Thứ Sáu, 08/07/2011 06:18

Bộ Công Thương quyết 'trói', xe 'lướt' hết cửa về VN

Bộ Tài Chính đã đề nghị Bộ Công Thương nên “mở đường thoát” cho các doanh nghiệp ôtô trót ký hợp đồng nhập khẩu trước ngày 12/5, ngày Thông tư 20 ban hành song Bộ Công Thương cho biết còn phải xem xét kỹ. Những ngày này, hàng loạt rắc rối mới về nhập khẩu ôtô vẫn tiếp tục phát sinh.

Bộ Tài Chính xin mở, bộ Công Thương quyết trói

Trước khi Thông tư 20 quy định mới về thủ tục nhập khẩu ôtô có hiệu lực, ngày 26/6, các doanh nghiệp ôtô đều làm căng, gửi đơn kiến nghị tập thể xin lùi thời hạn thực hiện, xin đối thoại với bộ Công Thương. Đến nay, các nhà nhập khẩu đã nhún một bước, chỉ kiến nghị ở cấp độ tối thiểu nhất là đối với hợp đồng ký trước khi Thông tư 20 ban hành, đã chuyển tiền cho đối tác thì xin được áp dụng quy định cũ.

Trao đổi với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Chúng tôi ủng hộ việc ban hành Thông tư 20 song chính sách nào cũng cần chấp nhận có độ trễ nhất định, có giai đoạn chuyển tiếp."

Ông cho biết: "Vừa qua, Bộ Tài chính đã bày tỏ quan điểm chính thức với Bộ Công thương bằng văn bản liên quan đến Thông báo 197 và Thông tư 20 áp dụng các thủ tục nhập khẩu mới. Chúng tôi cho rằng, những hợp đồng nhập ôtô đã ký trước ngày 12/5, doanh nghiệp đã chuyển tiền rồi, đã thanh toán cho đối tác rồi thì có thể cho phép thông quan, nhưng hiện bộ Công Thương chưa hồi âm".

Trả lời băn khoăn này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng thừa nhận: "Trước mắt chúng tôi chưa cho thông quan một lô nào."

"Hiện nay, Bộ vẫn đang rà soát, xem xét kỹ các hóa đơn chứng từ liên quan đến ký kết hợp đồng, chứng từ giao hàng đặc biệt là chứng từ thanh toán. Chúng tôi phải phối hợp với cơ quan chức năng, hệ thống ngân hàng, thanh toán, hải quan và các cơ quan khác xử lý từng vụ việc cụ thể. Mọi việc vẫn đang trong quá trình xem xét", ông Biên nhấn mạnh.

Song lý giải về sự im hơi lặng tiếng trước các kiến nghị của doanh nghiệp, vị lãnh đạo này phân bua: "Chúng tôi sẽ có hồi âm nhưng nếu bây giờ hồi âm chưa đi vào thực chất vấn đề thông quan cho doanh nghiệp thì tôi nghĩ rằng chưa làm thỏa mãn cho doanh nghiệp. Do vậy, chúng tôi muốn có ý kiến đi vào thực chất vấn đề chứ không phải hồi âm mang tính chất hình thức".

Xe chạy lướt sẽ hết cửa về Việt Nam?

Trong khi chờ đợi sự xem xét của Bộ Công Thương, hàng loạt rắc rối mới "hậu" Thông tư 20 của các doanh nghiệp vẫn tới tấp được gửi đến Bộ này. Nhiều trường hợp nhập xe siêu sang nhập đơn lẻ hoặc là loại xe "chạy lướt"  (xe đã chạy dưới 10.000 km) cũng có nguy cơ hết cửa về.

Công ty ôtô Bảo Tín Sơn Tùng cho biết, hiện đơn vị đang tồn tới 14 hợp đồng nhập khẩu ôtô hạng sang, đã chuyển xong tiền từ trước ngày 12/5. Khi Thông tư 20 ban hành, nhà nhập khẩu này đã hết sức cố gắng đẩy các lô hàng về sớm trước ngày 26/6 nhưng thời gian quá gấp, các xe vẫn không thể về kịp.

Đại diện công ty này than thở: "Chúng tôi đang bị kẹt cứng. Nay, đã gần tới lúc phải giao hàng, chúng tôi đứng trước nguy cơ phải hoàn trả lại tiền cho khách và kèm theo, còn bị khách phạt vi phạm hợp đồng. Với đối tác nước ngoài, chúng tôi cũng không thể hủy đơn hàng  khi mà tiền đã chuyển cho họ và là đơn đặt riêng."

"Cũng vì là xe theo sở thích cá nhân nên thời gian đặt hàng bao giờ cũng lâu, khách đều phải trả tiền trước. Trong số đơn hàng tồn, có tới 6 hợp đồng đã ký và chuyển tiền từ tháng 8 đến tháng 11 năm ngoái. Nếu bị phạt, tổng giá trị lên tới vài triệu USD", nhà nhập khẩu này lo lắng.

Nói thêm về việc xin giấy ủy quyền của chính hãng, vị đại diện cho biết: "Chúng tôi hiện kinh doanh tới 5 thương hiệu xe sang như Rolls Royce Phantom, Benley, Renault... Không ai có thể đi cấp giấy ủy quyền cho một công ty phân phối 5 hãng xe khác nhau được".

Mới đây, công ty Đệ Nhất Auto cũng tức tốc gửi văn bản khiếu nại một trường hợp lô hàng 4 chiếc xe Kia Morning. Đây là lô xe đã được đăng ký, sử dụng và hủy đăng ký tại Hàn Quốc trước khi được làm thủ tục xuất khẩu về Việt Nam. Tuy nhiên, cả 4 chiếc xe này lại có thời gian đăng ký dưới 6 tháng, chạy dưới 10.000 km, nếu chiểu theo đúng Thông tư 31/2006 thì không đủ điều kiện là xe cũ. Cũng vì lẽ này, bộ Công Thương đã yêu cầu công ty Đệ Nhất phải có giấy ủy quyền phân phối chính hãng mới được cấp giấy phép nhập khẩu tự động.

Đại diện công ty này cho biết, thực tế vừa qua, loại xe này khi nhập khẩu đều được hiểu và thể hiện bằng văn bản là xe đã qua sử dụng. Việc này đều ghi trên kết quả kiểm hóa,  tên gọi trên hệ thống của cơ quan Hải quan, trên biên bản kiểm tra cũng như kết quả kiểm tra của cơ quan Đăng kiểm. Sự khác biệt ở đây chỉ là cách áp dụng chính sách thuế  cho loại xe này lại giống như xe chưa qua sử dụng.

"Nếu giờ, Bộ Công Thương đòi chúng tôi phải áp dụng theo hình thức như nhập khẩu xe mới, rất bất hợp lý ở chỗ, các hãng ôtô không thể nào cấp loại giấy ủy quyền phân phối cho loại xe đã sử dụng rồi, họ chỉ còn nghĩa vụ bảo hành", đại diện công ty này phân tích.

Tuy nhiên, trước vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên thẳng thắn: "Nếu xe đã lưu hành, lăn bánh không đảm bảo yêu cầu xe mới nguyên chiếc thì vẫn nhập khẩu được. Nếu muốn nhập khẩu theo hình thức xe đã qua sử dụng thì công ty phải đáp ứng được yêu cầu tiêu chí xe đã qua sử dụng, như là đi 10.000 km, lưu hành 6 tháng tối thiểu. Chúng tôi không thể nào giải quyết yêu cầu lửng lơ không ăn nhằm vào một quy định nào."

Có lẽ, các vướng mắc về nhập khẩu ôtô này rất khó mà được giải quyết một sớm một chiều theo mong muốn của giới doanh nghiệp. Với lượng xe ôtô nhập khẩu dưới 9 chỗ trong 6 tháng qua đã tăng tới 67% về lượng, Bộ Công Thương canh cánh nỗi lo phải giảm nhập siêu dưới 16% giá trị kim ngạch xuất khẩu, e là sẽ khó mở cửa nhân nhượng các nhà nhập khẩu dù cho, ôtô không phải là "tội đồ" duy nhất của vấn nạn nhập siêu.

Phạm Huyền

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Thép Việt Nam có nguy cơ bị điều tra bán phá giá (07/07/2011)

>   Tháng 8 sẽ có thêm một mạng di động? (07/07/2011)

>   Tiền thuê đất tăng đột biến, doanh nghiệp lúng túng (07/07/2011)

>   300 container điều thô “mắc kẹt” vì Thông tư 13 (07/07/2011)

>   Vinacomin: 6 tháng đầu năm lãi hơn 3,800 tỷ đồng (07/07/2011)

>   Xuất khẩu da giày: Tăng ngoạn mục nhưng khó bền (07/07/2011)

>   Sức cạnh tranh của đội tàu nội suy giảm (07/07/2011)

>   Khai phá thị trường thiết kế công nghiệp (07/07/2011)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu mệt mỏi với lãi suất (07/07/2011)

>   Tăng thuế xuất khẩu thép: Thiệt hơn chưa tỏ! (07/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật