Chứng khoán- đã có tia hy vọng
Trong bối cảnh lạm phát cao, kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động khó lường, việc lựa chọn một kênh đầu tư an toàn và hứa hẹn mang lại lợi nhuận đang làm đau đầu các nhà đầu tư.
Gửi tiết kiệm- kênh an toàn
Trong bối cảnh hiện tại, khi lạm phát luôn đứng ở mức cao, việc để tiền mặt “nằm im” cũng đồng nghĩa với việc thua lỗ. Vì thế, không ít người không có khả năng đầu tư hoặc những nhà đầu tư chọn giải pháp an toàn đang tìm tới giải pháp gửi tiền tiết kiệm. Với lãi suất phổ biến hiện tại ở mức 14%/năm, tỷ suất lợi nhuận của kênh này đang không quá tồi.
Tuy nhiên, nếu đem mức lãi suất tiết kiệm so sánh với mức tăng của lạm phát thì cơ bản, giá trị đồng tiền không thay đổi đáng kể. Thậm chí, nếu so với lương thực, thực phẩm- những hàng hóa không thể thiếu phục vụ cho cuộc sống- lãi suất thực âm.
Vì thế, kênh gửi tiết kiệm hiện chỉ có tác dụng đáng kể trong việc bảo toàn “tương đối” giá trị tiền đồng và gần như không mang lại lợi nhuận cho người gửi.
Vàng hay USD?
Việc giao dịch USD trên thị trường tự do đã bị kiểm soát. Việc mua USD tại ngân hàng vô cùng khó khăn. Do đó, đầu tư vào USD ở thời điểm hiện tại là việc không dễ. Hơn nữa, nguồn cung USD đang tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất đầu vào USD chỉ còn ở mức tối đa 3%/năm. Quy định ấy khiến việc gửi USD không còn hấp dẫn và đã có không ít nhà đầu tư bán USD để gửi VND.
Hơn nữa, khi nguồn cung USD tăng mạnh, giá USD trên thị trường chợ đen giảm mạnh. Thậm chí, đã có lúc thấp hơn cả tỷ giá liên ngân hàng.
Trong bối cảnh ấy, thị trường ngoại hối khó có thể xuất hiện “sóng” và kênh đầu tư USD không còn mang lại lợi nhuận đáng kể.
Đối với vàng, dù cũng nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước, nhưng vẫn “dễ thở” hơn USD. Hơn nữa, theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4-2011, những giải pháp về kiểm soát vàng miếng được ban hành cụ thể. Như vậy, các nhà đầu tư có thể yên tâm vì các giải pháp kiểm soát vàng miếng đó sẽ được đặt ra trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân, cũng như trên nguyên tắc tôn trọng thị trường.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng trong nước tương đương, thậm chí có những lúc thấp hơn giá vàng thế giới. Nguyên nhân chính là do sự nghi ngại của nhà đầu tư đối với thị trường này. Vì thế, khi những nghi ngại đó được cởi bỏ, thị trường vàng sẽ nổi sóng. Tuy nhiên, “sóng” ấy sẽ khó có thể lớn. Bởi lẽ, vàng vẫn là mặt hàng chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Khi thị trường này xảy ra nguy cơ biến động lớn, Chính phủ, mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước sẽ “ra tay” can thiệp mạnh.
Ngoài ra, đầu tư vàng tại giai đoạn này mang lại lợi nhuận chưa chắc cao hơn tiết kiệm. Thậm chí, còn phải chịu rủi ro đáng kể khi thị trường vàng thế giới “quay đầu”- điều được các chuyên gia vàng thế giới dự báo sẽ xảy ra trong tháng 5 hoặc tháng 6/2011.
Chứng khoán- đã có tia hy vọng
Thị trường chứng khoán đang đối mặt với rủi ro thanh khoản cực lớn. Liên tục nhiều phiên vừa qua, giá trị giao dịch trên cả hai sàn không nổi 1000 tỷ đồng/phiên. Thậm chí, có phiên chỉ còn khoảng 600-700 tỷ đồng.
Nguyên nhân đến từ những bất ổn định vĩ mô và đặc biệt là lạm phát. Lạm phát vốn được coi là “kẻ thù” của chứng khoán. Trong khi đó, dù mới chỉ đi qua 4 tháng, mức lạm phát đã tăng vượt chỉ tiêu 7% của Quốc hội đề ra cho cả năm và đang tiệm cận mức hai con số.
Tuy nhiên, “đỉnh của lạm phát là đáy của chứng khoán”, sau mức lạm phạm cao của tháng 4, dự báo, tốc độ tăng của lạm phát sẽ giảm dần trong những tháng tiếp theo. Vì thế, cuối quý II, đầu quý III, thị trường chứng khoán có thể sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nhưng chưa thể xảy ra “sóng” lớn.
Đầu tư vào thị trường chứng khoán ở giai đoạn này cũng khá sáng sủa nhưng phải nhìn ở dài hạn. Hơn nữa, với dự báo thị trường chưa đến giai đoạn hồi phục mạnh mẽ, nhà đầu tư nên “túc tắc” mua vào và luôn giữ tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu ở mức hợp lý. Đặc biệt, tối kỵ sử dụng đòn bẩy tài chính.
Bất động sản- hứa hẹn phục hồi
Thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang ở hai giai đoạn khác nhau. Có quá nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường này ở Hà Nội đang chuẩn bị cho một giai đoạn bão hòa. Nguồn cung, đặc biệt là phân khúc chung cư, đã trở nên bão hòa. Phân khúc đất nền đã đạt đỉnh quá cao và khó có thể cao hơn. Đặc điểm này khá giống với thị trường BĐS Thành phố Hồ Chí Minh cách đây khoảng 3 năm.
Ngược với Hà Nội, thị trường BĐS khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn mới.
Sau khoảng 3 năm chìm lắng, đã có một số dấu hiệu cho thấy một cuộc đua mới chuẩn bị khởi động. Đó là việc đất nền tại khu vực quận 2, quận 9 và một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương đang nhúc nhắc tăng.
Cơ sở để dự báo cho sự phục hồi của thị trường BĐS khu vực thành phố Hồ Chí Minh, trước hết, là giá. So với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được coi là đầu tầu lớn nhất của nền kinh tế, nhưng giá BĐS vẫn thấp hơn rất nhiều. Vì thế, trên thực tế, khu vực này đã và đang chứng kiến một làn sóng đầu tư của các nhà làm BĐS phía Bắc.
Cơ sở thứ hai là tính chu kỳ của thị trường BĐS. Thông thường, một giai đoạn “nóng” hay “lạnh” của thị trường BĐS kéo dài 5-10 năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chu kỳ này càng ngày càng có xu hướng ngắn, trung bình chỉ còn khoảng 2-3 năm. Thị trường BĐS khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã trầm lắng khoảng 3 năm, đủ thời gian để hết chu kỳ “lạnh” nên rất có thể sẽ chuyển đổi sang chu kỳ tích cực hơn.
Huy Đăng
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
|