Doanh nghiệp ôtô dài cổ chờ được cứu
Ôm hàng trăm chiếc xe về trễ hẹn, dự kiến cập cảng tháng 7, các doanh nghiệp ôtô giờ "đánh vật" với những thủ tục nhập khẩu chặt chẽ mới - có hiệu lực được 4 ngày. Mọi kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn rơi vào im lặng.
Vẫn quyết ép doanh nghiệp?
Sau khi Thông tư 20 có hiệu lực 4 ngày kể từ 26/6, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cho biết vẫn không thể kiếm được các loại giấy tờ liệt kê trong Thông tư 20, đặc biệt là giấy ủy quyền chính hãng.
Cách đây hơn 1 tháng, ngày 27/5, công văn kiến nghị tập thể của gần 100 doanh nghiệp đã gửi đến Bộ Công Thương về những điểm bất khả thi ở Thông tư 20, đồng thời, Bộ này cũng nhận được hàng chục công văn khác của các công ty xe nhập khẩu khác độc lập gửi đến với các đề xuất tương tự.
Trong đó, ngoài việc xin tạo điều kiện cho những lô xe ký trước ngày Thông tư ban hành, đã thanh toán tiền cho đối tác, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô còn đề xuất Bộ Công Thương tổ chức đối thoại, giải đáp vướng mắc chính sách cho doanh nghiệp.
Theo những nhà kinh doanh ôtô lâu năm, những lô hàng nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ, Canada, châu Âu, Trung Đông... thường mất 30-60 ngày làm thủ tục, từ xếp hàng đến khi tàu cập cảng Việt Nam. Hàng về đúng hẹn hay không, các doanh nghiệp ôtô hoàn toàn bị động vì tiềm ẩn nhiều rủi ro khách quan, như chủ tàu không bố trí được tàu đúng lịch, ùn tắc hàng hóa tại cảng trung chuyển, tàu phải dừng lại để tránh bão... Tuy nhiên, chính sách của Bộ Công Thương ban hành dường như không ngó gì tới thực tế này.
Trước phản ứng trên, Bộ Công Thương mới chỉ hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp bằng... lời nói. Sự khẳng định sẽ xem xét các trường hợp đặc biệt mới chỉ nằm rải rác trong các phát ngôn của lãnh đạo Bộ trả lời báo chí và phát biểu tại họp báo Chính phủ tháng 5.
Cho đến nay, các doanh nghiệp ôtô khẳng định vẫn chưa nhận được một công văn hồi âm nào của Bộ Công Thương về các kiến nghị của họ.
Mới đây, Bộ Công Thương "nới" thêm quy định theo hướng, các doanh nghiệp không nhất thiết phải có giấy ủy quyền của chính nhà sản xuất mà chỉ cần giấy ủy quyền của nhà phân phối hãng xe đó ở nước ngoài là được thông quan. Điều kiện đặt ra là nhà phân phối nước ngoài đó phải có quyền phân phối xe ở Việt Nam.
Nhắc đến điểm này, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc công ty Ôtô Đông Hải cho rằng: "Bộ Công Thương cởi trói cho doanh nghiệp nhưng bản chất là vô tác dụng. Thực tế thị trường ôtô cho thấy, nếu hãng xe nào đã có nhà phân phối nhập khẩu chính hãng ở Việt Nam thì đại lý ở nước ngoài không được quyền bán xe vào Việt Nam nữa. Bản thân chính hãng sản xuất không thể vi phạm qui định này thì làm sao, các nhà phân phối, đại lý cấp 2 lại dám vi phạm mà đưa ra giấy ủy quyền?".
Sự im lặng của Bộ Công Thương đang khiến cho hàng trăm nhà nhập khẩu ôtô lo âu và bức xúc vì phải chờ đợi trong vô vọng.
Nguy cơ ách tắc 2.000 xe ở cảng
Hiện nay, tại công ty CP xe Hàn, khoảng 100 xe Hàn Quốc, chủ yếu là hiệu Matiz, Kia Morning, trễ hẹn về Việt Nam. Ông chủ công ty này vò đầu bứt tai vì không biết phải xử lý số hàng này ra sao.
|
Đơn kiến nghị của các DN ôtô gửi đi cả tháng chưa có hồi âm |
"Tiền đặt cọc các lô hàng đều đã phải chuyển cho đối tác rồi nên không thể đòi lại. Nếu họ đã nhận tiền hàng đủ rồi và phủi tay trước rủi ro chính sách của mình thì mình chẳng làm gì được", ông than thở.
"Giờ nếu tái xuất lô hàng cũng không dễ dàng gì, mọi sự tùy thuộc vào tinh thần hợp tác của bên kia. Nếu đối tác chia sẻ theo phương án công ty Việt Nam trả thêm một khoản phí, họ nhận lại xe thì bao giờ họ bán được xe thì may ra họ mới trả tiền", nhà nhập khẩu này nói.
Chung nỗi khố đó, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc công ty xe Đông Hải cũng đang ngồi trên đống lửa với mấy chục xe nhãn hiệu Hyundai sẽ về cảng Hải Phòng trong khoảng từ ngày 4-7/7 tới. Số xe này nằm trong một chuyến hàng 300 chiếc ôtô của nhiều công ty ôtô nhập khẩu khác nhau đặt hàng từ Trung Đông.
Ông Hải cho biết: "Chúng tôi đã mở L/C từ trước ngày 12/5. Đáng lẽ, chuyến tàu sẽ cập cảng Hải Phòng trước 26/6. Nhưng vì bão biển Đông vừa rồi, tàu đã chuyển hướng tạm cập cảng ở Singapore. Nếu không được thông quan, thiệt hại này là do doanh nghiệp chịu hay do Bộ Công Thương, do Chính phủ chịu?" ông Hải băn khoăn.
Theo thông tin từ vị giám đốc này, nguy cơ tồn đọng tại cảng sẽ không dừng lại chỉ có 300 chiếc xe. Đối tác từ Trung Đông cho biết, có khoảng 2.000 xe của doanh nghiệp Việt Nam đã ký đặt đơn hàng từ trước, không kịp về trước 26/6 mà sẽ về cảng trong tháng 7.
Tùy từng hãng tàu, phí lưu container tại cảng là 30 USD/xe, từ ngày thứ 15 trở đi, mức phí lên tới 100 USD/ngày. Nếu bị ách tại cảng, doanh nghiệp có thể nhìn thấy rõ tổng mức thiệt hại hàng trăm triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng.
Một số nhà nhập khẩu ôtô khác không nghĩ được giải pháp nào hay hơn ngoài việc ngồi chờ động thái hỗ trợ của Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Thế Hùng, chủ tịch Công ty TM Kylin, chia sẻ: "Chúng tôi đã chuyển hơn chục triệu USD cho đối tác nhập khẩu ở Đài Loan, có chứng từ đầy đủ từ trước khi Thông tư 20 ban hành. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên trả lời phỏng vấn VTV nói sẽ xem xét các trường hợp đặc biệt như chuyển tiền trước ngày 12/5. Giờ chúng tôi đang dừng tiến độ nhập xe và chờ Bộ Công Thương có phương án xử lý".
Tuy nhiên, vị doanh nhân này vẫn thấp thỏm lo lắng: "Tôi tin vào lời của ông Thứ trưởng nhưng thực tế chưa có công văn chính thức nào của bộ về việc này".
Hầu hết, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô hiện nay chỉ còn biết tiếp tục gửi công văn cầu cứu sự "mở lòng" của Bộ Công Thương cho áp dụng quy định cũ với lý do hợp đồng ký trước khi Thông tư ban hành. Họ đều kỳ vọng răng, Bộ Công thương đã phát biểu trên báo chí như thế thì không có lý do gì lại quay lưng với doanh nghiệp mà thay đổi.
Phạm Huyền
diễn đàn kinh tế việt nam
|