Thứ Hai, 27/06/2011 11:00

Chứng khoán thoát “hạn” 30/6?

Chỉ còn vài ngày nữa là qua mốc 30/6 – thời hạn để các ngân hàng thương mại hạ tỉ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất xuống 22%. Thị trường vẫn đang tỏ ra lạc quan và dường như mối lo ngại trên đã không còn.

Một lượng tiền "phi sản xuất" đã được hút về, liệu dòng vốn mới vào thị trường có đủ cân bằng?

Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng nhà nước cho biết dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất tính đến 17/6 đã giảm 9,46%, chỉ còn chiếm 16,92% tổng dư nợ. Đây là quả là thông tin đáng mừng đối với thị trường chứng khoán.

Cũng theo thông tin từ cơ quan này, đến cuối tháng 5 vẫn còn 18 ngân hàng cho vay phi sản xuất trên 22%, trong đó 9 ngân hàng có cơ cấu cho vay phi sản xuất trên 30%.

Như vậy có thể thấy các ngân hàng đã có sự chuẩn bị và không quá cập rập trong việc hạ tỉ lệ dư nợ phi sản xuất xuống. Nếu muốn thu hồi các món vay liên quan đến chứng khoán, cơ hội cũng đã có trong khoảng hai tuần cuối tháng 6 vừa qua. Thanh khoản của thị trường đủ tốt để rút ra một lượng vốn lớn, thậm chí có quan điểm cho rằng đợt hồi tháng 5 là “sóng giảm dư nợ phi sản xuất”.

Dấu hiệu tích cực nhất của đợt sóng nói trên là đã có một lượng vốn khá lớn chảy vào thị trường để thay thế nguồn vốn được rút ra. Tuy nhiên sau đó, thanh khoản của thị trường lại sụt giảm rất đáng kể. Lấy mốc từ 26/5 đến 22/6, tổng giá trị giao dịch  bình quân của cả hai sàn khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi phiên. Ba phiên giao dịch gần đây, giá trị giao dịch đã giảm hơn một nửa và đến hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Như vậy nếu nhìn nhận nhu cầu hạ tỉ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất có hiện diện trong sóng tăng vừa qua thì câu hỏi là lượng vốn thay thế có đủ để cân bằng hay không. Hệ quả của việc hạ tỉ lệ dư nợ, đi cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ một cách kiên quyết là mối lo dài hơi hơn, chứ không chỉ là sự thay đổi về tâm lý.

Thứ nhất, có khả năng đa số ngân hàng đã giảm xong tỉ lệ dư nợ và thị trường kỳ vọng sẽ không còn áp lực bán tháo nữa. Điều này chưa hẳn đúng. Mục tiêu giảm tiếp dự nợ về 16% cho tới cuối năm nay chắc chắn sẽ vẫn phải có ngân hàng chật vật tìm cách thực hiện.

Thứ hai, với hai đợt ép giảm tỉ lệ dư nợ phi sản xuất theo lộ trình, điều này đồng nghĩa với việc không thể tăng dư nợ loại này lên trong những tháng cuối năm. Như vậy không trông mong gì dòng tiền ra khỏi ngân hàng sẽ dễ dàng, nhất là vào các lĩnh vực phi sản xuất. Hạn chế này có chăng chỉ được cởi bỏ khi qua năm tài chính mới, các chỉ tiêu, hạn mức được “làm mới”.

Thứ ba, đáng ngại nhất là nếu vừa qua và tới đây, các ngân hàng tiếp tục phải hút dòng tiền phi sản xuất về, tức là một lượng vốn lớn đã bị rút ra hẳn, tức là dòng vốn bị hao hụt. Việc hút tiền về như vậy không giống với hoạt động chốt lời, cắt lỗ hay giải chấp thông thường. Nếu là giao dịch thông thường, dòng tiền vẫn nằm đâu đó trong thị trường và có cơ hội quay lại. Còn nếu bị rút ra, lượng vốn đó buộc phải nằm im chứ chưa thể quay lại thị trường ngày một ngày hai.

Như vậy, thị trường cần một lượng vốn khác bù vào để có thể tăng hoặc ít nhất là vận động tích lũy đi ngang. Khối lượng giao dịch tăng mạnh vừa qua cho thấy đã có tiền mới vào. Vấn đề còn lại là lượng vốn mới có đủ lớn để thay thế lượng vốn đã được rút ra và đẩy thị trường đi xa hơn hay không.

Thứ tư, căn cứ mức tăng trưởng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm mới khoảng 7,05% và trong đó dư nợ với VND mới là 2,72%. Nghĩa là nếu so với chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ 20% cả năm nay, dư địa còn quá nhiều. Đây là căn cứ để không ít nhà đầu tư lạc quan.

Điều đó cũng không có gì sai. Tăng trưởng tín dụng chắc chắn sẽ phải tăng trong những tháng cuối năm, khi mùa vụ sản xuất dồn dập và doanh nghiệp phải “làm bù” những quý đầu năm nếu muốn tiếp tục duy trì tăng trưởng.

Tuy nhiên, tín dụng cho sản xuất có thể tăng, nhưng tín dụng cho đầu tư, hay cụ thể hơn là dòng tiền vào thị trường chứng khoán có tăng lên như hệ quả của một sự nới lỏng tiền tệ hay không lại là chuyện khác. Định hướng chính sách ngay từ đầu năm đã là hạn chế vốn vào lĩnh vực phi sản xuất. Hàng loạt mốc thời gian cũng như chế tài ép ngân hàng vừa qua cho thấy định hướng này đang được thực thi nghiêm túc và quyết liệt.

Không khó để tiên đoán về lượng vốn cho hoạt động đòn bẩy sẽ yếu đi từ nay đến cuối năm. Hạn mức bị hạn chế, lãi suất cho vay cao khiến thị trường sẽ phải trông chờ nhiều vào vốn tự có, tức là năng lực thực sự của nhà đầu tư.

Điểm tốt là lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm. Đây là lực đỡ khá mạnh cho tâm lý thị trường lúc này. Hiệu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bộc lộ tác dụng và sẽ còn khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng tới đây giảm mạnh hơn. Dù vậy lạm phát cả năm chắc chắn sẽ vẫn rất cao. Đó là điểm khiến các tổ chức đầu tư lo ngại.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định hôm 21/6 rằng chính sách tiền tệ sẽ không có chuyện nới lỏng như cuối năm 2008, đầu năm 2009. “Kiên quyết thực hiện chính sách tiền tệ theo chỉ đạo tại Nghị quyết 11 của chính phủ. Các chính sách thắt chặt là kiên trì, không có nới lỏng như trước. Chu kỳ nới lỏng cuối năm sẽ không lặp lại”.

Quan điểm trên giúp nhà đầu tư bớt kỳ vọng về hiệu ứng của việc tung VND ra mua USD bổ sung dự trữ ngoại hối. Để thực thi chính sách thắt chặt, sẽ không có chuyện bơm tiền một cách ồ ạt mua USD và chắc chắn Ngân hàng nhà nước phải thu bớt VND về để cân bằng.

Như vậy thị trường rất trông đợi liệu khi nào lãi suất cho vay thực sự giảm xuống mức dễ thở để hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi hơn. Có lẽ cần có thời gian để lãi suất giảm rõ rệt vì tốc độ luôn chậm hơn diễn biến của CPI. Với mức lạm phát cả năm trên hai con số, khả năng lãi suất giảm xuống bao nhiêu vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Tóm lại, mốc 30/6 không có gì quan trọng – ngoại trừ yếu tố tâm lý đối với thị trường chứng khoán. Quan trọng nhất là hệ quả của chính sách đó từ nay đến cuối năm. Tín dụng có thể tăng lên, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nới lỏng tín dụng. Cụ thể hơn, dòng tiền vào thị trường chứng khoán có được bổ sung hay không mới là yếu tố quyết định.

Thiện Ý

tbktvn

Các tin tức khác

>   Chưa tăng thời gian giao dịch nếu thị trường còn bất lợi (24/06/2011)

>   Không miễn thuế đối với cổ tức của quỹ đầu tư (23/06/2011)

>   VAFI kiến nghị bỏ áp thuế GTGT với dịch vụ ứng trước (22/06/2011)

>   UBCK có thể đình chỉ margin trong 6 tháng nếu vi phạm tỷ lệ (22/06/2011)

>   Nâng điều kiện, giảm hạn mức tín dụng chứng khoán? (21/06/2011)

>   Dự thảo giao dịch ký quỹ còn lúng túng (20/06/2011)

>   Nhiều công ty chứng khoán sẽ bị thu thuế VAT (19/06/2011)

>   Cho vay kinh doanh chứng khoán sẽ bị siết chặt hơn (18/06/2011)

>   Hiểm họa từ các mối liên kết chéo (17/06/2011)

>   Hãy để nhà đầu tư và CTCK tự lo cho mình (17/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật