Thứ Bảy, 02/07/2011 11:02

Giao dịch ký quỹ: Cần ba yếu tố cơ bản

Trong điều kiện của thị trường Việt Nam, một cơ chế giao dịch ký quỹ hiệu quả cần thực hiện được ba yếu tố: (i) ký quỹ bảo đảm giao dịch mua bằng chứng khoán, (ii) cho vay chứng khoán và (iii) công ty tài chính chứng khoán.

Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực  HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE).

Ký quỹ bảo đảm giao dịch mua bằng chứng khoán

Hiện tại, khi đặt lệnh mua chứng khoán, người đầu tư Việt Nam phải có số tiền tương đương với 100% giá trị giao dịch. Điều này gây trở ngại lớn về tiền mặt đối với người đầu tư, ngay cả khi số dư tài khoản của họ có rất nhiều loại chứng khoán khác. Thông lệ quốc tế là người đầu tư có thể dùng chính số dư chứng khoán trong tài khoản của mình để ký quỹ đảm bảo cho giao dịch. Giá trị các loại chứng khoán khác nhau sẽ được quy đổi theo giá thị trường và chiết khấu (haircut) theo những tỷ lệ khác nhau nhằm mục đích quản lý rủi ro. Đây là nền tảng thiết yếu đối với cơ chế giao dịch ký quỹ mà chúng ta đang hướng tới.

Xét về phương diện tài chính, việc cho phép ký quỹ bảo đảm bằng chứng khoán sẽ là bước tiến quan trọng trong cơ chế xác lập giá trị tài sản tài chính của chứng khoán. Điều này rất có ý nghĩa đối với người đầu tư khi đang sở hữu chứng khoán, thay vì phải có lượng tiền mặt tương đương 100% giá trị lệnh mua ngay từ ngày T, thì họ chỉ cần đảm bảo có đủ tiền để thanh toán trước thời điểm T+3. Bên cạnh đó, tỷ lệ haircut để quy đổi giá trị đối với các loại chứng khoán ký quỹ bảo đảm còn có ý nghĩa như một công cụ điều tiết thị trường của cơ quan quản lý trong từng bối cảnh thích hợp. Đồng thời, đây cũng là tiền đề gián tiếp thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và giá trị của chứng khoán niêm yết.

Ngoài ra, việc quy định tỷ lệ ký quỹ tối thiểu là 100% giá trị lệnh mua như hiện nay hay thấp hơn cũng là một công cụ điều tiết thị trường khác của cơ quan quản lý. Nhằm tăng cường năng lực quản lý rủi ro của các CTCK, cần dành cho họ sự chủ động hơn trong quan hệ với khách hàng của mình. Theo thông lệ, CTCK có thể chủ động đánh giá, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro để áp dụng điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ một cách phù hợp trên mức sàn cho phép.

Cho vay chứng khoán

Bản chất của giao dịch ký quỹ là việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong giao dịch chứng khoán. Cơ chế giao dịch ký quỹ cũng phải đảm bảo sự tương tác cung - cầu của thị trường, nghĩa là một cơ chế hai chiều: vay tiền để mua chứng khoán và vay chứng khoán để bán. Trên thực tế, tại mỗi thời điểm của thị trường, những người đầu tư khác nhau luôn có những quyết định giao dịch khác nhau. Cơ chế giao dịch ký quỹ cần tránh khuyến khích hành vi đầu cơ một chiều, mà phải tạo điều kiện cho người đầu tư áp dụng những chiến lược đầu tư đa chiều và quản lý rủi ro tự bảo vệ mình một cách hiệu quả. Điều này là hết sức quan trọng đối với sự cân bằng và tính thanh khoản của TTCK.

Công ty tài chính chứng khoán

Trước thực trạng hơn 100 CTCK với quy mô vốn, trình độ quản lý và công nghệ rất khác nhau hiện nay, việc áp dụng cơ chế giao dịch ký quỹ sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ. Để cơ chế giao dịch ký quỹ vận hành hiệu quả dưới sự quản lý giám sát có hệ thống, cần có sự hiện diện của một định chế tài chính đặc biệt đóng vai trò "nhà cái" cho các CTCK tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ (xem sơ đồ).

Đây là mô hình được áp dụng ngay từ đầu khi triển khai giao dịch ký quỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo mô hình này, người đầu tư mở tài khoản, ký quỹ ban đầu và vay tiền/chứng khoán để giao dịch. CTCK đóng vai trò trung gian cung cấp dịch vụ cho vay tiền/chứng khoán, với "nhà cái" là công ty tài chính chứng khoán. Mô hình này cho phép "nhà cái" đặt ra luật chơi đồng bộ đối với giao dịch ký quỹ, cũng như xây dựng hệ thống quản lý rủi ro và giám sát tập trung. Sự hiện diện của công ty tài chính chứng khoán không chỉ cho phép các CTCK nhỏ có thể cung cấp dịch vụ, mà ngay những CTCK lớn cũng có thể nhờ cậy như người cho vay cuối cùng khi cần.

Lê Hải Trà - Ủy viên thường trực HĐQT Sở GDCK TP. HCM

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Chính phủ đồng ý miễn thuế đầu tư chứng khoán đến hết 2012 (02/07/2011)

>   Bộ Tài chính sẽ trả lời rõ ràng về thuế VAT (01/07/2011)

>   Văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, lại lỡ hẹn 1/7 (30/06/2011)

>   CTCK chờ câu trả lời cuối cùng về thuế VAT (30/06/2011)

>   Giao dịch ký quỹ: Ai xong trước làm trước (29/06/2011)

>   Chứng khoán thoát “hạn” 30/6? (27/06/2011)

>   Chưa tăng thời gian giao dịch nếu thị trường còn bất lợi (24/06/2011)

>   Không miễn thuế đối với cổ tức của quỹ đầu tư (23/06/2011)

>   VAFI kiến nghị bỏ áp thuế GTGT với dịch vụ ứng trước (22/06/2011)

>   UBCK có thể đình chỉ margin trong 6 tháng nếu vi phạm tỷ lệ (22/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật