Cạnh tranh hệ thống phân phối: Rát mặt ở “sân sau”
Hệ thống phân phối đóng vai trò quan trọng trong chu trình khép kín sản xuất, là “sân sau” quyết định sự thành bại của doanh nghiệp (DN). Từ khâu trung gian này mà giá hàng hóa có thể bị đẩy lên cao nhưng cũng có khi làm “hạ nhiệt” thị trường. Cuộc chiến ở “sân sau” đang nóng khi nhiều DN nước ngoài đẩy hàng vào Việt Nam, còn DN xuất khẩu ở trong nước đang tìm về thị trường nội địa.
Do bất cập ở khâu phân phối, nhiều mặt hàng “chiến lược” như sắt, thép, dược phẩm bị đẩy giá lên vô tội vạ. Các nhà sản xuất vì muốn đẩy hàng theo kiểu mua đứt bán đoạn nên đã mặc tình để các nhà phân phối cấu kết thao túng giá. Kiểm soát các khâu phân phối cũng đang là bài toán cho nhiều doanh nghiệp muốn giữ thương hiệu và uy tín.
Còn nhà phân phối giấu mặt
Nhiều tháng nay, giá cả trên thị trường liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Trong đó, sắt thép thay giá liên tục, sữa hai lần được điều chỉnh còn các mặt hàng thực phẩm thì luôn “phi nước đại”. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân của những đợt biến động này là do khâu phân phối.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), do hiện nay các DN ngành thép (DN trong và ngoài nước) không có hệ thống tiêu thụ trực tiếp mà qua các công ty phân phối.
Hàng sau khi ra khỏi nhà máy được qua tay nhiều cấp phân phối khác nhau khiến giá thép bị đẩy lên cao. Không chỉ vậy, các DN nước ngoài còn dùng hình thức mua đứt bán đoạn để giảm rủi ro nên không kiểm soát được giá bán đến tay người tiêu dùng.
Cũng như sắt, thép, các hãng sữa, đặc biệt là sữa nhập không thể kiểm soát được giá bán của các đại lý. Khi thị trường có những biến động về chi phí đầu vào, các đại lý lấy cớ này để tăng giá bán.
Một nguyên nhân khác nữa là do việc quản lý chưa chặt chẽ. Theo quy chế hiện tại, Bộ Tài chính chỉ quản lý giá sữa của các DN sản xuất và nhập khẩu, còn giá bán của các đại lý thuộc thẩm quyền của các Sở Tài chính địa phương. Trên thực tế, các Sở Tài chính địa phương chưa thể kiểm soát được hàng ngàn các đại lý trong cả nước.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Thịnh, Phó tổng giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Kinh Đô (HOSE: KDC), cho rằng, giá tăng không hoàn toàn do hệ thống phân phối mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như: kinh tế vĩ mô, tỷ giá, giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí phân phối...
Cùng nhận định này, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan khẳng định: “Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các nhà sản xuất và phân phối đều tìm mọi cách, kể cả chia sẻ lợi nhuận, để giữ được khách hàng.
Chỉ có những DN chụp giựt nghĩ ngắn hạn mới làm điều đó mới tăng giá bán, còn đa số là các DN có uy tín, có thương hiệu đều tìm cách để bảo vệ ngươi tiêu dùng cũng như bảo vệ uy tín của họ”. Ghi nhận thực tế thị trường cũng cho thấy, nhiều mặt hàng, nhất là hàng tiêu dùng nhanh bán ở các cửa hàng, siêu thị có giá thấp hơn so với giá in trên bao bì sản phẩm.
Chẳng hạn, dầu gội Clear 650g giá trên bao bì là 95.000 đồng nhưng bán ra chỉ 91.000 đồng, bột giặt Omo 3kg giá 145.000 đồng, các cửa hàng bán với giá 140.000 đồng...
Chịu lỗ kiếm lời
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp tư nhân không có hệ thống tiêu thụ trực tiếp mà bán hàng thông qua các công ty cấp 1, nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất chỉ biết sản xuất mà không chịu trách nhiệm đến cùng giá sản phẩm của mình.
Ngược lại, chính người tiêu dùng cũng không muốn mua trực tiếp từ các nhà sản xuất, vì không được hưởng phần trăm chênh lệch. Đây cũng chính là cơ hội để các công ty cấp 1, 2, 3, 4... rồi đến các cửa hàng bán lẻ của tư nhân phát triển.
Theo phân tích của ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (Miti), chỉ những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn, nhanh hoặc thời vụ như sắt thép hoặc những mặt hàng mang tính độc quyền như thuốc, sữa mới bị nâng giá. Còn lại, hầu hết các mặt hàng mang tính cạnh tranh đều phải giảm giá bán.
Các sản phẩm của Miti bán tại nhiều đại lý đều có giá thấp hơn giá niêm yết do Công ty đưa ra. Lý giải về hện tượng này, ông Kiên chia sẻ: “Bán càng nhiều hàng thì mức chiết khấu của nhà phân phối càng cao nên nhà phân phối chấp nhận giảm giá bán để đẩy hàng đi nhanh hơn”. Trước sức mua yếu dần, nhiều nhà phân phối điện tử hiện nay còn chấp nhận bán lỗ để lấy thưởng doanh số bù vào.
Bởi vì, theo tiết lộ của một nhà phân phối hàng điện tử, mức chiết khấu nhà phân phối trích cho các đại lý thường dao động từ 3-5%, có những trường hợp đến vài chục phần trăm nếu doanh số bán lớn. Còn chiết khấu hãng sản xuất dành cho nhà phân phối thường ở mức 2 con số.
Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc Đối ngoại Công ty FrieslandCampina VN, khẳng định Công ty có hệ thống các giải pháp đồng bộ để thực hiện chính sách một giá cho hệ thống phân phối.
Tuy nhiên, từ cửa hàng bán lẻ đến người tiêu dùng, do tính độc lập tương đối của cửa hàng bán lẻ, Công ty khó có thể buộc cửa hàng bán lẻ bán cùng một giá cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, “do quy luật cạnh tranh, thường người bán lẻ sẽ giảm giá để thu hút khách hơn là bán với giá cao hơn giá khuyến nghị của nhà sản xuất”, ông Luân nói.
Hồng Nga - Thanh Ngân
Doanh nhân Sài Gòn
|