Thu thuế CTCK: Giơ cao nhưng nên đánh khẽ!
Khẳng định của Bộ Tài chính về việc thu 10% thuế VAT đối với khoản phí dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán khiến các CTCK… choáng, bởi tình hình tài chính của nhiều công ty đang ở vào tình cảnh rất bi đát. Nếu phải nộp thêm một khoản thuế cả chục tỷ đồng thì sức ép tài chính lên các CTCK sẽ “căng như dây đàn”.
* Truy thu thuế VAT: Công ty chứng khoán khó thoát!
* CTCK có nguy cơ bị truy thu thuế VAT
Nếu Bộ Tài chính quyết tâm thu thuế VAT, đại diện tiếng nói của các CTCK, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cho hay, các CTCK không có sự lựa chọn nào khác. Thế nhưng, điều này không khỏi gây ấm ức trong các thành viên VASB, bởi theo các CTCK, do quy định pháp lý về nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, cũng như pháp luật về thuế VAT đối với dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán còn có điểm chưa thực rõ ràng, khiến CTCK không biết thực hiện thế nào cho chuẩn, chứ chưa hẳn là biết nhưng cố tình trốn thuế.
Cụ thể, theo Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 8/12/2008 hướng dẫn một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, các đối tượng không phải chịu thuế VAT ngoài môi giới, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, còn có các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trong khi đó, theo quy định của Luật Chứng khoán, ngoài các nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán, CTCK được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác... Với câu chữ như vậy, các CTCK có thể hiểu dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho NĐT là dịch vụ kinh doanh khác và không phải kê khai, nộp thuế VAT.
Ông Kỳ cho biết, các CTCK hiện quá khó khăn và điều này được thể hiện rõ nhất qua kết quả kinh doanh quý I/2011, nhiều công ty thuộc tốp đầu vẫn thua lỗ lớn. Nếu truy thu thuế sẽ đẩy CTCK, với tư cách là một trong những “người chơi chính” trên TTCK đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt. Kết cục là không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân các CTCK, mà còn tác động đến cả thị trường và nền kinh tế. Trong khi đó, kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đánh giá và báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2011 về tình hình hoạt động của TTCK, đồng thời đề xuất giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp nhằm phát triển thị trường ổn định, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tức là trong giai đoạn nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, hoạt động của TTCK, trong đó có sự phát triển lành mạnh của các thành viên thị trường vẫn được cơ quan hành pháp cấp cao nhất quan tâm, chú trọng.
Câu chuyện truy thu thuế VAT đối với khoản phí dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, nếu đặt lên bàn cân và soi xét về mặt lý, thì không dễ phân định quả cân nghiêng về bên nào. Còn xét về tình, sẽ là hợp lý hơn nếu cơ quan quản lý “giơ cao đánh khẽ”, bởi đây là thời điểm nên có các hình thức hỗ trợ TTCK thoát khỏi cơn bĩ cực hiện tại.
Hữu Hòe
đầu tư chứng khoán
|