Thứ Sáu, 08/07/2011 17:33

Xuất khẩu điều lo vỡ hợp đồng

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu điều lo ngại vỡ hợp đồng vì điều nguyên liệu nhập khẩu đang bị ách tại cảng do vướng quy định mới về an toàn thực phẩm.

Ngày 16/3/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông ban hành Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT, theo đó, từ 1/7, tất cả các lô hàng có nguồn gốc thực vật khi nhập vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Các nước muốn xuất khẩu hàng hóa thực vật vào Việt Nam phải đăng ký nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thực vật với cơ quan chức năng Việt Nam. Tần suất kiểm tra từ 10 đến 100% lô hàng, tùy mức độ rủi ro.

Quy định trên khiến người tiêu dùng phấn khởi, bởi nhiều năm qua, khâu kiểm tra thực vật nhập khẩu, nhất là rau quả nhập khẩu từ các nước lân cận, hầu như bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, sau một tuần thực hiện Thông tư 13, nhiều lô hàng điều thô (kể cả khô và tươi, bóc vỏ hoặc chưa bóc vỏ) nhập khẩu đã bị ách tại cảng, vì không thể đáp ứng được các quy định mới. Trước mắt, sự ách tắc này đã khiến các DN trong nước nhập khẩu điều nguyên liệu gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) lý giải, sở dĩ các lô hàng đang bị ách tại cảng là vì, đến nay, các nước xuất khẩu điều thô sang Việt Nam (Đông Phi, Tây Phi, Indonesia, Campuchia) đều chưa có hồ sơ đăng ký chính thức với Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Việt Nam. Chiểu theo Thông tư 13, tất cả lô hàng điều nguyên liệu này sẽ không được nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Học lo ngại, hàng loạt đơn hàng nhập khẩu điều đã được DN ký từ đầu năm 2011, trước khi Thông tư 13 chưa được ban hành và sắp về Việt Nam. Nếu những vướng mắc này không sớm được giải tỏa, tình trạng ách tắc hàng điều thô nhập khẩu tại cảng những tháng tới sẽ càng căng thẳng hơn, đe dọa đến khả năng thực hiện hợp đồng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của người lao động.

Trước tình trạng bất cập này, ngày 5/7, Vinacas đã gửi công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) hoãn việc áp dụng các quy định mới về kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu đối với mặt hàng hạt điều thô. Vinacas cũng kiến nghị các ngành chức năng xem xét đưa hạt điều thô ra khỏi nhóm hàng bắt buộc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu, vì đây chỉ là nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu (dạng tạm nhập tái xuất).

Trả lời vướng mắc của doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang nghiên xem xét tháo gỡ cho những đơn hàng ký trước ngày Thông tư ban hành. Tuy nhiên, về lâu dài, kể cả nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ xuất khẩu cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, Thông tư 13 ban hành từ tháng 3/2011, nghĩa là trước thời điểm có hiệu lực thi hành gần 4 tháng, DN và đối tác nhập khẩu không thể nói là không có thời gian chuẩn bị.

Lâu nay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước phải đáp ứng vô vàn tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật, vì vậy, không có lý do gì mà hàng hóa các nước nhập khẩu vào Việt Nam lại né tránh thực hiện các quy định kỹ thuật này. Hơn thế, mục đích của việc ban hành các quy định về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, không có gì khác hơn là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Mặt khác, với xuất xứ của hàng xuất khẩu từ Việt Nam, việc đảm bảo chất lượng thực phẩm cũng đồng nghĩa với việc xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu “made in Vietnam”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Luật phải nghiêm minh, các nước khác cũng có nghĩa vụ phải thực hiện quy định của Việt Nam. Từ 1/7, nước nào không đăng ký, thì kiên quyết không cho nhập khẩu thực vật, thực phẩm vào nước ta”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trước khi Thông tư 13 có hiệu lực, Cục đã gửi thông báo đến nhiều nước có thực vật xuất khẩu vào nước ta để đăng ký xuất khẩu và kiểm tra, nhưng đến 5/7 mới chỉ có 5 nước đăng ký là: Mỹ, Australia, Thái Lan, Canada, Trung Quốc.

Được biết, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trên 400.000 tấn điều nguyên liệu. Hiện đang là cao điểm nhập khẩu điều phục vụ sản xuất, xuất khẩu của các DN trong nước, bởi thu hoạch điều trong nước đã kết thúc từ tháng 5/2011. Những khó khăn trong nhập khẩu điều có thể khiến hoạt động sản xuất tại một số DN bị đình trệ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các DN nhập khẩu điều của Việt nam và các đối tác có được bài học cần thiết về chấp hành nghiêm túc các quy định mới của Chính phủ.

Thùy Liên

đầu tư

Các tin tức khác

>   Tìm lời giải cho bài toán "thừa điện vẫn phải đi mua" (08/07/2011)

>   Tập đoàn bán lẻ E-Mart vào Việt Nam (08/07/2011)

>   Bàn thêm về dự thảo giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước (08/07/2011)

>   Cạnh tranh nguyên liệu: Doanh nghiệp “nội” yếu thế (08/07/2011)

>   Phải minh bạch giá xăng dầu (08/07/2011)

>   Bí đầu ra, chưa năm nào hàng tồn nhiều như năm nay (08/07/2011)

>   Bộ Công Thương quyết 'trói', xe 'lướt' hết cửa về VN (08/07/2011)

>   Thép Việt Nam có nguy cơ bị điều tra bán phá giá (07/07/2011)

>   Tháng 8 sẽ có thêm một mạng di động? (07/07/2011)

>   Tiền thuê đất tăng đột biến, doanh nghiệp lúng túng (07/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật