Thứ Sáu, 08/07/2011 09:58

Bàn thêm về dự thảo giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước

Bộ Tài chính đã có dự thảo Quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Sau không ít những vụ bê bối về quản lý và sử dụng vốn tại các doanh nghiệp nhà nước gần đây, việc ban hành quy chế giám sát về tài chính với những doanh nghiệp này là cần thiết và cấp bách. Để đảm bảo sự minh bạch và tính khả thi của quy chế, căn cứ bản dự thảo ngày 6-5-2011, có những vấn đề sau đây cần được trao đổi thêm.

Xác định lại phạm vi giám sát và đại diện chủ sở hữu

Tên gọi của quy chế và phạm vi giám sát quy định trong quy chế là doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác có liên quan của pháp luật, việc đưa “doanh nghiệp có vốn nhà nước” vào phạm vi điều chỉnh của quy chế là quá rộng, không hợp lý.

Bởi lẽ, với những doanh nghiệp vốn nhà nước chỉ ở mức thấp, không chi phối, không thể áp đặt quy chế này vì việc giám sát tài chính tại các doanh nghiệp này do chủ sở hữu (hội đồng thành viên, hội đồng quản trị) quyết định. Đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp này không thể sử dụng quyền phủ quyết để áp đặt những nội dung của quy chế này đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, định nghĩa giám sát tài chính trong dự thảo ghi: “Giám sát tài chính là việc theo dõi, kiểm tra đánh giá các vấn đề về tài chính, chấp hành chính sách pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh”. Tuy nhiên, những vụ vi phạm làm thất thoát vốn của Nhà nước phần lớn xảy ra trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị bổ sung hoạt động “đầu tư” vào phạm vi giám sát của quy chế này bên cạnh “hoạt động kinh doanh”.

Mặt khác, khoản 2 điều 5 quy định bộ quản lý ngành thực hiện chức năng giám sát; còn khoản 4 điều 5 lại quy định về “cơ quan tài chính doanh nghiệp” là Bộ Tài chính và các sở tài chính tỉnh, thành phố (đối với doanh nghiệp do UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập). Có thể thấy, doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu lại có đến hai “chủ sở hữu” là bộ quản lý ngành hoặc UBND cấp tỉnh và cơ quan tài chính doanh nghiệp. Rất cần có quy định rõ ràng, đơn vị nào chịu trách nhiệm chính và có cơ chế phối hợp để tránh chồng chéo và né tránh trách nhiệm khi việc giám sát bị buông lỏng như đã xảy ra hiện nay.

Cần lượng hóa các tiêu chí đánh giá

Mục 2.1 khoản 2 điều 20 quy định về năm chỉ tiêu đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp gồm: (1) Doanh thu và thu nhập khác (áp dụng chỉ tiêu sản lượng sản phẩm tiêu thụ trong kỳ với một số ngành sản xuất); (2) Lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu; (3) Nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn; (4) Tình hình chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật về: thuế và các khoản thu nộp ngân sách, tín dụng, bảo hiểm, bảo vệ môi trường, lao động, tiền lương, chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính; và (5) Tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.

Sử dụng những chỉ tiêu nêu trên để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp là đúng. Song, điều quan trọng hơn cả là các chỉ tiêu trên phải được lượng hóa, có thể đo lường theo phương pháp thống nhất để tránh tình trạng áp dụng những cách tính khác nhau và đưa ra những kết quả khác nhau.

Hơn nữa, để đảm bảo sự khách quan, công bằng trong việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, dự thảo quy chế cũng quy định “...khi tính toán được xem xét loại trừ những yếu tố làm ảnh hưởng bao gồm: a) Do nguyên nhân bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh...); b) Do đầu tư mở rộng phát triển sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong hai năm đầu kể từ năm đưa công trình đầu tư vào sử dụng; c) Do Nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm do Nhà nước định giá) làm ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, trong thực tế, với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện do Nhà nước quy định giá vẫn gặp những trường hợp do giá cả thị trường biến động tăng hoặc giảm dẫn đến doanh thu, lợi nhuận cũng tăng hoặc giảm theo. Đó là tác động của nhân tố khách quan, không do doanh nghiệp chi phối. Vì vậy, cần loại trừ với cả trường hợp giả định trên.

Cần xem lại nhân sự giám sát

Theo quy chế, để giám sát tài chính, tại doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu có: kiểm soát viên do chủ sở hữu bổ nhiệm; ban kiểm soát nội bộ do hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty thành lập (khoản 2 điều 9). Nhưng theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP, trong các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu không có “ban kiểm soát nội bộ”.

Vậy, ban kiểm soát nội bộ được thành lập theo văn bản nào? Chức năng, nhiệm vụ và cơ chế tiền lương, tiền thưởng của bộ phận này quy định như thế nào? Ngoài ra, còn có bộ phận chuyên trách do kế toán trưởng tổ chức (khoản 2 điều 11). Đó là hệ thống quá cồng kềnh, rất có thể dẫn đến giẫm chân lên nhau, làm cho bộ máy gián tiếp tại các doanh nghiệp phình ra to hơn.

Luật gia Vũ Xuân Tiền

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cạnh tranh nguyên liệu: Doanh nghiệp “nội” yếu thế (08/07/2011)

>   Phải minh bạch giá xăng dầu (08/07/2011)

>   Bí đầu ra, chưa năm nào hàng tồn nhiều như năm nay (08/07/2011)

>   Bộ Công Thương quyết 'trói', xe 'lướt' hết cửa về VN (08/07/2011)

>   Thép Việt Nam có nguy cơ bị điều tra bán phá giá (07/07/2011)

>   Tháng 8 sẽ có thêm một mạng di động? (07/07/2011)

>   Tiền thuê đất tăng đột biến, doanh nghiệp lúng túng (07/07/2011)

>   300 container điều thô “mắc kẹt” vì Thông tư 13 (07/07/2011)

>   Vinacomin: 6 tháng đầu năm lãi hơn 3,800 tỷ đồng (07/07/2011)

>   Xuất khẩu da giày: Tăng ngoạn mục nhưng khó bền (07/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật