơ hội cho khu vực tư nhân có thể tham gia các khoản đầu tư chiến lược vào loại hình tài sản hạ tầng. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cao đã tạo ra cơ hội để nhà đầu tư bỏ vốn vào các công ty, dự án cần nguồn vốn rẻ hơn từ các nguồn khác ngoài các ngân hàng thương mại. "Giá trị tài sản tại Việt Nam hiện đang ở chu kỳ thấp so với các nước khác ở châu Á là cơ hội để mua vào một cách có chọn lọc", ông Kenny Low chia sẻ.

Nhu cầu lớn như vậy, các nhà đầu tư thì vẫn tìm cơ hội bỏ vốn, song tại sao các dự án tại Việt Nam vẫn chưa thể tăng sức hấp dẫn? Một trong những rào cản được hầu hết nhà đầu tư lo ngại là việc tiền đồng tiếp tục giảm giá làm cho việc thanh toán các khoản nợ trở nên nặng nề hơn. Từ kinh nghiệm thực tế của mình, ông Kenny Low cho rằng, có 3 yếu tố nữa quyết định đến việc thành công của dự án: khung pháp lý và chính sách phù hợp; đối tác tốt, các cổ đông có chung một mối quan tâm; dự án được thẩm định kỹ lưỡng và phù hợp bởi các chuyên gia có năng lực. VinaCapital dẫn chứng 2 khoản mục đầu tư thất bại của mình để chứng minh cho quan điểm đó: Công ty cầu Phú Mỹ với vốn điều lệ 745 tỷ đồng, trong đó quỹ đầu tư này nắm giữ 12% cổ phần và Công ty Vietstar với vốn điều lệ 287 tỷ đồng, trong đó Quỹ nắm 34% vốn. Tại dự án Phú Mỹ, do thiếu sự phối hợp từ các đối tác là chính quyền thành phố nên từ khi hoàn tất vào tháng 9/2009, lưu lượng giao thông qua cầu chỉ đạt 30% công suất thiết kế. Còn dự án xử lý rác thải Vietstar hoạt động kém hiệu quả do thiếu kinh nghiệm chuyên môn vững về thiết kế và xây dựng nhà máy lại không được thẩm định kỹ lưỡng bởi chuyên gia có năng lực.

Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Có 20% vốn mới được bảo lãnh phát hành trái phiếu (09/07/2011)

>   Giải thưởng Báo cáo thường niên: Làm sao để đạt (08/07/2011)

>   Khi báo cáo phân tích biến thành “vũ khí” (08/07/2011)

>   Thanh tra UBCK đã phạt hơn 17 tỷ đồng sai phạm từ 2006-2010 (04/07/2011)

>   CLB Phân tích Kỹ thuật: Đọc Tâm lý Thị trường thông qua Sóng và Khối lượng giao dịch (06/07/2011)

>   Cổ phiếu ưu đãi có còn "ưu"? (28/06/2011)

>   CLB Phân tích kỹ thuật: “Tương kế, tựu kế” trong đầu tư chứng khoán (27/06/2011)

>   Điện thoại trên tay, cập nhật ngay Chứng khoán với VinaPhone (24/06/2011)

>   Chứng khoán vỡ, đại gia thi nhau vào … viện tâm thần (24/06/2011)

>   Vay tiền chứng khoán, vô vàn cách lách luật (23/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật