Hình thành giá bán lẻ xăng dầu: Tìm cơ chế điều hòa lợi ích
Giá dầu trên thị trường thế giới đang ổn định ở mức dưới 100 USD/thùng, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore hiện chỉ ở mức 109,99 USD/thùng. Theo phân tích của các chuyên gia, đây là cơ sở để người tiêu dùng (NTD) trong nước hy vọng giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế trên thị trường không như vậy. Dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu có tình trạng giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm và có nên kiểm toán việc hình thành giá bán lẻ xăng dầu tại các đầu mối?
Vì sao giá xăng chưa giảm?
Theo bản tin thị trường xăng dầu số cuối tháng 6 của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), giá dầu thô WTI bình quân nửa đầu tháng 6-2011 là 99,31 USD/thùng, giảm 4,08 USD/thùng so với cùng kỳ tháng 5. Giá xăng cũng giảm theo giá dầu thô. Cụ thể, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore ngày 27-6-2011 được công bố trên website của Petrolimex là 109,99 USD/thùng. Từ thời điểm tăng giá xăng dầu ngày 29-3 cho đến nay, bản tin giá cơ sở (gồm các yếu tố cấu thành giá cơ sở như giá thế giới, thuế, phí, tỷ giá... để so sánh với giá bán lẻ) không còn xuất hiện trên website của Petrolimex. Tại sao khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, doanh nghiệp (DN) đã tích cực công bố giá cơ sở để chứng minh giá bán lẻ xăng dầu đến NTD đang thấp hơn giá cơ sở. Vậy, vì sao khi giá thế giới giảm, lại không công bố mức giá này để NTD biết, so sánh giá bán lẻ xăng dầu hiện có hợp lý hay không?
Sau quyết định ngày 9-6 của Liên bộ Tài chính - Công thương, thuế nhập khẩu với diesel và dầu hỏa đã tăng từ 0% lên 5%; trích quỹ bình ổn 100 đồng/lít với mặt hàng xăng, thay vì điều chỉnh giảm giá bán. Kể cả sau khi điều chỉnh thuế nhập khẩu và tăng mức trích quỹ bình ổn, DN xăng dầu đầu mối đang có lãi ngoài định mức khoảng 300 đồng/lít. Từ thời điểm Liên bộ ra quyết định nêu trên đến nay đã gần 1 tháng, song giá bán lẻ trong nước vẫn chưa giảm. Vì sao giá xăng trong nước chưa giảm, trong khi giá thế giới có xu hướng ổn định ở mức thấp hơn trước đó trong một thời gian khá dài là câu hỏi mà hàng triệu NTD trong nước đặt ra, trong khi đó các DN đầu mối xăng dầu vẫn "im lặng".
Điều hòa lợi ích
Trong khi đa số NTD có cảm giác "thiệt thòi" khi giá xăng trong nước giảm chậm hơn giá thế giới thì ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho rằng, khi giá thế giới tăng cao, để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá được Nhà nước giao, DN đầu mối đã chấp nhận lỗ và áp dụng giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở. Khi DN bắt đầu có lãi thì dường như dư luận lại nhìn nhận với cách nhìn không thiện cảm, như vậy là không thực sự khách quan. Theo ông Vương Thái Dũng, giá xăng hiện nay do Nhà nước điều hành. Cơ quan chức năng ở đây là Liên bộ Tài chính - Công thương sẽ theo dõi, giám sát. Nếu cần tăng hay giảm giá, Nhà nước sẽ ra quyết định và các DN phải chấp hành nghiêm túc.
Thế nhưng TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, Nghị định 84 của Chính phủ đã quy định các khoản thu khi tính giá cơ sở, như vậy các khoản này là minh bạch. Nhưng, không ai kiểm tra được giá nhập (giá gốc), DN nói sao NTD biết vậy. Trong khi đó, mỗi đầu mối có thể có nguồn nhập khác nhau nên giá nhập khác nhau. Trên thực tế, ngoài Petrolimex đã công bố giá cơ sở thì các đầu mối khác cũng phải đưa ra mức giá này NTD mới có thể so sánh xem DN nào hoạt động hiệu quả hay không hiệu quả ít nhất từ khâu xác định thị trường và giá nhập. Với thực tế hiện nay, rất khó xác định giá bán lẻ là đúng hay không đúng và việc điều chỉnh tăng giá, giảm giá là thuyết phục hay không thuyết phục. Hiện, việc giám sát và điều hành giá bán lẻ xăng dầu được giao cho Liên bộ Tài chính - Công thương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với thực tế "tăng nhanh, giảm chậm" của giá xăng dầu thời gian qua, ngoài sự quản lý của Nhà nước, cần có sự tham gia của một cơ quan kiểm toán độc lập để kiểm tra độ chính xác về thông tin hình thành giá bán lẻ. Cơ quan kiểm toán sẽ kiểm chứng bảng giá cơ sở mà DN xăng dầu đưa ra có chính xác hay không, qua đó giúp giá bán lẻ trong nước được điều chỉnh hợp lý hơn.
Theo các chuyên gia, liên quan đến giá xăng dầu hiện có 3 nhóm lợi ích xung đột. DN bao giờ cũng muốn tăng giá, nhưng không thể tăng bất hợp lý. Quyền lợi của Nhà nước trong chừng mực nào đó cũng là tăng giá vì giá tăng thu ngân sách cũng tăng. NTD luôn muốn giảm giá, đi ngược lại hai lợi ích trên. Như vậy, cần tìm cơ chế để điều hòa lợi ích giữa nhóm muốn tăng giá và nhóm muốn giảm giá thông qua một cơ quan độc lập để khẳng định lý do tăng giá là đúng hay chưa đúng. Và khi đó, người dân sẽ không còn băn khoăn giá tăng hay giảm có hợp lý hay không.
Hương Ly
HÀ NỘI MỚI
|