Giãn thuế, doanh nghiệp có “dễ thở” hơn?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, đề xuất của Bộ Tài chính về việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đã được Chính phủ chấp thuận. Đây như một "chiếc phao” giúp các DN thoát khỏi thời kỳ khó khăn hiện nay. Song, nhiều DN lo lắng, kể cả đã được hỗ trợ chính sách về thuế, thì họ cũng vẫn phải đương đầu với vô vàn khó khăn trong tình hình lãi suất cao ngất ngưởng như hiện nay.
Khoảng 7.000 tỷ đồng hỗ trợ thuế cho DN
Như vậy, theo chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp, cùng với việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp 1 năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, lần này mở rộng thêm đối tượng được giãn là DN sử dụng nhiều lao động. Chính phủ cũng trình QH cho phép giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những DN đã được giãn. Theo Bộ Tài chính, ước tính có khoảng 200.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nằm trong diện được giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đề xuất của Bộ Tài chính. Số thuế dự kiến được giãn cho đợt này vào khoảng 7.000 tỷ đồng. "Đây được coi là biện pháp khẩn mà chúng tôi có thể làm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng, lạm phát” – Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Song, trước vòng xoáy lãi suất cao như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc giãn, giảm thuế TNDN chưa thực sự khiến họ vượt qua được "cơn bĩ cực” ở thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Đình Trường, Giám đốc Công ty TNHH Đan – kô cho biết nếu như hàng năm, doanh nghiệp hoạt động 100% công suất, thì doanh thu đạt khoảng hơn 150 tỷ đồng, như vậy mới có lãi để chi trả lương cho công nhân. Song, từ đầu năm đến nay, đã đi qua nửa năm 2011, nhưng chúng tôi chỉ đạt được 15% kế hoạch năm và việc lỗ gần như đã cầm chắc. Lý do là bởi chỉ kiếm tiền để trả lãi cho ngân hàng cũng đã khiến doanh nghiệp hết đường thở, nói gì đễn có lãi.
Đó có lẽ là lý do khiến nhiều doanh nghiệp vẫn không mấy hào hứng khi nhận được thông tin được giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ Bộ Tài chính. "Đối với doanh nghiệp chúng tôi, nếu như mọi năm được miễn giảm thuế thì còn thấy phấn khởi, nhưng năm nay, làm ăn đến giờ xác định là lỗ nặng rồi, lấy đâu ra tiền mà nộp thuế, vì vậy, có được miễn giảm cũng như không” – ông Trường băn khoăn.
DN vừa và nhỏ khó khăn, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang vô cùng chật vật. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh băn khoăn: Tốc độ tăng trưởng ngành chế biến gỗ trong 4 năm gần đây liên tục đi xuống, từ mức trung bình tăng trưởng 35% xuống còn vài phần trăm. Với thị trường Mỹ có dấu hiệu cho thấy họ có chuẩn bị áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng đồ gỗ. Khó khăn với doanh nghiệp ngành gỗ lên tới đỉnh điểm. Giá đầu ra của ngành gỗ không tăng trong khi giá đầu vào tăng rất nhanh. Lãi suất cao làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam. Chưa bao giờ có tình trạng lãi suất lên tới 23%-25% như hiện nay. Việc miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp là việc làm đúng song cũng cần có những giải pháp trọng điểm hỗ trợ từng vùng, đặc biệt tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có mức tăng trưởng xuất khẩu đang đi xuống.
Mong mỏi hạ lãi suất
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được đưa ra trong hoàn cảnh hiện nay không phát huy được nhiều tác dụng bởi, ở thời điểm này, số doanh nghiệp đứng vững trên thị trường trong tình trạng lãi suất "cắt cổ” như hiện nay là rất hiếm, nhiều doanh nghiệp chỉ mong tồn tại vượt qua vòng xoáy lãi suất hiện nay đã là "kỳ tích”. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, số DN sản xuất kinh doanh có lợi nhuận cao hơn mức lãi suất ngân hàng hiện không nhiều. Trong số này, các DN sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công... rất khó tiếp cận vốn. Có tiếp cận được thì chi phí vốn cũng quá cao. Chỉ có những đơn vị kinh doanh và hoạt động thương mại là dễ thở hơn nhưng vẫn rất chật vật.
Các chuyên gia hy vọng chính sách hỗ trợ sẽ hướng vào lãi suất chứ không chỉ đơn thuần về thuế. Cái mà DN mong muốn là họ có được nguồn kinh phí để trả lương cho công nhân và trả nợ cho ngân hàng, họ kinh doanh để phần lãi trả vào những chi phí đó, nhưng nếu lãi suất cao, nguồn lãi không có thì tất cả chỉ là con số 0. "Trong tình hình lạm phát cao như hiện nay thì việc nhìn thấy rõ nhất, để giảm khó khăn cho doanh nghiệp chính là giảm lãi suất cho vay, việc này nhất định cần sự chung tay ở phía hệ thống các ngân hàng” – ông Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, chính sách giãn, giảm thuế cho DN sẽ hỗ trợ cho DN khoảng gần 7.000 tỷ đồng. Song, con số này chỉ có ý nghĩa nếu các DN làm ăn có lãi.
Duy Phương
đại đoàn kết
|