Giảm dư nợ phi sản xuất: Thuốc đắng dã tật
Việc giảm dư nợ phi sản xuất là điều cần thiết để hạ nhiệt thị trường bất động sản và tập trung vốn vay ngân hàng cho lĩnh vực sản xuất.
"Dự án căn hộ Green Park Tower của chúng tôi có tổng vốn đầu tư 900 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của Công ty là 150 tỉ đồng, vốn vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 324 tỉ đồng, còn lại là nguồn khác. Vốn vay BIDV đang giải ngân cho Dự án thì bị siết lại do có quy định mới của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, chúng tôi phải tìm nguồn vốn mới để bù vào”, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Constrexim (Constrexim - HOD), nói. Tuy nhiên, ông cho biết nhờ linh hoạt huy động vốn từ cán bộ nhân viên và nguồn tiền thu được từ việc bán căn hộ, nên Dự án không bị ảnh hưởng nhiều.
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể xoay vốn để tiếp tục triển khai dự án như Constrexim - HOD. Đó là lý do mới đây Bộ Xây dựng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt điều chỉnh tỉ trọng cho vay phi sản xuất đối với từng dự án và đối tượng (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải giảm tỉ trọng cho vay phi sản xuất xuống còn 22% vào cuối tháng 6 và 16% vào cuối năm nay).
Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý II/2011 của Công ty Colliers International Việt Nam, vốn vay ngân hàng luôn là nguồn tài trợ chính của doanh nghiệp phát triển bất động sản và chiếm phần lớn dòng tín dụng phi sản xuất của các ngân hàng ở Việt Nam. Tuy vậy, do sự phổ biến và khả năng sinh lời của loại tín dụng này, các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ những chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước.
Bà Nguyễn Minh Thu, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), cho biết dù khó nhưng cũng phải xoay xở để thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Năm nay, OceanBank không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên hàng đầu mà chú trọng đến chất lượng tín dụng. “Hiện nay, tỉ lệ cho vay phi sản xuất của OceanBank đạt 21,75%, trong đó dư nợ cho vay chứng khoán chưa đến 1%”, bà nói.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), tính đến ngày 30.6, dư nợ phi sản xuất của Ngân hàng đã giảm xuống mức 21%. OCB cũng có kế hoạch kinh doanh mới nhằm thích nghi với chính sách của Ngân hàng Nhà nước như tích cực thu hồi nợ khi đến hạn và tập trung tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực sản xuất.
Đến cuối tháng 5.2011, theo Ngân hàng Nhà nước, vẫn còn 18 ngân hàng thương mại có dư nợ phi sản xuất trên 22%, trong đó 9 ngân hàng hơn 30%. Đến đầu tháng 6, tỉ lệ này đã giảm 9,46% so với cuối năm 2010, chiếm 16,91% tổng dư nợ. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, đến đầu tháng 6.2011, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản đạt 220.787 tỉ đồng, giảm 6,16% so với cuối năm 2010, chiếm 9,4% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến ngày 1.7, vẫn còn 6 ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.HCM chưa hạ được dư nợ phi sản xuất về mức 22%. Nhưng ông không tiết lộ tên 6 ngân hàng này.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế Economica Việt Nam, cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay bất động sản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tăng cao là chủ trương đúng đắn và nên ưu tiên vốn vay ngân hàng vào lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, vì sản phẩm bất động sản là đầu ra cuối cùng của nhiều ngành sản xuất có liên quan như sắt, thép, nên chuyện siết tín dụng phi sản xuất cũng cần có sự cân nhắc đối với từng trường hợp cụ thể.
Thành Trung
nhịp cầu đầu tư
|