30% doanh nghiệp phá sản do lãi suất quá cao
Trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 30% số doanh nghiệp phải phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất.
Bức tranh tổng thể của nền kinh tế trong quý 2, đặc biệt là trong tháng 6 này khá sáng sủa, nhiều cán cân kinh tế vĩ mô về cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cho ý kiến về việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 6 tháng đầu năm 2011 vào sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa thật sự yên tâm với kết quả đạt được. Đặc biệt, nhiều thành viên của Uỷ ban này khá lo lắng trước tình trạng lãi suất tăng cao dẫn tới đình đốn hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt hơn 55% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ; bội chi ước vào khoảng 27.700 tỷ đồng, bằng 23% mức bội chi được Quốc hội cho phép. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cắt giảm được 80.550 tỷ đồng vốn đầu tư, tương đương 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã kéo tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm 7,2% so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào việc kiềm chế lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng thấp nhất kể từ đầu năm và đang có xu hướng giảm dần là một trong những kết quả đạt được đáng ghi nhận trong việc điều hành của Chính phủ. Nếu như tốc độ tăng CPI trong tháng 4 lên tới 3,32% thì sang tháng 5 giảm xuống chỉ còn 2,21% và đến tháng 6 này, CPI chỉ còn tăng 1,09%, bằng khoảng một nửa tốc độ tăng CPI trung bình trong 6 tháng đầu năm.
Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm cả nước có thêm 39.500 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký ước đạt trên 230.200 tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn bằng 95,3% và số vốn bằng 87,2% so với cùng kỳ năm 2010 cũng là kết quả đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, có được kết quả trên là nhờ Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong đó có việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách tiền tệ tín dụng chặt chẽ và thận trọng; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng và lãi suất hợp lý nhằm kiểm soát và ổn định thị trường tiền tệ.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhờ những giải pháp linh hoạt và chặt chẽ, nên trong 6 tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 2,45%; dư nợ tín dụng tăng 7,13% so với cuối tháng 12.2010.
Lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm dần, hiện tại lãi suất huy động VNĐ bình quân chỉ ở mức 15,5%/năm (chỉ tăng 3% so với cuối năm 2010), lãi suất cho vay thực tế vào khoảng 18,7%, chỉ tăng 3,4% so với cuối năm 2010.
Mặc dù đồng tình với nhận định, đánh giá của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch KTXH 6 tháng đầu năm, song Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội vẫn cho rằng, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cho vay vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
“Qua giám sát của Uỷ ban Kinh tế, đa số doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước cả về việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn. Trước thực tế này, không ít doanh nghiệp đã buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết.
Giám sát của Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bắc Giang có 43 doanh nghiệp “xin” ngừng hoạt động, tăng mạnh so với con số 30 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong năm 2010. Trong khi đó tại Bắc Ninh, số doanh nghiệp tự nguyện giải thể và trả lại giấy phép đăng ký kinh doanh cũng lên con số 44. Còn tại Hưng Yên, tuy không có con số doanh nghiệp ngừng hoạt động, song Hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương này cho biết chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp trên địa bàn có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Tức là chỉ có chừng ấy doanh nghiệp có thể tạm thu xếp được nhu cầu vốn để duy trì hoạt động.
Số doanh nghiệp phải giải thế, phá sản do không chịu đựng được với lãi suất vay vốn cũng như do không vay được vốn trên cả nước từ trước đến nay hầu như không có thống kê cụ thể, nhưng Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế trích dẫn nguồn từ cơ quan thuế cho biết, từ đầu năm đến nay có khoảng 30% số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh phải phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất
“Lãi suất vay vốn tăng quá cao, dao động vào khoảng 18-22%/năm, cá biệt lên đến 25-27%/năm (chứ không như báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là lãi suất cho vay thực tế vào khoảng 18,7%/năm) cộng với chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh đã làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, nhiều dự án bị đình hoãn và đang đứng trước nguy cơ đình hoãn”, ông Hiền cho biết và cảnh báo, hoạt động sản xuất - kinh doanh nếu bị đình trệ và kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ nợ xấu ngân hàng gia tăng trong nửa cuối năm 2011 và năm 2012.
Mạnh Bôn
đầu tư
|