Áp lực truyền thông trong thị trường giá xuống
Trong điều kiện bình thường, các vấn đề kinh tế đã rất trừu tượng. Khi bối cảnh vĩ mô xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp như hiện nay, áp lực đối với các cây viết tài chính - chứng khoán còn lớn hơn…
Đuổi bắt thông tin
Không cần tinh ý, giới đầu tư cũng có thể nhận ra hiện nay nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên công bố thông tin hoạt động đều đặn nhất. Rất đơn giản, nhóm DN này đang có kết quả kinh doanh tốt nên rất hào hứng, cởi mở với báo giới và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện có khá nhiều DN chỉ công bố thông tin ra thị trường một cách chiếu lệ, không đều đặn và nếu có thường chỉ là các thông tin: động thổ, khánh thành dự án, ký kết hợp đồng... Lý do thì có khá nhiều. Một phần do các khó khăn từ môi trường kinh doanh khiến hiệu quả hoạt động giảm xuống nên DN ngần ngại minh bạch. Cũng có DN kết quả kinh doanh tốt nhưng thấy thị trường quá xấu, tin tốt "bự" cỡ nào cũng không thể ngăn đà suy giảm của cổ phiếu. Họ chọn giải pháp im lặng.
Trong thị trường đi xuống, DN thua lỗ hay gặp khó khăn, cánh cửa thông tin thực sự đóng lại với báo giới và các cổ đông. Cách đây chừng năm rưỡi, khi hoạt động tốt, một DN ngành tôn mạ vào đầu tháng đều đặn gửi kết quả kinh doanh ước tính cho tới cho báo đài và các quỹ đầu tư. Có lúc sự mẫn cán này đã trở thành giai thoại khi các email được gửi vào lúc nửa đêm. Thế nhưng, gần đây khi hoạt động kinh doanh xuống dốc thì DN chỉ còn công bố các thông tin mang tính bắt buộc. Tệ hơn, trong ĐHCĐ bất thường mới đây, các cổ đông nhỏ dù muốn chất vấn về nhiều vấn đề nhưng bị chủ tịch HĐQT công ty gạt phắt. Lý do là thời gian đại hội rất eo hẹp nên ưu tiên cho các cổ đông lớn (!)
"Tốt đẹp khoe ra, xấu xa che lại" là điều khá bình thường xét trên khía cạnh tâm lý Á Đông. Nhưng trong một thị trường xuống giá như hiện nay, hơn lúc nào hết, các cổ đông cần những thông tin hỗ trợ từ DN. Trong trường hợp thiếu thông tin, cổ đông có thể chọn giải pháp tiêu cực là bán tháo cổ phiếu dù không có lý do thực sự chính đáng. Trên hai sàn hiện nay, gần 40% cổ phiếu có giá dưới mệnh giá với rất nhiều nghịch lý như công ty vẫn đang làm ăn tốt, trả cổ tức/thị giá cao hơn tiền gửi ngân hàng, tiền mặt hay tài sản cao hơn nhiều vốn hóa công ty… Lý do thị trường rẻ rúng chủ yếu là thiếu thông tin. Bình thường vẫn có thể tồn tại một khoảng cách khi báo giới muốn khai thác tối đa thông tin để truyền thông ra thị trường, nhưng DN e ngại minh bạch hoàn toàn (vì yếu tố cạnh tranh). Một lý do khác là vô tình báo giới có các thông tin sai hay diễn giải chưa đúng về hoạt động khiến DN muốn né tránh. Khi thị trường đi xuống, DN càng có lý do để dựng lên rào cản.
Sự cân bằng
Bản thân các cây bút viết về chứng khoán đều ít nhiều tham gia đầu tư, chủ yếu là để tiếp xúc trực tiếp với hơi thở thị trường. Thế nhưng, đây đó vẫn xuất hiện các tin tức hay bài viết thể hiện kỳ vọng của nhà báo trong vai trò một NĐT: thông tin xoáy sâu vào một DN nhiều lần, hay các thông tin có ý đồ dẫn dắt xuất hiện không bình thường.
Tuy nhiên, không phải bài viết có vẻ "có sạn" nào cũng nhằm trục lợi từ thị trường. Tại một số thời điểm u ám, khi thị trường lao dốc mạnh vì lực bán giải chấp, vẫn xuất hiện các bài viết mang tính lạc quan hay cảnh báo thị trường tăng nóng. Điều này có lý do. Cách đây chưa lâu, TTCK đỏ rực do áp lực giải chấp, bằng nghiệp vụ và mối quan hệ của mình, nhà báo có thể ước lượng gần đúng lực bán kỹ thuật tại các CTCK lớn. Tuy nhiên, nếu công bố sự thật trong trường hợp này chỉ làm chứng khoán lao dốc nhanh hơn. Vì vậy, sẽ lý tưởng khi có các bài viết dự báo từ rất xa, trước khi sự việc xảy ra. Và khi sự việc đã trở nên tồi tệ thì thay vì nhấn mạnh đến sự đã rồi (không khác đổ thêm dầu vào lửa), thị trường cần các thông tin hỗ trợ hay góc nhìn tươi sáng một cách có cơ sở. Đây là cách xử lý thông tin cân bằng nhưng không phải bao giờ cũng được thị trường hiểu đúng mục đích.
Năng lực thử thách
Không ít bài viết bị NĐT buộc tội đẩy thị trường ra khỏi quỹ đạo thực của nó. Chẳng hạn, khi VN-Index vừa chớm phục hồi sau một quá trình rớt mạnh, đã xuất hiện ngay các cảnh báo về một bẫy tăng giá. Trong nhiều trường hợp, người viết đã thực sự sai lầm và một số NĐT tin tưởng phải trả giá bằng tiền bạc thật. Đó là sai lầm thuộc về năng lực và giới đầu tư có lý do để phàn nàn.
Chứng khoán nói riêng và truyền thông tài chính nói chung là một lĩnh vực chuyên ngành khá hẹp, đòi hỏi kiến thức và trải nghiệm của người viết. Do sự cạnh tranh và cả nhu cầu nhận biết thông tin sớm, nên truyền thông tài chính luôn gặp khó khăn khi đưa tin kịp thời gắn với bình luận có chiều sâu. Trong một thị trường biến động, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm và quy định mới, người viết luôn gặp áp lực về năng lực khi tiếp cận những vấn đề mới. Đây là thử thách không nhỏ với giới truyền thông tài chính.
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán
|