Cổ phiếu ưu đãi có còn "ưu"?
Ít ai ngờ khi thị trường suy giảm mạnh như trong giai đoạn 2008-2009 và 2010-2011, thị giá cổ phiếu có thể giảm từ 50-70%. Một số cổ phiếu hiện nay thị giá thấp hơn giá phát hành cho nhân viên (giá ưu đãi), trong khi thời hạn được phép chuyển nhượng cổ phiếu ưu đãi vẫn chưa đến...
Ưu đãi cũng... lỗ
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, các công ty đại chúng thường phát hành cổ phiếu cho cán bộ và nhân viên chủ chốt với giá được gọi là “ưu đãi” nhằm động viên tinh thần làm việc và sự gắn bó tận tụy của đội ngũ cán bộ, nhân viên chủ chốt.
Cách phát hành thường là ấn định ở một mức giá cố định nào đó như thấp hơn giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm phát hành 40-50%, hoặc có thể một tỉ lệ khác mà công ty cho là hợp lý, hoặc có thể bằng giá trị sổ sách hoặc bằng mệnh giá.
Tại thời điểm phát hành, thông thường thị giá cổ phiếu đều cao hơn giá phát hành từ gấp rưỡi hoặc gấp đôi trở lên. Công ty và nhân viên được mua cổ phiếu đều cảm thấy giá phát hành như vậy là hợp lý và an toàn. Thông thường, một điều kiện mà tổ chức phát hành thường đặt ra với nhân viên chủ chốt được mua cổ phiếu “ưu đãi” là họ chỉ được phép chuyển nhượng sau một khoảng thời gian nhất định, thường là từ 6 tháng đến 2 năm. Nếu nhân viên nghỉ việc trước thời gian quy định, công ty sẽ mua lại toàn bộ số cổ phiếu đó với giá bằng giá phát hành.
Phát hành quyền chọn mua cổ phiếu đảm bảo cho nhân viên quyền được quyết định mua hay không mua cổ phiếu với mức giá đã ấn định sẵn tùy thuộc vào diễn biến của thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Nhưng cũng ít ai ngờ khi thị trường suy giảm mạnh như trong giai đoạn 2008-2009 và 2010-2011, thị giá cổ phiếu có thể giảm từ 50-70%. Một số cổ phiếu hiện nay thị giá thấp hơn giá phát hành cho nhân viên, trong khi đó thời hạn được phép chuyển nhượng cổ phiếu ưu đãi vẫn chưa đến. Điều này sẽ làm tính “ưu đãi” của cách thức phát hành này không phát huy tác dụng.
Trong một số trường hợp lại gây tâm lý lo lắng, chán nản trong một bộ phận nhân viên được phát hành trước khả năng có thể bị thua lỗ.
Một số ví dụ sau để thấy tính bất hợp lý “ưu đãi” của cách phát hành này: ngày 20-8-2010, REE phát hành 8 triệu cổ phiếu “ưu đãi” cho nhân viên chủ chốt với giá 12.000 đồng, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 24 tháng, tuy nhiên tới ngày 24-6-2011, giá cổ phiếu của REE chỉ còn 11.600 đồng. Tháng 7-2010, STB phát hành khoảng 13,5 triệu cổ phiếu “ưu đãi” cho nhân viên chủ chốt với giá 12.000 đồng, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm, nhưng tới ngày 24-6-2011, giá cổ phiếu STB chỉ nằm ở mức 12.000 đồng.
Trường hợp phát hành của VCB cho cán bộ công nhân viên với mức giá khoảng 64.000 đồng vào năm 2007 đã trở thành một "ác mộng" không thể nào quên vì sau khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) với giá bình quân là 107.000 đồng, VCB đã tụt dốc một mạch trong vòng một năm về mức giá gần 30.000 đồng/cổ phiếu, những cán bộ, nhân viên nào của VCB không kịp bán ra cổ phiếu sẽ bị thua lỗ nặng.
Nên phát hành quyền chọn mua
Như vậy, cách thức phát hành cổ phiếu được gọi là “ưu đãi’ cho cán bộ, nhân viên có thể gây tác dụng “ngược đãi”. Một cách khác mà các nước trên thế giới thường hay dùng là phát hành quyền chọn mua cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên chủ chốt.
Trong thời gian hiệu lực của quyền chọn, các nhân viên có thể được quyền lựa chọn mua một số lượng cổ phiếu thường với một mức giá đã ấn định sẵn. Phát hành quyền chọn mua cổ phiếu đảm bảo cho nhân viên quyền được quyết định mua hay không mua cổ phiếu với mức giá đã ấn định sẵn tùy thuộc vào diễn biến của thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Các công ty niêm yết ở Việt Nam có thể xem xét sử dụng cách làm này để phát hành cổ phiếu “ưu đãi” cho nhân viên nhằm đảm bảo lợi ích cho nhân viên, tránh những trường hợp thị giá cổ phiếu giảm thấp hơn hoặc không chênh lệch bao nhiêu so với giá phát hành, và cũng tránh trường hợp “ưu đãi” cho cán bộ nhân viên trở thành “ngược đãi”.
Thạc sĩ Lê Văn Thành, Công ty đào tạo đầu tư FST
Tuổi Trẻ
|