Thứ Hai, 20/06/2011 10:45

Dự thảo giao dịch ký quỹ còn lúng túng

Lãi suất cơ bản hiện nay là 9%/năm. Điều 17 của dự thảo Quy chế hướng dẫn mua ký quỹ chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đưa ra lấy ý kiến công luận quy định: “Lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và khách hàng, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố”. Nghĩa là lãi suất cho vay ký quỹ tối đa chỉ 13,5%/năm, thấp hơn trần lãi suất huy động 14%/năm của các ngân hàng. Liệu có khả thi?

Cho vay ký quỹ 13,5%/năm?

Dự thảo quy chế này là bước chuẩn bị cho việc thực hiện Thông tư 74 về hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán có hiệu lực từ 1-8-2011. Cho đến khi đó hoặc NHNN đã điều chỉnh lãi suất cơ bản cho phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường; hoặc lãi suất tiền đồng giảm mạnh đột ngột ngang với mức quy định của dự thảo; hoặc điều 17 sẽ được chỉnh sửa để trở nên khả thi.

Trong ba khả năng đó, khả năng thứ hai xem ra không thực tế. Phát biểu tại Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam tuần qua, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh chống lạm phát và ổn định giá trị đồng nội tệ là mục tiêu tối cao của cơ quan quản lý ngành ngân hàng không chỉ năm nay mà cả năm sau. Ông thậm chí nêu cụ thể lãi suất huy động ở mức 15-16%/năm, lãi suất cho vay 17-19%/năm là hợp lý. Chưa thể kỳ vọng giảm lãi suất khi lạm phát vẫn còn ở mức hai con số.

Với khả năng thứ nhất, SSC và cao hơn là Bộ Tài chính cần có sự họp bàn với NHNN để cơ quan này điều chỉnh lãi suất cơ bản. Cơ hội điều chỉnh lãi suất cơ bản là có, nhưng không nhiều. NHNN cả năm nay đã gần như “quên” sự tồn tại của lãi suất cơ bản, mà vận dụng khá thường xuyên một số điều khoản của Luật các Tổ chức tín dụng và Luật NHNN cho phép NHNN quyền ấn định các loại lãi suất trong trường hợp cần thiết. Thế mới có chuyện trần lãi suất huy động được đặt ra.

Nhanh nhất và dễ nhất có lẽ là khả năng thứ ba, tức chỉnh sửa điều 17. Nhưng chỉnh sửa thế nào đây? SSC có được quy định lãi suất cho vay ký quỹ? Hay áp dụng lãi suất Vibor rồi cộng thêm biên độ? (Vibor là lãi suất bình quân của các ngân hàng Việt Nam). Hay căn cứ vào lãi suất thị trường mở, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn? Những loại lãi suất này không thể có tính đại diện cao như lãi suất cơ bản, còn nâng mức 150% lên, giả sử, 200% để bằng lãi suất thị trường, là vi phạm luật Bộ luật Dân sự.

Còn nếu giữ nguyên điều 17, công ty chứng khoán sẽ lách bằng cách trên hợp đồng ghi lãi suất ký quỹ 13,5%/năm, rồi cộng thêm đủ loại phí. Lại hai loại lãi suất chân trong chân ngoài giống như phần lớn các ngân hàng đang làm với lãi suất tiết kiệm.

SSI có thể cho vay ký quỹ hơn 10.000 tỉ đồng!

Theo điều 2, khoản 3 của dự thảo, “tài trợ giao dịch ký quỹ là việc công ty chứng khoán cho khách hàng vay tiền theo một tỷ lệ nhất định để mua ký quỹ chứng khoán”. Theo điều 15, khoản 2 “tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu”. Cũng theo điều trên, khoản 3, “tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán đối với một khách hàng không vượt quá 3% vốn chủ sở hữu”.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI vào cuối năm 2010 có vốn chủ sở hữu 5.458 tỉ đồng (nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất SSI quí 4-2010). Cứ theo dự thảo, SSI có thể cho vay ký quỹ tổng cộng tới 10.916 tỉ đồng - một con số rất lớn, ngang với tổng dư nợ của một ngân hàng tầm trung. Còn mức cho vay ký quỹ đối với một khách hàng của SSI có thể tới 163,7 tỉ đồng. Đối với thể nhân, hạn mức ký quỹ như trên là quá lớn, còn với pháp nhân thì lại quá nhỏ.

Có thể khi đưa ra tổng dư nợ cho vay ký quỹ, SSC đã nhìn vào vốn chủ sở hữu bình quân của một công ty chứng khoán, trong khi lại bỏ qua sự chênh lệch vốn chủ sở hữu giữa các công ty cũng như tổng vốn chủ sở hữu của cả 105 đơn vị. Đúng là trên thị trường có công ty chứng khoán vốn chủ sở hữu hiện dưới 100 tỉ đồng, thậm chí khoảng 50 tỉ đồng. Việc quy định như vậy, sẽ cho các công ty chứng khoán lớn quyền định đoạt cuộc chơi và vô hình trung tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh chứng khoán.

Định nghĩa tài trợ giao dịch ký quỹ là cho khách hàng vay tiền. Với tổng mức cho vay có thể tới 200% vốn chủ sở hữu, công ty chứng khoán chắc chắn phải đi vay thêm để cho vay. Vay thêm ở đâu, dưới hình thức nào, thế chấp bằng gì? Động thái vay thêm tiền thực chất là huy động vốn, mà dự thảo chỉ mới đề cập đến đầu ra cho vốn của công ty chứng khoán, chưa thấy nói đến đầu vào.

Thế nào là chứng khoán cùng ngành?

Bên cạnh đó các điều kiện mà dự thảo đặt ra để một chứng khoán có thể lọt vào danh sách giao dịch ký quỹ khá phức tạp. Theo điều 11, khoản 2, phần a, b, giá trị bình quân của mức biến động giá và giá trị bình quân của mức chênh lệch giá cao thấp trong thời gian mẫu (90 ngày) của một cổ phiếu, chứng chỉ quỹ không vượt quá 150% giá trị bình quân mức biến động giá, giá trị bình quân mức chênh lệch giá cao thấp của tất cả các chứng khoán cùng ngành, cùng niêm yết trên một sở giao dịch.

Phân biệt và sắp xếp các đơn vị niêm yết vào cùng một ngành hiện rất khó khăn bởi chức năng của các doanh nghiệp tương đối dàn trải, ôm đồm và không rạch ròi đâu là chức năng chính. Chẳng hạn FPT là doanh nghiệp viễn thông hay thương mại khi mà phần lớn doanh thu của FPT là từ kinh doanh điện thoại di động? Hơn nữa trên sàn có hàng trăm doanh nghiệp không thuộc ngành bất động sản, nhưng đều có dính dáng tới bất động sản do tham gia vào dự án nhà đất này nọ. Tập đoàn Hòa Phát đâu chỉ có kinh doanh thép. Vậy xếp họ vào ngành thép hay bất động sản? Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đang chuyển dịch sang xây dựng, khai thác thủy điện, cao su. Vậy xếp HAG vào bất động sản hay cao su hay thủy điện hay cả ba nhóm HAG đều có mặt? Để tính được giá trị bình quân mức biến động giá của tất cả các cổ phiếu cùng ngành, trước hết SSC và hai sở HSX, HNX phải lập được chỉ số các ngành nghề và phân loại các doanh nghiệp niêm yết vào từng nhóm ngành. Chỉ riêng việc khắc phục cách tính VN-Index, vốn đã lỗi thời mà SSC còn chưa làm được, thì bao giờ mới phân loại được tất cả các đơn vị niêm yết theo ngành?

Còn giao cho các công ty chứng khoán tránh nhiệm, tính toán lựa chọn chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ rồi báo cáo với HSX, HNX như điều 12 quy định, thì danh sách ký quỹ của mỗi công ty sẽ mang nặng lợi ích riêng của chính bản thân họ và của nhóm khách hàng của họ.

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Nhiều công ty chứng khoán sẽ bị thu thuế VAT (19/06/2011)

>   Cho vay kinh doanh chứng khoán sẽ bị siết chặt hơn (18/06/2011)

>   Hiểm họa từ các mối liên kết chéo (17/06/2011)

>   Hãy để nhà đầu tư và CTCK tự lo cho mình (17/06/2011)

>   Cổ phần hóa khó, nghiệp vụ xác định giá trị DN “thiếu đất sống” (17/06/2011)

>   Miễn thuế chứng khoán: Mũi tên trúng nhiều đích (17/06/2011)

>   UBCK hợp tác hỗ trợ kỹ thuật với Ernst & Young (16/06/2011)

>   Bộ tài chính đề xuất miễn thuế cho NĐT chứng khoán từ 1/8 (16/06/2011)

>   UBCKNN hoãn tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Nghị định số 85 (15/06/2011)

>   Các sàn chứng khoán Đông Nam Á sẽ kết nối với Việt Nam từ 2013 (15/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật