Miễn thuế cho nhà đầu tư chứng khoán: “Chưa công bằng”
Nhiều điểm được cho là thiếu công bằng, chưa hợp lý, khó khả thi… tại đề xuất miễn, giảm thuế của Chính phủ đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ rõ.
Buổi họp đầu tiên của phiên họp thứ 42 vào sáng nay (13/7) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về việc miễn giảm thuế trong năm 2011.
Trước đó, nội dung này đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẩm tra, với không ít quan ngại về tính khả thi. Mặc dù, cơ quan này tán thành với Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét thông qua một số giải pháp miễn, giảm thuế để góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, giảm bớt khó khăn cho người lao động.
Không thể miễn toàn bộ
Theo đề xuất của Chính phủ thì sẽ miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân (không thu thuế 20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng) từ 1/8 năm nay đến hết năm 2012.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trường hợp thật cần thiết thì có thể giảm thuế với một tỷ lệ nhất định mà không miễn toàn bộ vì: chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Mà đã là kinh doanh thì về nguyên tắc, khi có lợi nhuận phải nộp thuế trên lợi nhuận thu được.
“Do vậy, việc miễn toàn bộ thuế là chưa công bằng với nhiều lĩnh vực khác”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo phân tích của cơ quan thẩm tra thì, tại thời điểm hiện nay lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tuy có giảm so với các năm trước đây, song thuế thu nhập cá nhân đánh theo tỷ lệ % nên cơ bản vẫn bảo đảm tính công bằng, hợp lý (lợi nhuận nhiều thì nộp thuế nhiều, lợi nhuận ít thì nộp thuế ít, không có lợi nhuận thì không nộp).
Cũng liên quan đến hoạt động đầu tư chứng khoán, Chính phủ đề nghị sẽ miễn thuế đối với cổ tức được chia từ đầu tư vào thị trường chứng khoán và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư vốn trực tiếp vào kinh doanh, bảo đảm bình đẳng với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm.
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình thì vẫn còn một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc vì không nên coi lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư chứng khoán tương tự như lãi tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Vì đầu tư chứng khoán là hoạt động kinh doanh tài chính trực tiếp, mức lợi nhuận dựa trên hiệu quả kinh doanh và việc biến động về lợi nhuận là điều bình thường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Còn đối tượng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng chủ yếu là người lao động, cán bộ về hưu, những người ít có khả năng kinh doanh trực tiếp gửi tiền tiết kiệm cũng chỉ nhằm có một chút lợi tức và giữ được giá trị tiền gửi.
Miễn thuế thu nhập từ tiền lương: Quá ít
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng cuối năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh của các cá nhân có thu nhập đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1.
Không ít ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc này vì chỉ “mang tính động viên”, sức lan tỏa của chính sách không lớn, chưa bảo đảm tính công bằng, không giúp nhiều cho các cá nhân vượt qua khó khăn vì mức thuế được miễn quá ít.
Với đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đưa ra nhiều quan ngại. Vì mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nêu tại tờ trình của Chính phủ khó có thể đạt được.
Bởi việc hỗ trợ thuế không giải quyết được tận gốc khó khăn của doanh nghiệp vì vấn đề lớn nhất hiện nay doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu vốn và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và mức lãi suất vay quá cao.
Mặt khác, mức thuế miễn, giảm không lớn và phần lớn các doanh nghiệp đang khó khăn cần sự hỗ trợ lại là các doanh nghiệp không có thu nhập và khi đã không có thu nhập chịu thuế thì doanh nghiệp không thuộc diện được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo nội dung tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị chỉ xem xét miễn thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (236.500 doanh nghiệp), không miễn đối với toàn bộ doanh nghiệp thuộc diện gia hạn nộp thuế vì các doanh nghiệp thuộc diện phải nộp thuế là các doanh nghiệp làm ăn có lãi, có thu nhập.
"Việc vừa giãn thuế vừa giảm thuế trên diện rộng sẽ tạo tiền lệ không tốt trong thực hiện pháp luật. Mặt khác, nếu miễn toàn bộ cho số doanh nghiệp này thì hụt thu lên tới 3.700 tỷ đồng", ông Hiển phân tích.
Khó khả thi
Nằm trong đề xuất giảm thuế của Chính phủ còn có các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhà trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê; hộ, cá nhân trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện cam kết giữ ổn định mức giá cho thuê, mức giá trông, giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010.
Tán thành về nguyên tắc việc giảm 50% mức thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân từ quý 3/ 2011 đến hết năm 2011 đối với các đối tượng này, song cơ quan thẩm tra cũng đề nghị có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và quy định các chế tài đủ mạnh để chính sách hỗ trợ này đến được với người lao động, học sinh, sinh viên.
Một số ý kiến tỏ ra lo ngại khi nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ trên đã tăng giá từ đầu năm 2011 nên việc xem xét đủ điều kiện hay không đủ điều kiện (giữ giá dịch vụ như cuối năm 2010) là khó khả thi.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ gián tiếp người gặp khó khăn thông qua giảm thuế cho doanh nghiệp khó có thể mang lại lợi ích cho người gặp khó khăn vì không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, trong khi ngân sách lại giảm thu.
Hơn nữa, hiện nay mức thu thuế khoán mang tính tương đối và mức thu khá thấp. Việc miễn cho các đối tượng khoán thuế là không hợp lý. Trong khi đó, nếu thực hiện giảm 50% thuế khoán sẽ hụt thu 900 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc miễn, giảm thuế tại thời điểm hiện nay cho một số đối tượng sẽ khó bảo đảm tính khả thi, thiếu chặt chẽ trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực và gây nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Và việc miễn, giảm với số lượng như dự kiến chỉ bằng 1/10 số miễn, giảm, giãn của năm 2009; số tiền giãn thuế chỉ bằng 1/3 so với số giãn năm 2009 nên sức lan tỏa của chính sách không cao nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách Nhà nước.
“Trong bối cảnh khai thác nguồn thu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc hụt thu lớn là điều đáng lo ngại và cần được cân nhắc, nhất là khi Chính phủ chưa có phương án bù đắp cụ thể” báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Nguyên Thảo
tbktvn
|