Truy thu thuế VAT: Công ty chứng khoán khó thoát!
Nếu tận thu thuế tất cả các hoạt động nghiệp vụ tài chính trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nêu trên sẽ đẩy các CTCK vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
* Công ty Chứng khoán có nguy cơ bị truy thu thuế VAT
Sau khi Báo ĐTCK số ra ngày 6/6 đăng bài “CTCK có nguy cơ bị truy thu thuế VAT”, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) ngay lập tức có Công văn số 21.11 CV/HHCK gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề nghị bãi bỏ việc thu thuế giá trị gia tăng (VAT) cho CTCK đối với dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính đã bác kiến nghị này.
|
Theo VASB, ngày 25/5, Hiệp hội có Công văn số 20.11 CV/HHCK gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch UBCK kiến nghị khai thông một số vướng mắc nhằm hỗ trợ TTCK phát triển. Tiếp theo những ý kiến đã đề cập tại công văn này, VASB vừa đề nghị Bộ Tài chính, UBCK bãi bỏ việc thu thuế VAT không phù hợp với điểm b khoản 4 Điều 3 của Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 8/12/2008 hướng dẫn một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó quy định đối tượng không chịu thuế VAT trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán gồm: môi giới, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của các Sở hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán, các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Theo VASB, xét về bản chất, các nghiệp vụ phát sinh thêm tại CTCK là nghiệp vụ hỗ trợ tài chính cho NĐT phù hợp với quy định tại Điều 60 Luật Chứng khoán và thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của Nghị định 123. Với lập luận này, VASB cho rằng, các CTCK không phải chịu thuế VAT đối với các dịch vụ: ứng trước tiền bán chứng khoán, repo chứng khoán, hợp tác kinh doanh chứng khoán niêm yết. Việc thu thuế VAT đối với các nghiệp vụ này là không phù hợp, nhất là trong bối cảnh các CTCK đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết đều bị thua lỗ. Nếu tận thu thuế tất cả các hoạt động nghiệp vụ tài chính trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nêu trên sẽ đẩy các CTCK vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế, UBCK có cái nhìn khác. Theo một quan chức UBCK, có hai điểm khiến VASB và CTCK không hiểu do vô tình hay hữu ý nhầm tưởng nghiệp vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng là nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, nên không phải chịu thuế VAT. Đầu tiên là theo quy định của Nghị định 123, các đối tượng không phải chịu thuế VAT ngoài các nghiệp vụ: môi giới, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán…, còn có các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Điều này có nghĩa là bất kỳ một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán nào, như VASB nêu ra, mà các CTCK triển khai đều phải được pháp luật về chứng khoán cho phép và quy định rõ ràng, thì mới được coi là đối tượng không phải chịu thuế VAT, vì chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Mặt khác, theo quy định của Điều 60 Luật Chứng khoán, thì nghiệp vụ kinh doanh mà CTCK được phép triển khai gồm: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Tại khoản 3 Điều 60 quy định: “Ngoài các nghiệp vụ kinh doanh trên, CTCK được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác”. Theo đại diện UBCK, như vậy không có nghĩa là CTCK được tự chủ trong triển khai các nghiệp vụ mới, bởi chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên chỉ khi Bộ Tài chính cho phép CTCK mới được triển khai các dịch vụ tài chính khác, trong đó có cho khách hàng ứng trước tiền bán chứng khoán. Khi đó, dịch vụ này mới không phải chịu thuế VAT.
Để làm rõ hơn quy định này, Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đã sửa khoản 3 Điều 60 với nội dung: “Ngoài nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán quy định tại khoản 1 Điều này, CTCK được nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của NĐT cá nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính”.
Vị quan chức của UBCK cho biết thêm, theo quy định của Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, CTCK được phép triển khai giao dịch ký quỹ. Như vậy, khi đó nghiệp vụ này mới không phải là đối tượng chịu thuế VAT, còn hiện tại, việc thu thuế là đúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán và Luật thuế VAT. Bởi vậy, các CTCK phải tự giác kê khai, nộp thuế VAT theo đúng quy định đối với khoản ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng.
Trao đổi với ĐTCK, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính về thu 10% thuế VAT đối với phí dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, Tổng cục đang chỉ đạo Cục thuế các địa phương thực hiện nghiêm túc. Về nguyên tắc, trong quá trình kiểm tra, quyết toán thuế, nếu cơ quan thuế phát hiện CTCK không tự giác kê khai, tự giác tự nộp thuế VAT đối với khoản phí này, thì sẽ truy thu và xử phạt theo đúng quy định tuỳ theo tính chất vi phạm, nhằm đảm bảo công bằng trong chấp hành nghĩa vụ thuế của các CTCK.
“Cần sửa bất hợp lý của thuế VAT đối với CTCK”
Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI)
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ quan thuế phải thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với khoản phí dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng thì các CTCK có thể sẽ buộc phải tuân thủ. Tuy nhiên, để đồng bộ hoá với các quy định pháp luật khác về tài chính, ngân hàng, cũng như phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính nên xem xét, sửa đổi một số điểm chưa hợp lý của thuế VAT đối với một số dịch vụ tài chính của CTCK, trong đó có ứng trước tiền bán chứng khoán. Bởi thực chất, khoản phí thu từ dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán không tạo ra giá trị gia tăng.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của CTCK”. Điều này có nghĩa là Luật Các tổ chức tín dụng đề cập rõ CTCK được phép cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ; mua, bán lại chứng khoán…, nên lẽ ra không phải chịu thuế VAT đối với dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, với tư cách là nghiệp vụ cho vay theo quy định của pháp luật về thuế VAT.
Theo thông lệ quốc tế, CTCK là công ty tài chính được phép cung cấp tín dụng tương tự như các tổ chức tín dụng. Điểm khác cơ bản là CTCK cung cấp tín dụng cho riêng lĩnh vực chứng khoán. Việc tách bạch hoạt động cấp tín dụng như vậy vừa giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng, vừa giúp CTCK nâng cao tính tự chủ trong cung cấp tín dụng cho khách hàng. Bản chất của dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là hoạt động CTCK cho khách hàng vay và thu phí. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về thuế VAT của Việt Nam, thì dịch vụ cấp tín dụng dưới hình thức cho vay không phải chịu thuế VAT. |
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|